Ngỗng Tồ ở xóm Tầm Duột.
Cư dân sống ở xóm Tầm Duột toàn là những người thấp cổ, nhưng lại hay tranh cãi nhau ì xèo. Mỗi lần như vậy, Ngỗng Tồ bao giờ cũng thắng nhờ cái cổ cao nghều và giọng hét inh tai.
Chuyện xẩy ra từ hồi đặt tên xóm. Thường khi đặt tên, người ta hay chú ý quan sát cảnh vật xung quanh để tìm ra những nét đặc biệt nơi mình sống. Ở đây có một loại cây thân nhẵn, cành có vỏ màu xám, lá mềm, mỏng, mặt dưới lá màu xanh nhạt, mặt trên đậm hơn chút đỉnh. Quả của nó màu phơn phớt vàng, khía thành 4 đến 6 múi, trông rất thèm! Trống Choai bảo đó là Chùm Ruột. Nhưng Ngan Khàn không chịu, cứ khăng khăng gọi là Chùm Giuộc. Vịt Bầu lắc lắc cái đầu:
- Cạp đất, phải gọi là Tầm Ruộc mới đúng!
Thế rồi tất cả cùng nhao nhao lên, không phân biệt được giọng của ai nữa.
- Chùm Ruột!
- Chùm Giuộc!
Tầm Ruộc!
Thật chẳng ra thể thống làm sao cả! Lúc ấy, Ngỗng Tồ mới vươn cái cổ cao nghều, hét ra hai tiếng như sấm rền:
Tầm Duột!
Tất cả im phăng phắc. Tên xóm coi như thành chính thức!
Cũng phải thế chứ, nếu không thì tất cả thành loạn à?
Kể từ đó, Ngỗng Tồ rất hãnh diện về cái cổ cao của mình. Dòng dõi Ngỗng Tồ, không biết cụ tổ là ai, nhưng chắc chắn phải xuất thân từ hạng cao sang, quí tộc!
Cuộc sống ở xóm Tầm Duột nhờ tranh luận, cãi nhau mà trở nên rất vui. Sau sự kiện ấy lại xẩy ra một chuyện khá thú vị.
Hôm đó, Ngỗng Tồ lượm được một tờ báo, chẳng rõ thằng nhóc bán báo nào đã vô ý đánh rơi. Ngỗng Tồ rất khoái chí khi nhìn thấy trong đó có bức ảnh chụp một chú Hươu đang vươn cái cổ cao nghều nghễu ở một góc rừng.
Ngỗng Tồ khoe với Ngan Khàn.
- Cậu xem nè, đây đúng là ông cụ tổ nhà tớ đấy!
Ngan Khàn nghiêng ngó, hết nhìn tấm ảnh rồi lại quay sang nhìn cái cổ Ngỗng Tồ, gật gù:
Hệt... hệt... giống hệt!
Ngỗng Tồ khoe với Vịt Bầu. Nhưng Vịt Bầu không gật gù mà lại lắc lắc cái đầu:
- Cạp đất!
Cứ mỗi lần tỏ ý mỉa mai, Vịt Bầu lại dùng hai tiếng ấy!
Hoá ra Vịt Bầu thông minh, phát hiện ra, bức ảnh này chỉ chụp từ phần bụng trở lên, phía dưới bị khuất, không ai biết là Hươu có mấy chân! Điều này rất quan trọng, nhất là khi Ngỗng Tồ nhận Hươu Cao Cổ là cụ tổ của mình!
Lại thêm một cuộc tranh luận sôi nổi:
- Hai chân!
- Bốn chân!
- ... !
Ba chân!
"Ba chân" là ý kiến của Trống Choai, cậu ta không biết theo phe nào nên nói phứa ra như vậy!
Thật chẳng ra thể thống làm sao cả!
Nhưng lần này thì không phân thắng bại. Bởi vì "cụ tổ" không sống ở xóm Tầm Duột mà lại ở một vùng rất xa. Nghe đâu xứ ấy là vương quốc Rừng Xanh.
Một buổi sáng thức dậy, cư dân xóm Tầm Duột ngơ ngác, không thấy Ngỗng Tồ đâu nữa!
Xóm Tầm Duột chẳng ai dùng lịch. Bởi vì không có máy in lịch. Còn lịch nơi khác đem về, nếu treo lên thì ai cũng khiếp vía. Năm nào người ta cũng in kèm theo những con vật trông rất dễ sợ: Cáo, Chồn, Cá Sấu, Chó Sói... Bởi vậy nên ở đây người ta chỉ quan sát cây tầm duột để ước lượng thời gian.
Ngan Khàn còn nhớ rất rõ cái buổi sáng mà Ngỗng Tồ biến mất. Những ngọn gió hâm hấp nóng tràn về xóm Tầm Duột, xua từng chùm lá khô bay tá lả đầy vườn. Trên những cành cây khẳng khiu, sau khi lá bay đi chỉ còn để lại những dấu vết như những vết sẹo, trông rất đáng thương. Thấm thoắt đã bước sang thời kỳ xuất hiện hoa. Hoa đậu trên những cái mấu tròn tròn, cứ 5 đến 6 hoa kết thành một chùm, ngay giữa những kẽ lá đã rụng mùa trước.Vậy mà vẫn chưa thấy Ngỗng Tồ quay về. Cãi nhau chí choé là thế thôi, nhưng đến khi vắng thì thấy nhớ vô cùng! Chắc là Ngỗng Tồ tìm đường sang xứ sở Rừng Xanh rồi!
Ngan Khàn, Trống Choai và Vịt Bầu bàn nhau viết thư gửi sang vương quốc Rừng Xanh. Ban đầu mỗi người viết riêng một thư. Chữ của Trống Choai xấu như... gà bới. Chữ Vịt Bầu đẹp hơn, nét nào cũng bầu bầu, nhưng các dấu chấm, phẩy đặt lung tung, nên khi đọc lên, câu văn nghe rất buồn cười! Cuối cùng, Ngan Khàn thay mặt cho cả nhóm, nắn nót viết từng dòng:
Tầm Duột ngày... tháng... năm...
Mến gửi bạn Hươu Cao Cổ!
...
Bức thư còn dài lắm! Viết xong, Ngan Khàn đọc lại cho cả nhóm nghe. Thật lạ, bình thường khi Ngan Khàn nói năng điều gì đều bị chê ... giọng khàn khàn như cụ già, vậy mà hôm ấy ai cũng chăm chú lắng nghe với một tâm trạng hết sức cảm động!
Từ hoa đến quả là một khoảng thời gian khá dài. Sau đó tiếp đến giai đoạn những quả non có màu trắng, phơn phớt vàng chuyển dần sang màu đen nhạt - tức là quả đã chín. Năm nay, mùa tầm duột chín xẩy ra hai sự kiện đáng nhớ: Cư dân xóm Tầm Duột nhận được thư của Hươu Cao Cổ và Ngỗng Tồ đột ngột xuất hiện.
Trưa hôm ấy cả xóm Tầm Duột lại rộ lên những tiếng nhao nhao. Nhưng lần này không phải là tranh cãi nhau. Ai đó đã phát hiện ra Ngỗng Tồ nằm lả vì kiệt sức bên một gốc cây ở lối đi vào xóm. Thế rồi tất cả ùa ra để dìu Ngỗng Tồ về.
Cuộc phiêu lưu không thành của Ngỗng Tồ thật dài dòng, phải kể riêng ra thành một chuyện khác. Hơn nữa, khi nhìn ánh mắt đầy vẻ ân hận của Ngỗng Tồ thì cư dân xóm Tầm Duột không ai nỡ lòng hỏi thêm một điều gì. Đợi Ngỗng tồ ngủ say, cả bọn kéo nhau ra đầu làng đọc thư của Hươu Cao Cổ.
Có một điều ít ai ngờ, bức thư gửi cho Hươu Cao Cổ bị giữ lại ở bưu điện xứ Rừng Xanh khá lâu vì phong bì đề đúng họ nhưng lại sai tên. Ở xứ ấy người ta quen gọi là Hươu Kều! Hoá ra, xứ sở nào cũng có những người vui tính và ưa hài hước!
Đoạn cuối của thư như sau:
"Các bạn ơi, mình có 4 chân đấy nha! Nhưng điều đó không quan trọng đâu, chúng mình vẫn có thể trở thành bạn thân của nhau đấy! Mình rất mong nhận được thư của các bạn vì đọc rất vui!
Tái bút: À, mình có gửi kèm tấm ảnh chụp 4 chân của mình đấy nhé!"
Nhìn tấm ảnh bốn chân (không chụp phần trên), Trống Choai định cất lên một tràng "ò... ó... o" thật dài, nhưng sực nhớ ra, trời đã quá trưa rồi nên kịp ngưng lại.
Lần đầu tiên, cư dân xóm Tầm Duột nghe Vịt Bầu cất lên một tiếng "cạp" mà không kèm theo từ "đất"!??
(Duy Quế)