Bệnh khác
   Các bệnh thường gặp khi trẻ đi mẫu giáo.
 

Sốt virus, viêm phổi, nhiễm giun, dị ứng... là những vấn đề mà con bạn rất dễ gặp phải khi đi mẫu giáo. Vì vậy, bạn cần tìm hiểu kỹ về nơi sẽ cho con đến học.

Trẻ bắt đầu được cha mẹ cho đến lớp mầm non từ 2 tuổi. Sự thay đổi môi trường làm trẻ ít nhiều bị ảnh hưởng đến sức khỏe, trong đó các bệnh truyền nhiễm là nguy cơ lớn nhất. Mô hình nhà trẻ ở Việt Nam thường tập trung đông người trong không gian chật hẹp. Nếu vệ sinh lớp học không chuẩn và việc quản lý vệ sinh thực phẩm không được chú trọng thì nguy cơ gây bệnh cho trẻ càng cao.

Ở tuổi đến trường mầm non, trẻ chậm lớn hơn thời kỳ bú mẹ, mỗi năm chỉ tăng trung bình 1,5-2 kg. Qua thời kỳ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ, trẻ hết dần các kháng thể thụ động do mẹ truyền cho. Hệ miễn dịch lúc này mới bắt đầu hoàn thiện khi tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh từ môi trường. Do đó, trẻ hay mắc bệnh.

Sốt virus

Trong điều kiện bình thường cũng có virus ký sinh trên đường hô hấp, tiêu hóa... Khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng phát triển và gây bệnh. Bệnh dễ lây qua đường hô hấp, tiêu hóa... và thành dịch. Triệu chứng nổi bật là sốt cao từ 38-39 độC, thậm chí 40-41 độ C, ít đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol. Một số trẻ đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, không kích thích, vật vã.

Rối loạn tiêu hóa thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt là virus đường tiêu hóa. Trẻ có thể nôn nhiều lần nhưng thường xuất hiện sau khi ăn. Một số trẻ có biểu hiện phát ban, viêm hạch, đau mắt...

Các triệu chứng trên thường xuất hiện rất rầm rộ, sau 3-5 ngày sẽ giảm dần rồi mất đi. Tuy nhiên, sốt virus dễ gây thành dịch nên khi trẻ bị nhiễm bệnh, cần cách ly ngay, không nên cho đến trường. Một số bệnh do virus đã có văcxin như viêm não Nhật Bản, sởi, quai bị, rubella...

Viêm phổi

Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Phần lớn các ca viêm phổi đều có thể chữa trị hiệu quả bằng kháng sinh, song một khi đã nhiễm bệnh, trẻ nhỏ thường không thể chống đỡ lâu.

Biểu hiện của bệnh là khó thở, sốt, ho, bỏ ăn, bỏ chơi, có thể kèm theo viêm long đường hô hấp trên. Bệnh thường diễn biến nhanh, vì vậy cần đưa trẻ đến bệnh viện khám và điều trị khẩn cấp ngay khi phát hiện thở gấp và co rút lồng ngực.

Nhiễm giun

Giun đũa, giun kim là loại ký sinh trùng trẻ dễ bị nhiễm nhất trong lứa tuổi này. Tay trẻ thường bẩn bởi động tác di chuyển cần sự hỗ trợ của tay, sàn nhà nếu không được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên sẽ có rất nhiều trứng giun đũa, giun kim. Thói quen mút tay cũng làm tăng nguy cơ bị nhiễm giun.

Những trẻ nhiễm giun thường tăng cân chậm, suy dinh dưỡng, bụng trướng to. Tình trạng này được khắc phục tốt sau khi tẩy giun.

Suy dinh dưỡng

Chứng này thường đi theo sau các bệnh truyền nhiễm như sởi, nhưng lại trực tiếp hoặc hỗ trợ những căn bệnh khác gây tử vong ở trẻ. Vì vậy, cần thường xuyên theo dõi cân nặng theo biểu đồ tăng trưởng. Khi thấy có dấu hiệu bất thường, cần đưa trẻ đi khám.

Dị ứng

Trẻ tuổi mầm non rất dễ mẫn cảm với các yếu tố lạ của môi trường. Trong điều kiện ẩm thấp, các dị nguyên như nấm mốc, bọ nhà, lông thú vật... rất dễ gây dị ứng, mẩn ngứa, thậm chí lên cơn hen. Vì vậy, tùy từng mùa, cần cho trẻ mặc trang phục thích hợp và vệ sinh nhà, phòng, lớp học đầy đủ để trẻ có môi trường thực sự sạch sẽ.

Làm sao để yên tâm đưa con đến lớp?

Để trẻ không bị sốc về mặt tâm lý khi đến lớp lần đầu tiên, cha mẹ nên chuyện trò nhiều và thu hút sự háo hức của trẻ khi được đến trường, tâm lý là yếu tố rất quan trọng giúp trẻ tự tin hơn khi chơi, khi làm quen với môi trường cộng đồng.

Đặc biệt chú ý đến quyền được tiêm chủng đầy đủ những loại văcxin miễn phí. Nếu có điều kiện, nên cho trẻ tiêm thêm văcxin rubella, thủy đậu, cúm, quai bị...

Cần chọn nhà trẻ đảm bảo vệ sinh, cô giáo chăm sóc tận tình vì trẻ chưa thể tự thực hiện tốt được vệ sinh cá nhân.

(Ths. Phạm Quang Thái, Sức Khỏe & Đời Sống)


 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Đóan bệnh qua giấc ngủ của trẻ. (24/8)
 Viêm tai giữa - Bệnh nguy hiểm đối với trẻ nhỏ (23/8)
 Sâu răng do bú bình và các biện pháp phòng ngừa. (16/8)
 Triệu chứng của bệnh quai bị (9/8)
 Bệnh nhi ung thư máu: Thêm cơ hội sống (5/8)
 Trẻ bị hẹp bao quy đầu có đáng ngại? (1/8)
 Bệnh động kinh ở trẻ em - cần tránh những cái nhìn sai lệch (29/7)
 Dị vật đường thở bị bỏ quên ở trẻ (28/7)
 Bệnh “khóc hoài” ở trẻ (21/7)
 Bệnh 'đầu nước' ở trẻ em (17/7)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i