Cảm xúc mầm non
   Cô giáo dạy hè.
 
Làm giáo viên chúng tôi có một “đặc quyền đặc lợi” mà không nghề nào có được đó là tiêu chuẩn nghỉ hè, không phải nghỉ phép thông thường mà chúng tôi được nghỉ hẳn những hai tháng. Mới sang tháng năm, tôi đã lên kế hoạch cho cả mùa hè: đi biển, lên núi, tham gia một khoá học về giao tiếp xã hội và kế hoạch nghỉ ngơi cho đỡ mệt sau một năm dạy học căng thẳng.

Nhưng các vị cha mẹ không biết làm gì với tụi nhóc lên ba lên năm khi bận đi làm, chả lẽ mang chúng đến chơi ở cơ quan? Vậy là cha mẹ đem con “đổ vạ” nhà trường. Sau đợt vận động, một số giáo viên muốn “trốn việc nhà lại tăng thu nhập” liền xung phong đi làm hè.

Tôi chả dại. Nhất định là vậy. Nhưng vẫn không thoát. Cô bạn đồng nghiệp có con nhỏ bị ốm gọi điện nhờ vả thống thiết: “Chị làm hộ em một tuần thôi mà”. Nể quá, tôi nhận lời.

Vì học hè vắng nên học sinh được ghép lại từ nhiều lớp khác nhau, học sinh cũ của tôi chỉ có vài bé còn lại nhìn lạ hoắc. Chắc chúng nhìn tôi cũng lạ lẫm không kém thậm chí hình như chúng còn không coi tôi là cô giáo. Để phát ngôn một điều gì đó hoặc là tôi phải gõ thước ầm ầm, hoặc hét thật to. Lớp cũ của tôi chúng nề nếp bao nhiêu thì lớp “ĐH tổng hợp” này lại tự do vô tổ chức bấy nhiêu. Chúng nói to, hét lớn không kém gì tôi, trong lớp chuỵên trò như pháo nổ, gọi nhau hò hét í ới. Ấy là chưa kể bất cứ chuyện gì cũng có thể khóc rống lên, tranh luận, cãi vã hoặc mách mỏ...Lúc nào tôi muốn chúng ngồi yên một chỗ, tôi phải nhặt từng bé một dắt vào vị trí yêu cầu. Được bé này thì bé khác nhảy tưng tưng làm tôi vô cùng vất vả, chả bù cho học sinh lớp tôi cũ, chỉ cần ra hiệu khẽ một cái là đâu vào đấy. Tôi xin cá với các bạn chắc chắn rằng câu thành ngữ: “bắt cóc bỏ đĩa” là do một cụ đồ nho nào đấy ấm ức lũ “nhất quỷ nhì ma” đã nghĩ ra.

Đúng là “nhất quỷ nhì ma” thật, mấy con ma nhóc dưới chân như có lắp bánh xe hay lò xo. Từng tốp nối đuôi đuổi nhau chạy rần rần vòng vèo từ phòng nọ xuyên qua phòng kia. Nhìn chúng chạy tôi chỉ lo có bé nào vấp ngã thì...Thế là tôi hét to: “Về chỗ nào! Im lặng nào! Ngoan nào!..”. Gào thế nào cũng không ăn thua, tôi liền túm lấy một cậu bé đang mồ hôi mồ kê ướt sũng lưng phát cho cái vào mông. Ngay hôm sau bà cháu đến “gặp gỡ trao đổi” rằng cháu không muốn đi học nữa do bị cô tát vào mặt. Ấy thế là tôi bị coi là mụ Quản Thị Kim Hoa rồi đấy. May mà bà cháu chỉ nhắc cô chứ chưa tới mức đưa cô lên gặp hiệu trưởng. Thuyết phục giải thích một hồi rồi bà cũng cho bé vào lớp. Hú vía!

Sau một tuần dạy hè, cổ họng tôi khô rát, giọng nói khàn đặc. Mỗi lần hét lên là cả một sự cố gắng ghê gớm. Ở nhà ông xã bảo tôi dạo này trầm tính hẳn, có lẽ lỗ tai ổng được nghỉ ngơi nên thấy tôi mất giọng lại có vẻ hài lòng lắm, không hề thương vợ đang ốm đau khổ sở thế này. Mấy cô bạn gái hầu như không nhận ra là tôi mất tiếng hay là không. Có lẽ phụ nữ nghe bằng mắt. Hôm qua gặp anh bạn cũ, anh ngạc nhiên hỏi tôi làm sao thế và phát biểu thẳng thừng: “Anh sợ đàn bà con gái nói giọng khê nồng lắm, nghe như dân giang hồ”. Đến nước này thì tôi buộc phải xem lại cái họng của mình. Mấy hôm sở hữu cái tiếng khàn khàn tưởng lời nói của mình có uy hơn, giống như sếp cũ của tôi, bả nói ồm ồm ai nghe cũng thấy thật dễ sợ, ai dè lúc mình nói tiếng ấy bị kêu là “sương gió”. Cà phê đã phải không cho đá, nước muối xúc miệng thường xuyên vậy mà vẫn nó không thanh thoát hơn là bao. Hò hét quát tháo cả ngày như vậy thì cái thanh quản ốm yếu của tôi làm sao mà lành được. Con cô bạn vẫn chưa khỏe (không biết trẻ con thì như thế nào gọi là khỏe?), cô ấy tiếp tục nghỉ làm thêm tuần nữa.

Bao giờ cô giáo chính thức của tụi nhỏ đi làm tôi mới được nghỉ ngơi. Chỉ e giọng tôi lúc đó sẽ mất vĩnh viễn không lấy lại được nữa.
Ôi tụi nhóc của tôi.
“Trật tự, lắng nghe cô nói đây này!”

Hoàng Vi mamnon.com
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Hãy thông cảm và chia sẻ với Giáo viên Mầm Non.
Ngày gửi: 7/25/2008 8:17:38 PM

Ngày trước lúc học Trung cấp Mầm Non tôi yêu nghề lắm, đến khi thực tập tôi lại yêu những đứa trẻ hơn. Khi làm hồ sơ xin vào dạy, một tháng đầu tôi cũng bị viêm họng vì vừa la vừa vỗ về những đứa trẻ lần đầu tiên xa mẹ vào đến lớp chỉ biết khóc mà thôi lúc đó mỗi ngày đi làm về tôi chỉ biết nằm ngủ và ước gì là hè ở nhà chơi cho sướng nhỉ. Nhưng khi nghỉ hè tôi lại nhớ mấy đứa nhỏ lắm. Thời gian đầu lớp nào cũng vậy dù trong năm học hay hè là cô giáo muốn cho lớp mình có nề nếp tổ chức mìh phải rèn những đứa trẻ từng chút một từ giờ học vệ sinh, ăn, ngủ, vui chơi cho đến lời nói, tất cả giáo viên chúng ta phải làm gương cho cháu. Nhiều lúc tôi nghĩ ở nhà phụ huynh có một cháu đến ngày nghỉ phụ huynh sợ lắm vì cháu nó quậy nhiều mà vô lớp 30 - 40 cháu mà chúng ta cũng dạy dỗ lại rất dễ dàng là nhờ các cô giáo chúng ta biết tổ chức sắp xếp nế nếp học tập ăn ngủ theo giờ nên bao nhiêu trẻ cũng vậy, đâu vào đấy hết. Thời gian gần đây truyền hình cũng như báo chí đăng rất nhiều vì có những giáo viên đánh trẻ gây thương tích làm cho ngành giáo dục MẦm Non luôn bị ảnh hưởng rất nhiều " một con sâu làm rầu nồi canh". Nói thật là giáo viên Mầm Non đi dạy không la lớn tiếng ngay cả không đánh đòn cháu thì không bao giờ cháu nghe lời người lớn cả. Cô phải biết cách dạy trẻ như thế nào để trẻ biết được là mình làm chuyện đó không đúng, ở trong lớp thường có hai cô, tôi nghĩ rằng nên có một cô hơi lớn tiếng và một cô hiền vừa la, vừa dỗ ngọt trẻ khi trẻ làm sai. Nhưng tuyệt đối không đựợc làm gây thương tích hay dọa nhốt trẻ như các bào đã đăng.
Là các bậc cha mẹ chúng ta nên gnhĩ đến nỗi khổ của giáo viên. Ở nhà một đứa chăn không xong bị té lên té xuống...Vào lớp rồi nhiều trẻ, ít cô, cô không chỉ dạy mà còn chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ rồi còn hồ sơ, sổ sách, lại còn phải làm đồ dùng vào buổi trưa khi trẻ ngủ để ngày hôm sau lên tiết dạy có đồ dùng, tối về còn làm nữa vì đôi khi những chuyện như học trò cắn nhau giận hờn cô giáo ngay cả cô giáo cũng đâu muốn vậy đâu. Phụ huynh cũng nênt hông cảm cho giáo viên Mầm non chúng tôi. Là Giáo viên Mầm Non công việc bận rộn suốt cả ngày, có những cô giáo phải gác việc nhà qua một bên để làm những đồ dùng dạy học. Dù ở thành thị cái gì cũng tự làm nhà trường chỉ hỗ trợ một phần nhỏ thôi muốn tiết học đạt hiệu quả theo chương trình mới đồ dùng phải đẹp, hấp dẫn trẻ chúng tôi lại bỏ tiền túi ra mua vật liệu tự làm tuy vẫn dùng hết nguyên vật liệu mỗi thứ cũng phải tốn tiền mua này mua nọ. Là cô giáo Mầm Non chúng tôi hi vọng rằng các bậc phụ huynh đừng xem chúng tôi như một " Osin".



guest
Phụ huynh không coi cô như ô sin đâu bạn à
Ngày gửi: 7/27/2008 7:35:20 AM


Mình là Hoàng Vi, cảm ơn bạn đã chia sẻ với câu chuyện của mình.
Cha mẹ của các bé đều hiểu cả đấy bạn à, họ không coi mình là ô sin đâu. Mẹ một cháu "cá biệt" của lớp mình gặp cô giáo thán phục bảo: "Bà ngoại nói các cô giỏi thật, trông "nó" bằng 5 đứa trẻ khác đấy". Mình cười chữa lại: "Chị nghĩ có lẽ bằng khoảng 10 đứa".



Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 'Cuộc chiến' tâm lý giữa mẹ và con (23/7)
 Bị cô giáo 'chăn' (22/7)
 Đùa với sóng (21/7)
 Lớp mẫu giáo thời chênh lệch giới tính (17/7)
 Khi trẻ con học (16/7)
 Bé Dưa làm quen với việc có em như thế nào? (15/7)
 Quà con gái tặng Bố (14/7)
 Con trai nổi hứng làm văn khi ra biển (12/7)
 Mẹ yêu con (10/7)
 Khổ vì cho con ăn (9/7)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i