Tự kỷ
   Bài 9: Những phương cách chữa trị (tiếp theo)
 

Bài 9: Những phương cách chữa trị (tiếp theo)

Ngay sau khi đứa trẻ được khảo sát, thử nghiệm và chẩn đoán chứng ASD, cha mẹ nên bắt đầu việc trị liệu. Càng chờ đợi lâu, những thói quen không được chấp nhận càng khó thay đổi. Cha mẹ cần chú trọng đến những chương trình huấn luyện thiên về cách diễn tả ý tưởng, cách giao tiếp với người chung quanh. Về vấn đề này, ở mỗi giai đoạn khác nhau, trẻ thường có khả năng diễn đạt ý tưởng và nhu cầu giao tiếp khác nhau. Chính vì vậy, cha mẹ cần có những can thiệp và trợ giúp trẻ phù hợp với từng giai đoạn lứa tuổi của trẻ.

Cho trẻ dưới 3 tuổi:

Việc trị liệu diễn tiến tại nhà và nơi giữ trẻ. Chương trình huấn luyện chú trọng đến những khiếm khuyết của sự phát triển tâm trí như ngôn ngữ, cách thu nhận và sử dụng tin tức, cách bắt chước, sự chú tâm, sự thích thú, và cách mở đầu việc giao tiếp.
Thông thường, mỗi ngày bắt đầu với thể dục, tập luyện các cử động (physical exercise) giúp đứa trẻ phát triển các động tác có tính cách phối hợp với nhau (coordination), thí dụ như việc dùng cái muỗng để múc thức ăn từ tô chén và đưa lên miệng, và giúp đứa trẻ hiểu công dụng của các phần thân thể. Sau đó đến những trò chơi giúp đứa trẻ tập trung vào một việc làm giản dị, như xâu những hạt màu sắc với nhau, xếp hình thẻ (picture puzzle). Những việc làm này giúp đứa trẻ tập trung tâm trí, nhận màu sắc và hình thể cũng như phối hợp các động tác với nhau từ mắt nhìn đến những cử động của các ngón tay và bàn tay.
Đến giờ ăn ngoài bữa (snack), đứa trẻ cần được khích lệ để giao tiếp, chẳng hạn như dạy đứa trẻ cách hỏi thêm thức ăn, thức uống mà nó muốn. Việc này dạy đứa trẻ dự phần chủ động cũng như học cách diễn tả ý muốn.
Chương trình huấn luyện này do cha mẹ, chuyên viên huấn luyện cách giao tiếp (behavior therapist) và những sinh viên tập sự đảm nhận.

Cho trẻ trên 3 tuổi:

Các chương trình trị liệu diễn tiến tại trường học với chương trình học đặc biệt (special education). Đứa trẻ có thể được xếp chung lớp với những đứa trẻ bình thường khác hoặc cùng lớp học dành riêng cho những đứa trẻ với ASD tùy theo địa phương. Dù theo chương trình huấn luyện nào, đứa trẻ cũng cần một môi trường sống có trật tự, đều đặn và được bảo vệ chặt chẽ để có thể học cách giao tiếp tương đối bình thường và giới hạn. Cha mẹ cần tích cực theo đuổi các chương trình này để có thể tiếp tục tại nhà sau khi đứa trẻ được huấn luyện tại trường học.

Vào tuổi đến trường:

Tiểu học, đứa trẻ cần được huấn luyện để bù đắp những khiếm khuyết trong sự phát triển tâm trí; cùng lúc với sự khích lệ để tiếp tục học hỏi phát triển về những phần tâm trí bình thường khác. Thí dụ, một đứa trẻ thích âm nhạc, chơi thuần thạo một vài thứ nhạc cụ; chương trình huấn luyện cần có phần âm nhạc để phát triển tiềm năng về âm nhạc của đứa trẻ này. Ngoài ra, đứa trẻ cần được chỉ dẫn, khích lệ trong việc giao tiếp, chơi chung trò chơi với những đứa trẻ bình thường khác. Với những đứa trẻ được xem như "có khả năng" (higher-functioning), đủ sức theo đuổi đường học vấn, chúng vẫn cần được giúp đỡ trong việc xếp đặt các việc làm hàng ngày theo một tổ chức có trật tự, tránh những thứ làm chúng xao lãng, chia trí.

Ở bậc trung học:

Chương trình huấn luyện cần bắt đầu với những phần thực dụng như công việc làm, sống chung với người khác trong một xã hội nhỏ, và giải trí. Đứa trẻ cần được chỉ dẫn cách làm một công việc nhất định (routine) nào đó, cách dùng phương tiện di chuyển công cộng như xe bus, và những việc làm giúp chúng có thể sống trong một tập thể như những nhà dành riêng cho người lớn (adult housing), nơi những người không sống chung với gia đình nhưng vì khuyết tật tâm thần nên được chính phủ giúp đỡ, tài trợ và cung cấp nơi ăn ở. Trong giai đoạn này, cha mẹ cũng cần tiếp tục tham dự một cách tích cực vào các chương trình huấn luyện của con em mình.

Tuổi dậy thì:

Tuổi dậy thì là thời gian chuyển tiếp giữa thời thơ ấu và tuổi trưởng thành, một giai đoạn khó khăn cho mọi đứa trẻ, kể cả những đứa trẻ bị ASD. Đứa trẻ cần được chỉ dẫn để hiểu biết và chấp nhận sự thay đổi trên cơ thể cũng như tâm thần. Một số hành động cử chỉ của đứa trẻ sẽ thay đổi, hành động xấu có thể bỏ bớt hoặc ngược lại. Riêng đứa trẻ với ASD, đa số trở nên đanh đá, "quá quắt" hoặc khó chịu hơn (aggressive, hostile) vì đây là cách chúng biểu lộ sự xáo trộn trong tâm thần. Khi đứa trẻ có hành động phá phách, thù nghịch; người chung quanh sẽ xa lánh và bỏ mặc; sự đơn độc là điều những đứa trẻ với ASD chọn lựa vì chúng không thể hoặc không biết cách giao tiếp với thế giới bên ngoài.

Tuổi dậy thì cũng là giai đoạn đứa trẻ trở nên nhạy cảm với xã hội chung quanh, cần bạn bè, cần sự ủng hộ, yêu thích của bạn bè. bình thường, đứa trẻ chú trọng đến bề ngoài, từ mấy cái mụn trên mặt đến cách ăn mặc, bạn bè, tình cảm trai gái (puppy love) pha trộn giữa sự ngây thơ, thiếu kinh nghiệm sống đến sự quá khích của ý tự quyết (làm theo ý muốn bất kể hậu quả hay lời khuyên răn của phụ huynh, thầy cô). Lứa tuổi mà cha mẹ cần sự hiểu biết và cảm thông để có thể hướng dẫn con/em một cách hiệu quả. Đứa trẻ với ASD còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa, nó có thể nhận ra sự khác biệt giữa mình và người chung quanh, có thể biết rằng mình không có bạn; nhất là khác với bạn bè, nó không có dự định mơ mộng nào về tương lai, nghề nghiệp cũng như chuyện đôi lứa. Với một thiểu số, khi hiểu được sự khiếm khuyết, những đứa trẻ với ASD cố gắng thay đổi bằng cách học hỏi cách giao tiếp thích hợp hơn với đời sống xã hội chung quanh và đã có những đứa trẻ thành công trong việc chọn lựa công việc làm cũng như lập gia đình và sống tương đối bình thường.

Trúc Giang.mamnon.com
Theo http://tvvn.org



 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Bài 8: Những phương cách chữa trị (29/6)
 Bài 7: Những trợ giúp cho đứa trẻ có hội chứng tự kỷ - ASD (29/6)
 Mạnh hơn cả lời nói – Chuyện của người mẹ có con bị bệnh tự kỷ (17/6)
 Bài 6: Chuẩn đoán tự kỷ ở trẻ (12/6)
 bài 5: Những khó khăn khác với “Hội chứng tự kỷ - ASD” (9/6)
 Dấu hiệu của Trẻ mắc chứng tự kỷ (5/6)
 Bài 4: Những dấu hiệu có thể liên hệ đến “Hội chứng tự kỷ - ASD” Hành động lặp đi lặp lại! (26/5)
 Bài 3: Những dấu hiệu có thể liên hệ đến “Hội chứng tự kỷ” (22/5)
 Bài 2: Những dấu hiệu có thể liên hệ đến “hội chứng tự kỷ - ASD” (18/5)
 Bài 1: Hội chứng tự kỷ (13/5)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i