Bài tập - Trò chơi
Tài liệu > Góc cô > Giáo dục đặc biệt > Bài tập - Trò chơi
   Trắc nghiệm đánh giá sự phát triển tâm vận động ở trẻ nhỏ

Phần giới thiệu

Trắc nghiệm Denver, còn gọi là Trắc nghiệm đánh giá sự phát triển tâm lý vận động ở trẻ nhỏ, đã được đề xuất và đưa vào áp dụng bởi các tác giả William, Frankenburg, Josian B. Doss và Alma W. Fandal thuộc Trường Y khoa Denver, bang Colorado, Hoa Kỳ vào những năm 1967 - 1970.

Trắc nghiệm Denver là một trắc nghiệm dùng để đánh giá mức độ phát triển tâm lý vận động của những trẻ em từ sơ sinh cho đến 6 tuổi. Đây là giai đoạn phát triển đầu đời có ý nghĩa rất quan trọng cho cả cuộc sống lâu dài về sau của một con người. Chính vì thế việc phát hiện sớm các rối loạn gây trở ngại cho sự phát triển của trẻ nhỏ trong giai đoạn này sẽ giúp các nhà chuyên môn có thể áp dụng những biện pháp can thiệp sớm để trẻ có thể phát triển tốt hơn sau đó.

Trắc nghiệm Denver được áp dụng đầu tiên tại Hoa Kỳ, sau đó là tại Cuba và nhiều nước khác trên thế giới. Tại Việt Nam, trắc nghiệm đã được áp dụng đầu tiên tại Khoa thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội từ năm 1977, và từ đó đến nay đã có nhiều đơn vị khác trong nước tiếp tục triển khai thực hiện (BS. Lê Đức Hinh, 1989).

Trắc nghiệm Denver được dùng để làm gì?

Trắc nghiệm Denver có mục đích đánh giá mức độ phát triển tâm lý - vận động ở trẻ nhỏ và giúp phát hiện sớm những tình trạng chậm phát triển ngay từ trong giai đoạn 6 năm đầu đời.

Trắc nghiệm Denver có tác dụng "tầm soát" hay còn gọi là "sàng lọc" những tình trạng chậm phát triển, nghĩa là sau khi thực hiện trắc nghiệm, ta có thể kết luận được là trẻ phát triển tốt (bình thường) hoặc có tình trạng chậm phát triển. Tuy nhiên, việc định bệnh chính xác thể loại và nguyên nhân của tình trạng chậm phát triển thì cần phải có thêm những phương pháp thăm khám y khoa và tâm lý phát triển chuyên sâu hơn.

Trắc nghiệm Denver không phải là loại trắc nghiệm đánh giá phát triển về trí tuệ (test IQ), vì các trắc nghiệm đánh giá về trí tuệ chỉ được áp dụng cho những trẻ em từ 7 tuổi trở lên.

Đối tượng được làm trắc nghiệm là những trẻ em như thế nào?

Tất cả trẻ em từ sơ sinh cho đến 6 tuổi đều có thể được làm trắc nghiệm Denver.

Tất cả các nội dung và phương pháp tiến hành trắc nghiệm đều dựa trên những hoạt động vui chơi và quan hệ thông thường phù hợp với lứa tuổi của những trẻ được trắc nghiệm, không sử dụng các phương tiện kỹ thuật đặc biệt nào, do vậy việc thực hiện trắc nghiệm thường ít khi gây cho trẻ cảm giác xa lạ hoặc sợ hãi.

Một số trẻ quá hiếu động, kém chú ý, sợ người lạ, hoặc những trẻ có các khuyết tật về giác quan (nghe kém, nhìn kém)... có thể gặp khó khăn khi thực hiện trắc nghiệm. Do vậy, trong lúc thực hiện trắc nghiệm rất cần có sự tích cực tham gia và hợp tác của quý phụ huynh để tạo điều kiện thuận lợi cho trắc nghiệm viên tiếp xúc với trẻ.

Trắc nghiệm Denver giúp đánh giá được điều gì?

Có bốn lĩnh vực phát triển của trẻ sẽ được khảo sát và đánh giá, đó là:

1.Lĩnh vực cá nhân - xã hội: đánh giá khả năng nhận biết bản thân, chăm sóc bản thân và thiết lập quan hệ tương tác với người khác.
2.Lĩnh vực vận động tinh tế - thích ứng: đánh giá khả năng vận động khéo léo của đôi tay và khả năng quan sát tinh tế của đôi mắt.
3.Lĩnh vực ngôn ngữ: đánh giá khả năng lắng nghe và đáp ứng với âm thanh, khả năng phát âm, và sau cùng là khả năng phát triển ngôn ngữ (nghe hiểu và nói)
4.Lĩnh vực vận động thô sơ: đánh giá khả năng phát triển các vận động toàn thân và khả năng giữ thăng bằng của cơ thể.

Những vật dụng nào được sử dụng khi thực hiện trắc nghiệm?

Hầu hết các vật dụng trang bị để làm trắc nghiệm đều là những vật thông dụng trong đời sống, bao gồm: một túm len màu đỏ, các hạt nhỏ (quả nho khô hoặc hạt đậu phọng), chiếc lục lạc có cán, các khối vuông nhỏ bằng gỗ có màu, chiếc lọ nhựa trong suốt, quả chuông lắc nhỏ, quả banh, giấy, bút chì, những bức hình màu có hình các con thú, chiếc cốc (ly) nhỏ...

Trẻ được dần dần cho tiếp xúc và làm quen với các vật dụng này trước khi thực hiện các yêu cầu của trắc nghiệm viên.

Trắc nghiệm viên sẽ yêu cầu trẻ làm những gì?

Trắc nghiệm Denver không phải là một "cuộc thi" có tính thách đố đối với trẻ, vì hầu hết những yêu cầu của trắc nghiệm viên đặt ra cho trẻ đều có nội dung phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

Hình thức của các yêu cầu này có thể như sau:

- Là những câu hỏi đặt ra để trẻ trả lời

- Là những thao tác mà trẻ vẫn thường thực hiện khi vui chơi mỗi ngày

- Hoặc đơn giản chỉ là đưa cho trẻ những vật dụng và quan sát xem trẻ làm gì với vật dụng ấy

Khi thực hiện trắc nghiệm Denver, trắc nghiệm viên luôn thiết lập một mối quan hệ thân thiện với trẻ, tôn trọng trẻ và không gây áp lực bắt trẻ làm theo những yêu cầu.

Phụ huynh nên làm gì trước và trong khi thực hiện trắc nghiệm?

Trắc nghiệm viên sẽ tiếp xúc trẻ với sự có mặt của phụ huynh. Phụ huynh nên hợp tác với trắc nghiệm viên để giúp trẻ bớt e ngại và khuyến khích trẻ làm theo các yêu cầu trong tiến trình làm trắc nghiệm.

Trắc nghiệm viên có thể đặt thêm các câu hỏi cho quý vị phụ huynh về một số thông tin liên quan đến các khả năng trong sinh hoạt thường ngày mà trẻ có thể thực hiện ở nhà. Việc phụ huynh cung cấp thêm các thông tin như thế sẽ giúp cho sự đánh giá khả năng của trẻ được chính xác hơn.

Phụ huynh cần giúp cho trẻ an tâm khi vào phòng trắc nghiệm để trẻ có thể tập trung chú ý hơn khi trắc nghiệm viên trình bày các vật dụng và đề nghị các yêu cầu. Không nên tiến hành trắc nghiệm trong điều kiện trẻ quá mệt mỏi, đang có bệnh, sợ hãi, quá lăng xăng hoặc kém tập trung, chú ý.

Với trẻ nhỏ, phụ huynh nên đặt trẻ ngồi vào lòng để trẻ yên tâm hơn khi tiếp xúc với trắc nghiệm viên. Trẻ lớn hơn (trên 3 tuổi) có thể ngồi ghế riêng, nhưng nếu trẻ quá e ngại, trắc nghiệm viên có thể nhờ phụ huynh truyền đạt lại các yêu cầu cho trẻ thực hiện.

Sự hợp tác của phụ huynh là một yếu tố giúp cho việc thực hiện trắc nghiệm được thuận lợi và hiệu quả hơn.

Trắc nghiệm được tiến hành như thế nào?

Bước 1: Ghi ngày, tháng, năm sinh của trẻ để tính chính xác lứa tuổi của trẻ.

Bước 2: Xác định các tiết mục cần thực hiện tùy theo lứa tuổi của trẻ.

Bước 3: Tuần tự thực hiện các tiết mục đã xác định ở bước 2.

Bước 4: Ghi kết quả từng tiết mục (làm được: Đ - làm không được: S)

Bước 5: Tổng hợp kết quả các tiết mục và đánh giá kết quả, với 3 mức độ như sau:

*Phát triển tốt (bình thường)
*Nghi ngờ chậm phát triển
*Chậm phát triển

Bước 6: Trả lời kết quả và tư vấn hướng dẫn cho phụ huynh.

Trong trường hợp trẻ có kết quả chậm phát triển hoặc nghi ngờ có chậm phát triển, phụ huynh sẽ được hướng dẫn việc đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để chẩn đoán xác định và có phương hướng điều trị, giáo dục và tập luyện phù hợp.

Để trắc nghiệm Denver trở thành công cụ phục vụ lợi ích cho các bé thơ của chúng ta

Đã có rất nhiều nỗ lực của các nhà chuyên môn trên thế giới cũng như tại Việt Nam trong việc phổ biến, nghiên cứu, hiệu chỉnh và áp dụng trắc nghiệm Denver để theo dõi và đánh giá sự phát triển tâm lý - vận động của những trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Và tất nhiên, những nỗ lực ấy vẫn còn đang được tiếp tục thực hiện.

Không có công cụ nào được xem là thực sự hoàn hảo cả. Tuy nhiên, việc đúc kết các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, cũng như kinh nghiệm thực tế trong việc chăm sóc, hỗ trợ tâm lý cho trẻ em, đã giúp chúng tôi tự tin sử dụng trắc nghiệm Denver như một trong những công cụ hữu ích để phục vụ lợi ích của các bé thơ của chúng ta.

Theo tamlytrilieu.com

 
 In Trang này    Chia sẻ lên Facebook  Email Trang này

Bình luận:


guest

Hoang mang
Ngày gửi: 11/7/2015 9:27:20 AM

Cô cho em yêu cầu: chon 1 chủ đề, thuộc lĩnh vực phát triển nhận thức hoặc kĩ năng. chọn ra 2 mục đích đo. trong mỗi mục đích 2 miền đo. 1 miền đo 2 nội dung. 1 nội dung 3 item. phải lam sao bay giờ???????huhuhu........


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Trẻ đưa 2 đồ vật (9/6)
 Làm theo chỉ dẫn 2 bước một (9/6)
 Địa điểm (9/6)
 Cảm xúc (9/6)
 Căn phòng ( Dễ nhớ và có ý nghĩa ) (9/6)
 Bắt chước các hình vẽ đơn giản (9/6)
 Bắt chước tạo các mô hình khối (9/6)
 Bắt chước hành động đi kèm với âm thanh (9/6)
 Bắt chước hoạt động theo thứ tự (9/6)
 Bắt chước hoạt động vận động thô khi đang đứng (9/6)
 Số ( dễ nhớ và có ý nghĩa ) (3/6)
 Chữ cái ( dễ nhớ và có ý nghĩa ) (3/6)
 Hình dạng ( dễ nhớ và có ý nghĩa ) (3/6)
 Màu sắc ( dễ nhớ và có ý nghĩa ) (3/6)
 Xếp vật này vào chỗ của vật kia giống nó (3/6)
 Hành động (3/6)
 Những câu hỏi xã hội (3/6)
 Trẻ lựa chọn (3/6)
 Nói tên người thân (3/6)
 Câu trả lời có/không (3/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i