Mặc dù đã có chính sách nhưng giáo dục mầm non tại địa bàn khu công nghiệp vẫn đặt ra nhiều thách thức trong nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển giáo dục mầm non cho các địa bàn này như: Công tác quy hoạch, phát triển cơ sở giáo dục mầm non ở khu công nghiệp chưa phù hợp với nhu cầu của công nhân, người lao động; chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em còn một số hạn chế, đặc biệt là trẻ em nhà trẻ...
Hiện nay, một số địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên... đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo điều kiện học tập cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em tại các khu công nghiệp.
Không có sự phân biệt giữa trẻ em có hộ khẩu tạm trú và thường trú khi đăng ký học mầm non
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Chiến - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nhận định, nhu cầu gửi con em của công nhân vào các trường mầm non ngày càng tăng cao.
Hiện nay, thị xã Việt Yên có 27 trường mầm non, gồm 19 trường công lập và 8 trường tư thục. So với các năm trước, năm nay, số lượng trường mầm non tư thục giảm do một cơ sở đã tạm ngừng tuyển sinh để xây dựng mới. Do đó, để tránh xảy ra tình trạng quá tải, các cơ quan quản lý đã và đang phối hợp chặt chẽ để cân đối số lượng trẻ đăng ký vào các trường mầm non. Bởi, khi số lượng công ty trong khu công nghiệp tăng lên và lực lượng lao động ở khắp nơi đổ về sẽ kéo theo nhu cầu gửi trẻ ngày càng cao.
Ông Nguyễn Văn Chiến (bên phải) - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử thị xã Việt Yên tỉnh Bắc Giang)
Theo ông Chiến, một trong những khó khăn mà công nhân thường gặp phải là việc gửi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi. Hầu hết công nhân phải quay lại làm việc sau 6 tháng nghỉ thai sản, đồng thời, đối với nhiều gia đình từ nơi khác chuyển đến sẽ khó có thể nhờ người thân hỗ trợ. Do đó, nhiều phụ huynh có nhu cầu gửi con đi nhà trẻ từ rất sớm nhưng trên thực tế, một số cơ sở thường ngại nhận vì các bé còn quá nhỏ.
"Hiện trên địa bàn thị xã Việt Yên không có sự phân biệt giữa trẻ em có hộ khẩu tạm trú và thường trú trong việc đăng ký học tại các trường mầm non. Đây là một chính sách rất nhân văn và công bằng, đảm bảo mọi trẻ em đều có quyền được học tập, bất kể xuất thân hay tình trạng cư trú của gia đình. Chính sách này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho con em công nhân mà còn giúp công nhân yên tâm lao động, tập trung hoàn toàn vào công việc, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và góp phần thúc đẩy kinh tế cho địa phương", ông Chiến nhấn mạnh.
Cùng bàn về vấn đề này, ông Vũ Đình Lập - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương khẳng định, khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Đây cũng là nơi mang lại cơ hội việc làm cao cho người lao động. Do đó, đông đảo lao động từ khắp tỉnh thành đổ về làm việc, sinh sống, dẫn đến nhu cầu gửi trẻ là con của công nhân ngày càng lớn. Trước bối cảnh này, việc xây dựng trường mầm non tại các khu công nghiệp, phục vụ cho đối tượng con em của công nhân trở thành một vấn đề cấp bách được nhiều phụ huynh quan tâm. Bởi, thực tế chỉ ra, nhiều gia đình công nhân chấp nhận gửi con ở các cơ sở mầm non tư thục với chi phí cao để tiện đưa đón vì các trường mầm non công lập xa khu công nghiệp.
Tuy nhiên, ông Lập cho rằng, để thực hiện hoá việc xây dựng trường mầm non tại các khu công nghiệp còn đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó có việc thiếu quỹ đất dành riêng cho giáo dục mầm non bởi tại các khu công nghiệp, quỹ đất chủ yếu được sử dụng cho phát triển nhà máy, xí nghiệp và các cơ sở hạ tầng liên quan. Các dự án trường mầm non phải cạnh tranh khốc liệt với các mục đích sử dụng đất khác, trong khi đó, ngân sách dành cho xây dựng và phát triển giáo dục mầm non còn hạn chế.
Ngoài ra, các cơ chế chính sách liên quan đến việc đầu tư xây dựng trường mầm non tại khu công nghiệp còn thiếu đồng bộ và rõ ràng. Mặc dù Nhà nước đã có những chính sách khuyến khích đầu tư vào giáo dục, nhưng chưa đủ để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng thời, tiêu chuẩn xây dựng trường mầm non tại các khu công nghiệp cũng cần phải được điều chỉnh để phù hợp với đặc thù của khu vực. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giờ giấc hoạt động của trường mầm non ở khu công nghiệp cần linh hoạt hơn để phù hợp với ca làm việc của phụ huynh.
Cần có thêm các chính sách nâng cao chất lượng giáo dục mầm non
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp là một bước tiến quan trọng nhằm giải quyết các khó khăn mà công nhân đang phải đối mặt. Theo đó, những người có thu nhập thấp sẽ được tiếp cận với những chính sách, dịch vụ phù hợp điều kiện kinh tế. Do đó, cần có thêm các chính sách hỗ trợ phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, việc xây dựng trường mầm non công lập gần khu công nghiệp không chỉ giúp giải quyết vấn đề quá tải cho các trường hiện có mà còn giúp đảm bảo rằng mọi trẻ em, dù là con em công nhân đều có cơ hội tiếp cận với giáo dục chất lượng từ giai đoạn sớm nhất của cuộc đời. Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng giảm phần nào áp lực kinh tế, từ đó giúp họ yên tâm lao động, sản xuất.
Thị xã Việt Yên có khoảng 27 trường mầm non, gồm 19 trường công lập và 8 trường tư thục. (Ảnh minh hoạ: Website Trường Mầm non thị trấn Nếnh, thị xã Việt Yên)
Cùng bàn về vấn đề này, ông Dương Thanh Trọng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cho biết, nhiều công nhân cũng mong muốn có môi trường giáo dục chất lượng cho các con. Bởi, nhu cầu của các bậc phụ huynh không chỉ muốn gửi trẻ để có thời gian đi làm, mà còn kỳ vọng các bé có thể được rèn luyện những kỹ năng và hình thành tính cách tốt. Bên cạnh đó, khi các trường mầm non được xây dựng gần nơi làm việc của công nhân, họ sẽ dễ dàng trong việc đưa đón trẻ, dành công sức và thời gian còn lại để tập trung vào công việc để có thu nhập trang trải cuộc sống.
"Đây là mong mỏi chính đáng của phụ huynh khi hầu hết công nhân đều làm việc theo ca hoặc tăng ca, khiến việc đưa đón con em gặp nhiều khó khăn nếu trường học nằm ở vị trí quá xa. Hiện các trường mầm non công lập trong khu vực vẫn đảm bảo số lượng trẻ, tuy nhiên, nếu xét về lâu dài, khi các khu công nghiệp tăng lên sẽ dễ gặp tình trạng quá tải. Từ đó, chất lượng giảng dạy không chỉ bị ảnh hưởng mà còn tạo áp lực cho đội ngũ giáo viên mầm non vốn đã thiếu hụt về nhân lực.
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều gia đình công nhân mong muốn gửi con vào trường công lập là học phí thấp, phù hợp với khả năng tài chính. Tuy nhiên, một số phụ huynh khác vẫn lựa chọn mô hình trường tư thục vì nhiều nguyên nhân như đăng ký dễ dàng, linh hoạt thời gian đưa đón... Đổi lại, phụ huynh phải chấp nhận bỏ ra chi phí hàng tháng cao hơn và với nhiều gia đình công nhân có thu nhập thấp, điều này có thể tạo áp lực tài chính cho họ", ông Trọng nêu quan điểm.
Theo ông Trọng, việc xây dựng trường mầm non gần khu công nghiệp có thể sẽ đối diện với khó khăn liên quan đến thiếu quỹ đất. Do vậy, cần có các chính sách điều chỉnh từ cấp Trung ương nhằm quy hoạch, phân bổ lại đất đai, ưu tiên cho các dự án giáo dục tại khu vực công nghiệp. Ngoài ra, việc thu hút nguồn lực tài chính từ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để xây dựng và vận hành các trường mầm non cũng là một giải pháp khả thi. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp lớn hiện đã triển khai mô hình trường mầm non nội khu cho con em công nhân, nhưng số lượng này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.
"Việc xây dựng các trường mầm non gần các khu công nghiệp là giải pháp cấp thiết để giảm tải cho các trường công lập hiện có, đồng thời đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của gia đình công nhân. Theo đó, công nhân có thể yên tâm làm việc khi con em mình được chăm sóc trong môi trường an toàn, chất lượng nhờ sự quan tâm sâu sắc của chính quyền đối với phúc lợi của người lao động.
Để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn khu công nghiệp, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan ban ngành là vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong các chính sách hỗ trợ về đất đai và tài chính, cũng như ưu đãi học phí cho các gia đình công nhân có thu nhập thấp. Những chính sách này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động mà còn tạo động lực giúp họ gắn bó lâu dài, từ đó hình thành một cộng đồng lao động ổn định và phát triển bền vững ở các khu công nghiệp", Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên bày tỏ.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=9833
Thu Thuỷ (Giaoduc.net.vn)