Sức khỏe và Phát triển
Tài liệu > Góc mẹ > Sức khỏe và Phát triển
   Suy thận ở trẻ em nguy hiểm như thế nào?

Suy thận ở trẻ có thể gây biến chứng tim mạch như viêm màng tim, suy tim; thiếu máu, chức năng lọc máu kém; xương bị yếu, thậm chí tử vong.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, suy thận không chỉ là bệnh lý ở người lớn tuổi, căn bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, bao gồm trẻ em.

Suy thận ở trẻ em là tình trạng trẻ bị suy giảm chức năng thận. Thận mất đi khả năng thải độc và lọc máu nên các chất độc hại có thể ứ đọng lại trong cơ thể như creatinin, ure, natri, kali... Các chất độc hại ứ đọng lâu dài có khả năng gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.

Suy thận ở trẻ em được chia làm hai dạng. Suy thận cấp tính là tình trạng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, bao gồm trẻ sơ sinh. Nguyên nhân gây bệnh thường do dị tật bẩm sinh. Suy thận mạn tính thường xuất hiện ở trẻ 8-10 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do hội chứng thận hư kháng thuốc, viêm cầu thận cấp, bệnh cầu thận hay viêm thận lupus mà không được điều trị kịp thời.

Suy thận thường không có triệu chứng rõ rệt, phần lớn trường hợp nhập viện thường đã ở giai đoạn cuối. Ảnh: Shutterstock.

Các triệu chứng cảnh báo

Theo bác sĩ Quỳnh Hương, suy thận thường không có triệu chứng rõ rệt. Người nhà sẽ không biết hoặc không lưu ý để theo dõi sức khỏe của trẻ. Vì thế, phần lớn trường hợp nhập viện thường ở giai đoạn cuối. Ba mẹ cần chú ý nếu nhận thấy những dấu hiệu bệnh dưới đây cần đưa con đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Phù nề: Trẻ có dấu hiệu sưng phù ở mắt sau khi ngủ dậy, tiếp đến là sưng toàn bộ cơ thể như tay, chân, bụng, lưng... Người nhà thường lầm tưởng rằng trẻ bị dị ứng với thức ăn hoặc do côn trùng cắn nên tự mua thuốc chữa trị. Bác sĩ Hương cảnh báo, điều này vô cùng nguy hiểm vì ẩn chứa nhiều nguy cơ gây biến chứng khó lường. Khi lượng ure trong máu tăng cao đột ngột (vượt nồng độ 20-30 mmol/l), tình trạng phù nề sẽ diễn ra rất nhanh.

Tiểu tiện bất thường hoặc tiểu quá nhiều: Trẻ nhỏ bị suy thận sẽ có triệu chứng như tiểu ít, tiểu khó, tiểu buốt, tiểu nhiều về đêm... Nước tiểu của bé thường có màu đỏ do lẫn với máu, màu đục. Khi tình trạng này kéo dài, trẻ có thể bị bí tiểu, không tiểu được.

Tiểu nhiều lần về đêm là dấu hiệu suy thận thường gặp nhất. Dù lượng nước tiểu rất ít nhưng trẻ vẫn thường xuyên đi tiểu nhiều trong đêm. Khi đó, chức năng của thận không đảm bảo cho nhu cầu cơ thể, khiến trẻ bị đái dắt với lượng nước ít. Đi tiểu thường xuyên trong đêm còn làm trẻ bị mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ sâu, dễ khiến cơ thể bị suy nhược.

Chân tay bủn rủn: Khi bị suy thận, trẻ thường bị run tay chân nhiều, khó kiểm soát và kèm theo những triệu chứng như uể oải, mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn... Nếu người nhà không phát hiện sớm và xử lý kịp thời, trẻ có nguy cơ bị đe dọa tính mạng.

Hơi thở yếu, thở có mùi: Khi lượng oxy không đủ cung cấp cho cơ thể, trẻ thường xuyên bị thở khò khè. Hơi thở yếu gây ảnh hưởng tới sức khỏe, làm bé bị chóng mặt, thở dốc, tức ngực... Đôi khi, trong lúc ngủ, trẻ sẽ bị khó thở. Ngoài ra, hơi thở của bé cũng sẽ có mùi khó chịu. Trong giai đoạn đầu của bệnh suy thận, cơ thể của trẻ không thải được chất độc nên bị tích tụ, gây ra mùi khó chịu cho hơi thở.

Chán ăn, ăn không ngon: Khi bị suy thận, trẻ thường cảm thấy chán ăn, không còn hứng thú đối với việc ăn uống. Trẻ thường bị ngán với các món thịt. Cơ thể trẻ thường xuyên mệt mỏi, chỉ muốn nằm yên một chỗ. Người nhà cho ăn món gì cũng khiến trẻ dễ bị nôn, luôn trong tình trạng buồn nôn, đặc biệt là khi ngửi mùi thức ăn.

Nhức đầu: Các cơn đau đầu, chóng mặt đột ngột, âm ỉ khi bị suy thận làm trẻ cảm thấy mệt mỏi, uể oải. Bệnh suy thận làm thể tích máu tăng, dẫn tới tình trạng quá tải tuần hoàn khiến gan to, phù phổi, gây đau nhức đầu. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt hàng ngày của trẻ.

"Bệnh suy thận khi không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trẻ có thể phải đối mặt với những biến chứng như: chân tay sưng phù do cơ thể giữ nước; dễ mắc phải những bệnh lý tim mạch như viêm màng tim, suy tim...; thiếu máu, chức năng lọc máu kém, hàm lượng kali trong máu tăng cao có khả năng dẫn tới tử vong. Mặt khác, tình trạng xương bị yếu hơn bình thường, dễ dẫn tới gãy xương. Bệnh cũng ảnh hưởng tới khả năng tập trung của trẻ do hệ thần kinh trung ương bị tổn thương. Trẻ rất dễ mắc những bệnh lý khác do hệ miễn dịch suy giảm, thậm chí tử vong, bác sĩ Quỳnh Hương cảnh báo.

Nguyên nhân gây suy thận ở trẻ

Bác sĩ Quỳnh Hương nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận ở trẻ. Khi mang thai, nếu người mẹ bị suy thận cấp sẽ khiến tế bào gây bệnh tấn công thai nhi, gây ra bệnh thận ở trẻ. Ngoài ra, những dị tật bẩm sinh như thận đôi, thận đa nang, bất sản thận... cũng khiến trẻ sơ sinh bị suy thận.

Trẻ có hệ miễn dịch kém dễ mắc phải những triệu chứng như tiêu chảy cấp, rối loạn tiểu, khiến cơ thể bị mất nước. Tình trạng này có thể dẫn tới thể tích tuần hoàn trong cơ thể của trẻ bị suy giảm đột ngột, dẫn tới nguy cơ suy thận ở trẻ em.

Những bệnh lý thận như viêm cầu thận, nhiễm độc thận, hoại tử ống thận... sẽ kéo theo sự suy giảm nghiêm trọng chức năng bài tiết của thận. Khi bị tổn thương thận, những bệnh lý này hoàn toàn có khả năng biến chứng, gây ra tình trạng suy thận cấp ở trẻ.

Phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh lý về thận và đường tiết niệu, giúp người bệnh rút ngắn thời gian nằm viện, hạn chế nguy cơ tái phát, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ảnh: Shutterstock.

Bên cạnh đó, những loại vi trùng, ký sinh trùng cũng là nguyên nhân gây bệnh suy thận ở trẻ. Khi vi trùng tấn công cơ thể, gan và thận là những bộ phận có chức năng đào thải độc tố sẽ bị tác động nặng nề nhất, gây ra tình trạng suy thận ở trẻ.

Ngoài ra, trẻ em khi mắc những bệnh lý về huyết áp và tim mạch rất dễ mắc phải bệnh suy thận vì sử dụng thuốc thường xuyên trong quá trình điều trị. Thuốc thường có tác dụng phụ không tốt cho chức năng bài tiết của thận. Vì thế, việc dùng thuốc trong thời gian dài dễ dẫn tới tình trạng suy thận cấp.

Cách phòng ngừa và dinh dưỡng cho trẻ bị suy thận

Theo bác sĩ Quỳnh Hương, trẻ bị suy thận mạn tính thường rất dễ bị suy dinh dưỡng do ăn không đủ (chán ăn, buồn nôn...), rối loạn chuyển hóa (hạn chế protein quá mức), rối loạn hormone, nhiễm độc chất thải... Do đó, người nhà cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ. "Nguồn dinh dưỡng trẻ bổ sung mỗi ngày sẽ quyết định hiệu quả điều trị bệnh", bác sĩ Hương nói.

Về chất đạm, trẻ mắc bệnh suy thận cần bổ sung đủ lượng protein, đảm bảo cho quá trình phát triển. Tuy nhiên, bố mẹ chỉ nên bổ sung vừa đủ cho trẻ, tránh tình trạng dư thừa protein làm tăng gánh nặng cho thận, suy giảm chức năng thận nhanh hơn. Đối với trẻ chạy thận nhân tạo, nhu cầu protein sẽ tăng lên do quá trình lọc máu đã loại bỏ một phần protein từ máu của trẻ. Những loại thực phẩm giàu protein gồm trứng, phô mai, sữa, gà, cá, các loại đậu...

Nồng độ kali trong máu của trẻ bị suy thận cần được giữ ở mức bình thường. Vì sự thay đổi nồng độ kali trong máu có khả năng gây ra những vấn đề nguy hiểm cho tim mạch, cơ bắp, thậm chí là nguy cơ tử vong. Người nhà tránh bổ sung cho trẻ những loại trái cây, rau quả giàu kali như chuối, rau dền... Thay vào đó, trẻ cần được ăn các thực phẩm chứa lượng kali thấp như táo, dâu, việt quất, mâm xôi, thơm, súp lơ, bắp cải, khoai tây, rau chân vịt...

Trẻ mắc bệnh suy thận cần kiểm soát tốt mức độ photpho trong máu. Vì lượng photpho trong máu tăng cao sẽ làm giảm canxi từ xương, khiến xương giòn, dễ gãy. Lượng photpho trong máu cao còn có thể gây ra tình trạng khô ngứa da và đỏ mắt. Các loại thực phẩm chứa ít photpho trẻ nên bổ sung như đậu xanh, bắp rang, lòng trắng trứng...

Bố mẹ cũng cần kiểm soát lượng nước hàng ngày của trẻ. Trong giai đoạn sớm của suy thận mạn, thận sẽ bị suy giảm chức năng, dẫn tới lượng nước tiểu quá nhiều hoặc quá ít, gây ra tình trạng sưng phù hoặc mất nước. Khi bệnh tiến triển, trẻ sẽ cần hạn chế lượng nước uống mỗi ngày.

Bác sĩ Quỳnh Hương cho biết, trẻ có khả năng bị suy thận bẩm sinh từ khi còn trong bụng mẹ. Vì thế, trong thai kỳ, thai phụ cần thường xuyên khám thai để phát hiện sớm những dị tật bẩm sinh cũng như bệnh suy thận ở trẻ.

Phụ huynh nên giảm lượng muối trong khẩu phần ăn của trẻ. Người nhà nên cho trẻ bổ sung các loại thực phẩm ít chất béo, ăn nhiều rau củ quả, uống đủ nước mỗi ngày kết hợp vận động phù hợp.

Mặt khác, thường xuyên đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ (6 tháng/lần) để sớm phát hiện bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời. Khi trẻ bị bệnh, người nhà không tự ý mua thuốc theo triệu chứng, tránh cho trẻ uống thuốc bừa bãi. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới chức năng thải độc của thận.

Trúc Anh(Vnexpress.net)

 
 In Trang này    Chia sẻ lên Facebook  Email Trang này

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Dấu hiệu nhận biết các bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ (28/3)
 Trẻ tuổi nào dễ mắc viêm phổi? (22/3)
 Triệu chứng Covid-19 kéo dài trẻ em thường gặp (18/3)
 Bé trai bị táo bón thủng ruột (18/3)
 Nhiều trẻ bị bỏng do tai nạn khi xông (11/3)
 Bé gái 5 tuổi bị viêm nhiễm "vùng kín", người mẹ ân hận tột cùng khi biết được nguyên nhân: Bác sĩ nhắc nhở có 3 điều cần chú ý! (11/3)
 Các loại thuốc điều trị trẻ mắc Covid-19 (6/3)
 Các bệnh tim thường gặp ở trẻ (6/3)
 Cách xử trí với phản ứng phụ sau tiêm vaccine Covid-19 ở trẻ 5-11 tuổi (6/3)
 Cách giúp kiểm soát huyết áp ở trẻ (6/3)
 Các vị trí tiêm vaccine được khuyến cáo cho trẻ em (2/3)
 Bé gái mắc bệnh vừa chảy máu vừa đông máu (2/3)
 Cách chữa ho hậu Covid-19 ở trẻ (19/2)
 Trẻ nhiễm nCoV có nên dùng thuốc kháng virus? (19/2)
 Cúm - bệnh nguy hiểm thường bị nhầm với cảm (19/2)
 Bé 6 tháng tuổi khó thở, nổi mẩn đỏ khắp người sau khi ăn món này: Trẻ ăn dặm sai cách ảnh hưởng đến trí não, dễ mắc bệnh nguy hiểm sau này, cha mẹ cần lưu ý! (19/2)
 Trẻ mới khỏi Covid-19 có thể tiêm vaccine sởi? (8/2)
 Mạch máu dị dạng quấn quanh khí quản bé trai (8/2)
 Chăm sóc hệ hô hấp tránh trẻ ho về đêm khi trời lạnh (8/2)
 Bé 5 tuổi đột tử khi chơi giữa trời lạnh (8/2)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i