Dấu hiệu nhận biết hiện tượng nói lắp
Nói lắp là hiện tượng rối loạn ngôn ngữ khi nói, xảy ra phổ biến ở trẻ từ 2 – 6 tuổi, người lớn cũng có thể bị nói lắp nhưng tỉ lệ không cao. Người mắc tật này mặc dù biết rõ bản thân muốn nói gì nhưng khi phát âm lại gặp phải tình trạng lặp lại các âm, cụm từ nhiều lần hay kéo dài một âm trước khi nói sang âm kế tiếp, bao gồm các dạng sau:
- Lặp lại một âm tiết trong một âm nhiều lần. (Ví dụ: Tttt..t..t…t.tôi tên là Nguyễn Văn A).
- Lặp lại một âm tiết nhiều lần. (Ví dụ: Tôi…tôi…tôi tên là Nguyễn Văn A).
- Lặp lại một cụm từ hoặc một đoạn nhỏ nhiều lần. (Ví dụ: Tôi tên…tôi tên…tôi tên là Nguyễn Văn A).
- Nói ngập ngừng, ngắt quãng, dừng bất thường. (Ví dụ: Tôi tên là……Nguyễn Văn A).
Những người bị tật nói lắp thường có cảm giác căng thẳng, lo lắng khi nói, có thể đi kèm theo một số hành động khác thường như môi run, nghiêng cổ, liếm môi, nháy mắt liên tục, dậm chân,… Tuy nhiên, hiện tượng trẻ túng lúng, ngập ngừng khi nói trong quá trình tập nói do không suy nghĩ kịp từ thích hợp không được xem là nói lắp.
Nói lắp thường phát triển nhanh nếu người bị tật thường xuyên nói chuyện trước đám đông hoặc trò chuyện qua điện thoại. Tuy nhiên, một số việc khác như đọc sách, nói thầm, ca hát,… lại ít xảy ra tình trạng nói lắp, thậm chí còn cải thiện tạm thời khả năng nói và sử dụng ngôn ngữ.
Không chỉ có trẻ em mới bị nói lắp, hiện tượng này còn xuất hiện ở cả người lớn (chiếm tỉ lệ khá ít), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, khả năng giao tiếp và quá trình hòa nhập vào cộng đồng.
Sưu tầm