Tăng động giảm chú ý (ADHD)
Tài liệu > Góc cô > Giáo dục đặc biệt > Tăng động giảm chú ý (ADHD)
   Nghĩ gì- làm gì khi con thuộc diện đặc biệt

Hiện nay, việc chẩn đoán và can thiệp tình trạng chậm phát triển trí tuệ (trẻ chậm khôn) và các dạng rối nhiễu tâm lý khác của trẻ như hiếu động kém chú ý ( ADHD) tự kỷ (ASD) gọi chung là trẻ đặc biệt, đã và đang là một vấn đề nan giải cho nhiều gia đình.


Khi con bạn là trẻ "đặc biệt"
Đây là những rối loạn đa dạng, phức tạp, khó xác định nguyên nhân, mức độ và cũng rất khó để có được những biện pháp trị liệu hiệu quả, vì thế khi trẻ rơi vào một trong những tình trạng trên thì hầu hết các bậc cha mẹ đều hoang mang, lo âu và không xác định được đâu là những gì cần làm và đâu là những điều không nên làm cho con mình.

Chúng ta nghĩ gì ?
Cho đến nay, mặc dù đã có rất nhiều thông tin, kiến thức, kinh nghiệm và hiểu biết về trẻ đặc biệt phổ biến trên các phương tiện truyền thông như báo chí, sách vở, tài liệu và đặc biệt là trên mạng internet thì tại Việt Nam vẫn chưa có được một hệ thống hay một mạng lưới hiệu quả để hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực gian nan và đầy thách thức này. Không chỉ tại các vùng nông thôn, tỉnh lỵ xa xôi, mà ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng ... thì một hệ thống nối kết và phối hợp giữa các nhà chuyên môn, các tổ chức chính quyền, đoàn thể và các gia đình có trẻ đặc biệt vẫn chưa được vận hành một cách thống nhất mà vẫn chỉ là những hoạt động manh mún, mạnh ai nấy làm tuỳ thuộc vào năng lực và quan điểm của mỗi người, mổi đơn vị. Ngoài ra, cũng không thiếu những thông tin sơ lược thiếu chính xác, thiếu khoa học ..được cóp nhặt từ nhiều nguồn khác nhau và phổ biến trên báo chí hay trên internet, mà hầu hết đều đưa ra những suy nghĩ và nhận thức chung chung, mơ hồ như làm sao để trẻ trở lại cuộc sống bình thường, hoà nhập với xã hội .v..v như cụ thể là làm gì và như thế nào thì ..có trời biết !
Ngay đến việc hình thành và tổ chức các hệ thống chẩn đoán và can thiệp cũng đã có nhiều điểm dị biệt, nếu không nói là đối kháng nhau. Đầu tiên là việc chẩn đoán - Đâu sẽ là nơi phát hiện - chẩn đoán và đánh giá tình trạng của các em? Sau khi đã chẩn đoán thì sẽ làm gì ?
Thông thường, trường mẫu giáo là nơi phát hiện khi trẻ bộc lộ những khó khăn về giao tiếp, ngôn ngữ và hành vi. Qua đó phụ huynh sẽ được đề nghị đưa con đến các phòng khám tâm lý tại các bệnh viện nhi và một số trung tâm tư vấn tâm lý. Nhưng với sự quá tải của nhiều bệnh viện hiện nay, thì việc thăm khám về tâm lý cho một đứa trẻ không có khả năng giao tiếp trong vòng 15, 20 phút có thể đem lại sự chẩn đoán chính xác? Vì rối nhiễu tâm lý rất khác biệt với các bệnh tật qua các triệu chứng rõ ràng. Một đứa trẻ chậm nói có thể được chẩn đoán là tự kỷ, hiếu động hay chậm khôn đều đúng và có thể đều sai. Nhưng đâu là cái gốc của tình trạng này thì lại ít nơi đưa ra được! Mà nếu không xác định được cái gốc của trẻ là Tự Kỷ hay chậm khôn hoặc hiếu động, thì sẽ đưa đến những định hướng sai vì phương pháp giáo dục cho một trẻ Tự kỷ hay chậm khôn là hoàn toàn khác nhau!
Hiện nay, với nhận thức và hiểu biết của nhiều bậc cha mẹ, thì gia đình thường là nơi nhận ra những rối loạn tâm lý của trẻ, với biểu hiện rõ rệt nhất là tình trạng kém giao tiếp và chậm nói ngay từ khi trẻ trên dưới 2 tuổi. Song sự phát hiện sớm của gia đình cũng không đem lại tác dụng gì, nếu có suy nghĩ là mong muốn những biện pháp can thiệp cho con em mình sẽ do các nhà chuyên môn, hay các trường giáo dục chuyên biệt thực hiện, mà không phải là những biện pháp tại gia đình. Trong khi thực tế đã chỉ ra rằng, chính cha mẹ mới là nhà "can thiệp" hay "giáo dục" con mình tốt nhất, và hiệu quả của việc giáo dục, chăm sóc trẻ đặc biệt tại gia đình cao hơn tại các cơ sở giáo dục trẻ. Bởi vì trẻ đặc biệt không cần học nhiều về kiến thức, kỹ năng tư duy mà cần biết nhiều về nhận thức để phát triển các kỹ năng sống ngay chính trong gia đình của mình trước khi có thể hoà nhập với môi trường xung quanh.

Chúng ta sẽ làm gì ?
Như vậy, trong phạm vi gia đình nếu có một đứa con là trẻ đặc biệt, thì các bậc cha mẹ nên biết và thực hiện các yêu cầu sau:
1. Cần biết nhiều thông tin cập nhật về các phương pháp can thiệp giáo dục với những thành quả của nền giáo dục và y học hiện đại.
2. Phải sắp xếp và lưu giữ càng nhiều càng tốt tiến trình phát triển và học tập của con mình.
3. Ý thức rõ về trách nhiệm đối với con cái thông qua chương trình giáo dục cá nhân cho con .
4. Luôn tìm hiểu và tiếp nhận các biện pháp giúp con mình nhận thức hay tiếp thu như thế nào, bằng cách nào để có những can thiệp và ứng xử hợp tình hợp lý.
Từ trước đến nay nhiều gia đình hiện chỉ mong muốn và chỉ dừng lại ở mức là làm sao có thể biết rõ về tình trạng của con mình, xem con có phải tự kỷ hay không. Nếu phải thì sẽ như cái án tử, còn nếu không phải thì có lẽ mừng được một chút. Để rồi sau đó lại lo lắng và tìm tòi trong nhiều lĩnh vực hầu mong có một phép mầu với con qua một phương pháp trị liệu hay can thiệp nào đó, và luôn mong đợi đó sẽ là những biện pháp càng nhanh càng tốt cho con để nó trở lại "bình thường" mà không để ý đến các điều rất quan trọng và cần thiết là :
Cho dù là trẻ Tự kỷ, hiếu động hay chậm khôn thì các em đều cần có một chương trình can thiệp riêng, không em nào giống em nào, mặc dù các nguyên tắc áp dụng trong các phương pháp này là như nhau nhưng vận dụng như thế nào lại là sự linh hoạt của cha mẹ. Điều mà không một giáo viên hay chuyên gia nào làm được vì đơn giản đó là những hoạt động trong cuộc sống đời thường diễn ra từ khi thức giấc cho đến khi đi ngủ của một đứa trẻ. Hơn nữa, mỗi trẻ lại có cách tiếp nhận khác nhau, tuỳ vào năng lực, nhận thức và môi trường sống của trẻ. Vì thế, việc đưa các em đến các hành vi và nhận thức phù hợp là những tác động mà chỉ có cha mẹ mới có thể hiểu và áp dụng một cách hiệu quả trong gia đình của mình. Chúng ta phải có các nguyên tắc và phương pháp, các bài tập cụ thể do các nhà chuyên môn cung cấp nhưng việc áp dụng trong gia đình, như thế nào, trong bao lâu, bằng cách gì ? đều phải do những ông bố - bà mẹ thực hiện một cách tích cực và thường xuyên. Còn việc dạy kèm ở nhà hay đưa đến các trung tâm can thiệp mỗi tuần vài ba lần, chỉ có tác dụng là qua đó, giáo viên hay chuyên gia sẽ biết trẻ biến chuyển như thế nào để trao đổi với phụ huynh những gì nên và không nên làm trong tiến trình can thiệp cá nhân tại gia đình chứ hoàn toàn không thể thay cho phụ huynh.

Chúng ta làm như thế nào ?
Bạn hãy hình dung, bạn và đứa con thân yêu của mình đang ở trong một cánh rừng, mà những khó khăn về giao tiếp và ngôn ngữ của trẻ giống như những cành lá chằng chịt và bụi rậm, chông gai che khuất lối đi, bạn không biết đi đâu, đi hướng nào và đi như thế nào? Bạn sẽ phải chọn một hướng đi và phải chặt, phải dọn các cành lá, bụi rậm, nhưng chắc chắn là bạn không thể đi nhanh chứ đừng nói đến việc chạy, và cũng không thể chặt hết mọi cành lá bụi rậm trong một lúc hay trong một thời gian ngắn. Điều đầu tiên là bạn phải có được cái bản đồ, đây chính là chương trình can thiệp mà nhà chuyên môn đã trao và hướng dẫn bạn. Nhưng nhà chuyên môn chỉ là những người đứng trên cao, vạch ra cho bạn một hướng đi đã được vẽ ra cho con bạn, còn việc nắm tay đứa trẻ, xác định mục tiêu cần đi đến trong từng quãng ngắn, là các hoạt động trong ngày thì bạn sẽ là người thi hành chứ không phải là người quan sát! Bạn có thể mời một giáo viên đến để thay bạn dẫn trẻ đi, nhưng liệu trẻ có thể chấp nhận người giáo viên đó, tin cậy và yêu thương họ như đối với bạn không? Điều quan trọng hơn, là giáo viên sẽ dẫn trẻ đi trong bao lâu? Một tháng hay mười năm? Và mỗi tuần 1-3 buổi ? mỗi buổi 1 - 2 giờ? Còn các giờ còn lại trong ngày thì trẻ làm gì khi mà bạn với trẻ vẫn còn quá nhiều khó khăn trong giao tiếp mà bạn chỉ muốn là người quan sát và đối phó?
Còn vai trò của các trường chuyên biệt thì sao? Đúng là với việc tập trung trí tuệ và phương tiện đắt tiền và hiện đại vào một cơ sở để can thiệp cho những trẻ đặc biệt là điều mà nhiều người mong đợi. Nhưng hiện đã có bao nhiêu thành phố chứ không nói đến các thị trấn, thị xã... có các trường được trang bị các kỹ năng và phương tiện chuyên môn phù hợp và hiện đại? Còn trong số các trường, cơ sở đã mở ra tại các thành phố lớn, có bao nhiêu trường đáp ứng được các tiêu chuẩn cơ bản nhất về giáo dục đặc biệt? và các trường đủ chuẩn này sẽ tiếp nhận được bao nhiêu em khi mà tiêu chuẩn chỉ cho phép 7 học sinh/1 giáo viên và một lớp phải có ít nhất 2 GV để tiến hành những giờ can thiệp cá nhân. Hơn nữa, đơn vị nào sẽ là đơn vị huấn luyện, giám sát và lượng giá việc vận dụng các phương pháp đặc biệt? trong khi chúng ta đều biết rằng, không phải trường nào cũng có đủ các chuyên gia về tâm lý, về ngôn ngữ, vận động và hành vi, là những lĩnh vực cần can thiệp cho trẻ. Ngay cả các sinh viên tốt nghiệp khoa giáo dục đặc biệt được tuyển dụng là giáo viên, cũng cần phải học tập và đào tạo lại, vì họ còn thiếu rất nhiều các kỹ năng thực hành và kinh nghiệm thực tế để có thể có được những cách can thiệp và tác động hiệu quả cho từng đứa trẻ "đặc biệt" trong các ngôi trường này. Đó là chưa kể có khá nhiều phương pháp giáo dục khác nhau, khá nhiều quan điểm giáo dục khác nhau mà các trường, các trung tâm này tuỳ nghi vận dụng. Cuối cùng, sau khi các em "đặc biệt" tốt nghiệp các trường chuyên biệt này, các em sẽ đi về đâu ? các em thể tiếp tục vào các trường bình thường hay không khi tuổi đã cao hơn độ tuổi cho phép? Ngoài ra, đa phần mục tiêu của các trường chuyên biệt cũng chỉ là để giúp trẻ có được những khả năng ứng xử, giao tiếp và nhận thức đơn giản bên cạnh một số kiến thức cơ bản. Đây là những điều không ít gia đình các em có thể làm được, nếu có quyết tâm và nhận được sự hướng dẫn đầy đủ về kỹ năng từ các nhà chuyên môn, mà bằng chứng là đã có khá nhiều phụ huynh sau một thời gian dài tìm kiếm và trang bị kiến thức dạy trẻ, đã đạt được những kết quả khả quan trong việc dạy con mình
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là khi tiếp nhận một chương trình can thiệp hay học hỏi một vài phương pháp nào đó, một số phụ huynh lại thực hiện một cách cứng nhắc theo đúng những gì trong chương trình yêu cầu và luôn so sánh sự biến chuyển của con mình với các trẻ "đặc biệt" khác hoặc lấy các chuẩn phát triển của trẻ bình thường ra làm mục tiêu mong muốn cho con mình phải đạt được. Bên cạnh đó, khi trẻ đặc biệt có một số hành vi "không giống ai" lẽ ra có thể khéo léo chuyển nó thành những hành vi có thể chấp nhận được, thì ta lại bỏ ra một khoảng thời gian và nỗ lực để triệt tiêu các hành vi đó, thay vì dùng số thời gian và nỗ lực đó vào việc giúp trẻ có được những nhận thức cần thiết hơn. Để khi không khắc phục được thì lại buông xuôi không muốn tiếp tục tiến trình can thiệp Vì thế, vai trò tư vấn và giám sát của các chuyên gia là điều rất cần thiết. Đây là điều cũng không ít gia đình bỏ qua vì nhiều lý do khác nhau mà trong đó, sự cực đoan trong nhận thức có lẽ là nhiều nhất.

Chúng ta cần đạt đến điều gì ?
Chúng ta biết rằng, trẻ đặc biệt có những hội chứng rối nhiễu tâm lý bẩm sinh chứ không phải là những căn bệnh mắc phải mà có thể điều trị trong một thời gian ngắn, dù với một kinh phí tốn kém đến đâu đi nữa. Các rối nhiễu này chỉ có thể có những biến chuyển tích cực với các biện pháp can thiệp phù hợp trong một thời gian dài và dĩ nhiên là trong một phạm vi rối nhiễu nào đó. Ngay tại các quốc gia tiên tiến với các chuyên gia bậc thày và các biện pháp, các phương tiện kỹ thuật hiện đại cũng phải chấp nhận việc bỏ ra hằng năm một khoản kinh phí lớn lao để đào tạo và duy trì hệ thống giáo dục đặc biệt chủ yếu là để giúp cho các em này có thể biết tự chăm sóc, bảo vệ mình, thực hiện những công việc đơn giản phù hợp với năng lực chứ không hề đặt ra những mục tiêu như đưa các em trở về cuộc sống bình thường mà xã hội lại chỉ nhìn em với con mắt thươnghại và những kỳ thị trong ứng xử.
Mục tiêu chủ yếu của một nền giáo dục nhân văn và tiến bộ chính là gia đình và xã hội phải biết chấp nhận và thích ứng với sự "đặc biệt" của các em, xem các em như là một bộ phận được "hội nhập" trong đời sống với những kỹ năng sống cơ bản có được qua các biện pháp giáo dục tại gia đình, để cùng với mọi người hoà chung nhịp sống bằng sự chấp nhận và cảm thông lẫn nhau.

Theo tamlytreem.com

 

 
 In Trang này    Chia sẻ lên Facebook  Email Trang này

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Các nguyên tắc chăm sóc trẻ hiếu động (21/9)
 Tìm hiểu về trẻ hiếu động (6/9)
 Bài 1: TỔNG QUAN - ADHD khó để nhận biết bởi vì nó ảnh hưởng đến trẻ một cách khác nhau (16/3)
 Bài 2 : Các triệu chứng (17/3)
 Bài 3: Nguyên nhân (16/5)
 Bài 4: Phòng chống (16/5)
 Bài 5 : Chuẩn đoán (16/5)
 Bài 6: Tìm một chuyên gia (16/5)
 Bài 7: Thuốc (16/5)
 Bài 8: Trị liệu (16/5)
 Bài 9: Bổ sung, thay thế phương pháp trị liệu (16/5)
 Bài 10: Kinh nghiệm của trẻ (16/5)
 Bài 11: Kinh nghiệm của phụ huynh (16/5)
 Bài 12: Hướng dẫn từng độ tuổi (16/5)
 Trẻ quá hiếu động có thể là biểu hiện của bệnh (22/10)
 Phân biệt trẻ hiếu động và trẻ bị tăng động giảm chú ý (22/10)
 Chuẩn đóan của Kiki D Chang về ADHD (18/8)
 Rối loạn tăng động giảm chú ý (18/8)
 Tiêu chuẩn đánh giá (10/8)
 Chế độ ăn kiêng cho trẻ Tăng động giảm chú ý (9/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i