Xã hội
Tin tức > Xã hội
   Đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo: Không thể đòi hỏi đặc quyền đặc lợi

 

"Bây giờ lấy lý do con em trong ngành Giáo dục đi học không mất tiền, thế những ngành nghề khác thì sao? Ví dụ ngành Y tế, liệu thân nhân người trong ngành Y tế đi bệnh viện có phải trả viện phí không?", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trao đổi với Tiền Phong xoay quanh đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo.


Dự án Luật Nhà giáo và tờ trình mới nhất được cơ quan soạn thảo đề xuất miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Quan điểm của đại biểu ra sao về việc này?

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga Ảnh: QH


Thông thường, một chính sách khi đưa ra, cơ quan trình phải nêu được lý do, giải trình thuyết phục. Tuy nhiên, đọc kỹ hồ sơ trình, tôi thấy lý do đưa ra chính sách này chưa thuyết phục, chỉ xoay quanh việc cần tôn vinh nhà giáo, có những chế độ đãi ngộ xứng đáng.

 

Qua rà soát, tôi thấy, đối tượng đang được miễn, giảm học phí đều là những đối tượng chính sách, như con liệt sỹ, con thương binh, bệnh binh, hộ nghèo... Đó là những đối tượng có hoàn cảnh kinh tế thực sự khó khăn. Nhà giáo cũng không gặp khó khăn như các đối tượng chính sách trên. Nếu xếp chung với các đối tượng chính sách này thì thực sự chưa ổn.

 

Nếu xét về ngành nghề, thực tế cũng chưa có ngành nào trong xã hội mà con em được miễn học phí cả. Bây giờ lấy lý do con em trong ngành Giáo dục đi học không mất tiền, vậy những ngành nghề khác thì sao? Ví dụ ngành Y tế, liệu thân nhân người trong ngành Y tế đi bệnh viện có phải trả viện phí không? Có rất nhiều vấn đề đặt ra, nếu miễn học phí như thế sẽ không công bằng.

 

Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, ngành Giáo dục bao giờ cũng được tôn vinh nhiều hơn các ngành nghề khác. Thế nhưng không thể lấy lý do đó để đưa ra những chính sách vội vàng, chưa đánh giá tác động và không có sự tương quan với các ngành nghề khác.

 

Bà thấy sao về con số 9.200 tỷ đồng hỗ trợ miễn học phí này, trong khi nguồn lực ngân sách của chúng ta còn gặp nhiều khó khăn?

 

Phải khẳng định, con số 9.200 tỷ hỗ trợ như vậy là rất lớn và ngân sách nhà nước phải cân đối. Trong khi đó, ngân sách của chúng ta còn rất nhiều khó khăn. Nhiều chương trình, dự án, nhiều đối tượng xã hội còn chưa bố trí được hết kinh phí. Ngay chuyện hỗ trợ xây và sửa nhà cho đối tượng người có công, chúng ta đã thực hiện, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa bố trí được hết kinh phí do ngân sách có hạn. Vậy mà chúng ta lại cứ ban hành chồng chất các chính sách, liệu có thực hiện được hay không? Tôi chưa thấy trong hồ sơ đánh giá tác động nhiều chiều ở vấn đề này.

 

Ngoài ra, nhà giáo hiện đã có nhiều chính sách ưu đãi. Lâu nay chúng ta cứ kêu lương giáo viên thấp, nhưng qua khảo sát tôi thấy, chỉ có một bộ phận giáo viên lương thấp, chủ yếu rơi vào giáo viên mầm non, người mới ra trường. Còn lại, lương giáo viên hiện nay rất cao so với các đối tượng viên chức trong các ngành nghề khác. Ngoài bậc lương cơ bản như viên chức nói chung, giáo viên còn có hai lần phụ cấp thâm niên và phụ cấp đứng lớp. Chưa tính chuyện dạy thêm, chỉ riêng mức lương và phụ cấp thì mức thu nhập của giáo viên không hề thấp, thậm chí cao nhất trong thang bảng lương, thu nhập đã được cải thiện đáng kể rồi.

 

Tất nhiên, ai cũng muốn người hưởng lương từ ngân sách cao hơn, dù đã tăng lương nhưng so với mặt bằng cuộc sống, đời sống của công chức, viên chức nói chung vẫn còn chật vật. Tuy nhiên, túi ngân sách cũng chỉ đáp ứng được như vậy. Đó cũng là sự nỗ lực lắm rồi. Vì thế, giáo viên không thể đòi hỏi đặc quyền đặc lợi riêng so với các ngành khác.

 

Bảo vệ hay bưng bít thông tin?

 

Nhiều người cũng quan tâm đến đề xuất cấm tổ chức, cá nhân công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo. Quan điểm của bà về quy định này?

 

Theo tôi, đây là quy định bất hợp lý, mập mờ. Nhà giáo cũng là một công dân trong xã hội và tất cả đều phải bình đẳng trước pháp luật. Đây không phải lĩnh vực đặc thù, mang tính bí mật Nhà nước, thế thì tại sao người ta lại không được thông tin về sai phạm của anh? Báo chí nêu vấn đề, có dấu hiệu sai phạm và cơ quan chức năng đang vào cuộc ở trường A, trường B với giáo viên này, thì cũng không được à? Nếu nói chờ kết quả cuối cùng, vậy khi cơ quan chức năng công bố kết quả là chưa đến mức xử lý kỷ luật, buộc thôi việc thì cũng không được thông tin sao?

 

Trong khi đó, từ trước đến nay, rất nhiều vụ việc của nhà giáo được phanh phui là do phụ huynh, học sinh giám sát. Ví dụ, gần đây nhất là vụ giáo viên xin tiền phụ huynh mua máy tính. Ai phanh phui ra? Phụ huynh phản ánh chứ... Cấm đoán như thế không phải là bảo vệ nhà giáo nữa, mà trở thành bưng bít thông tin. Phụ huynh và toàn xã hội sẽ không có cơ hội để giám sát hoạt động của nhà giáo, gây hệ lụy vô cùng xấu cho xã hội.

 

Theo đại biểu, vấn đề cốt lõi cần phải hướng đến khi ban hành Luật Nhà giáo là gì?

 

Phải khẳng định, đây là đạo luật rất khó và dễ gây chồng chéo với các luật khác. Nhà giáo là một nghề, xung quanh đó đã có tất cả các luật điều chỉnh rồi. Chúng ta có Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, bên cạnh đó là Bộ luật Lao động, Luật Công chức, viên chức... Vì suy cho cùng, giáo viên cũng là viên chức, nên phải chịu sự điều chỉnh của tất cả các bộ luật liên quan. Giờ đưa ra Luật Nhà giáo, quy định về đối tượng, nên cứ đề cập đến vấn đề cụ thể nào lại đụng đến các luật khác.

 

Qua nhiều lần xin ý kiến, dự thảo mới nhất đã gọn gàng hơn rất nhiều so với ban đầu, song vẫn còn trùng nhiều nội dung. Ví dụ, quy định về trách nhiệm, quyền hạn của nhà giáo, những hành vi được làm, không được làm... tất cả đã quy định ở trong các luật khác rồi, có cần đưa vào luật này không? Trong khi đó, các chính sách mới được đưa ra phải bàn rất nhiều.

 

Bộ GD&ĐT đã rất nỗ lực xây dựng luật để định danh vị trí, vai trò của nhà giáo trong xã hội. Từ đó đưa ra những quy định trong ứng xử của nhà giáo, cùng hàng loạt chính sách khác, với mục đích tôn vinh và thêm một số chế độ, chính sách cho nhà giáo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Về quan điểm, tôi nhất trí, nhưng về những quy định cụ thể, cần phải xem xét rất kỹ, không để trùng lặp với các luật khác và không trái với các luật đã ban hành.

 

Cảm ơn bà.

 

Ngoài chính sách miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên, hằng năm ngân sách nhà nước phải cấp chi trả thêm 9.212 tỷ đồng, tờ trình mới nhất còn dự kiến các khoản phát sinh tăng thêm khác. Cụ thể, nếu bồi dưỡng giáo viên ngoài công lập theo hình thức tập trung thì ngân sách bồi dưỡng hằng năm tăng thêm khoảng 198,75 tỷ đồng; nếu thực hiện theo hình thức từ xa thì ngân sách bồi dưỡng hằng năm tăng thêm khoảng 39,75 tỷ đồng; nếu thực hiện theo hình thức bán tập trung thì ngân sách bồi dưỡng hàng năm tăng thêm khoảng 99,375 tỷ đồng.

 

Chi phí phát sinh tăng thêm để chi trả tiền lương cho nhà giáo sẽ khoảng 1.068 tỷ đồng/tháng, tức là hằng năm ngân sách phải bổ sung 12.816 tỷ đồng.

 

Ngoài ra, còn chi phí phát sinh để chi trả phụ cấp lưu động đối với giáo viên dạy liên trường/năm học khoảng 49,9 tỷ đồng.

 

Theo Tiền Phong

 

 
 In Trang này    Chia sẻ lên Facebook  Email Trang này

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Đề xuất giáo viên được tăng 1 bậc khi xếp lương lần đầu, Bộ GD&ĐT nêu lý do (15/10)
 TP.HCM ban hành bộ tiêu chuẩn trường học số (8/10)
 Phụ cấp ưu đãi khi giáo viên ốm đau, thai sản sẽ do đơn vị nào chi trả? (8/10)
 Quảng Ninh hỗ trợ 100% học phí cho học sinh từ mầm non đến lớp 12 (25/9)
 Bộ Giáo dục đề nghị miễn, giảm học phí cho học sinh vùng bão lũ (23/9)
 Lạm thu đầu năm do "đẻ" ra quỹ lớp, quỹ trường (10/9)
 Lào Cai: Nhiều trường bị ảnh hưởng bão, an toàn cho GV, học sinh được ưu tiên (10/9)
 Chủ tịch TPHCM yêu cầu chấn chỉnh việc lạm thu trước ngày khai giảng (5/9)
 Chiến sĩ biên phòng đến nhà động viên, cõng học sinh qua suối đi khai giảng (5/9)
 Học sinh Hà Nội nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 mấy ngày? (26/8)
 Phụ huynh TP.HCM lưu ý: Năm học 2024 - 2025, học sinh sẽ chỉ nộp 9 khoản thu thay vì 26 khoản thu, chi tiết như sau (26/8)
 Một số hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng mới nhất, giáo viên cần biết (21/8)
 Phụ huynh "vây" trường vì thông tin nhà cạnh trường vẫn không được học (21/8)
 Nghỉ hè, nhà trẻ “mọc” đầy công sở (18/7)
 TPHCM trao giải cho 70 giáo viên mầm non (18/7)
 Rộn ràng lớp học hè miễn phí (26/6)
 Phụ huynh ở TPHCM xếp hàng xuyên đêm chờ mua hồ sơ vào lớp 1 cho con (21/6)
 Sở GDĐT Bắc Ninh sát sao công tác tuyển sinh đầu cấp mầm non, tiểu học, THCS (14/6)
 Hà Nội công khai ứng viên thi tuyển chức danh Trưởng phòng Giáo dục mầm non (14/6)
 Ban hành mới quy định công khai với cơ sở giáo dục (7/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i