Sức khỏe và Phát triển
   Sai lầm khi kiêng tắm cho trẻ mắc tay chân miệng
 

Với trẻ mắc tay chân miệng, nhiều phụ huynh sợ khi tắm cho bé sẽ làm vỡ các phỏng nước.



Cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ mắc tay chân miệng. Ảnh minh họa

Song, thực tế, việc kiêng tắm không chỉ khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu mà còn có thể gây nhiễm trùng.

Cần tắm hằng ngày cho trẻ

Theo GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, số ca mắc tay chân miệng đang ngày càng tăng. Trung bình cả nước ghi nhận 350 ca/tuần phải nhập viện. Trong đó, 10% số bệnh nhi cần phải sử dụng thuốc đặc trị Immunoglobulin.

Bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Trong đó, chủng EV71 gây bệnh cảnh nặng và dễ biến chứng hơn. Nếu trẻ biến chứng không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể tử vong.

Tại nước ta, ca nhiễm chủng EV71 đang tăng. Theo Cục Y tế dự phòng, nếu đầu tháng 4, số ca mắc chiếm khoảng 6% trong các mẫu xét nghiệm, đến đầu tháng 6, tỷ lệ dương tính với chủng EV71 đã tăng lên 40%.

GS Lân cho biết, ngoài tay chân miệng, hiện các bệnh truyền nhiễm tiếp tục tăng. Điển hình, sốt xuất huyết cứ 10 năm lại tăng gấp đôi và vẫn tiếp tục gia tăng, trở thành một trong những vấn đề y tế công cộng trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, nước ta còn có các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguy cơ xâm nhập trên thế giới vào Việt Nam.

Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, năm nay, đơn vị này tiếp nhận nhiều trẻ mắc tay chân miệng bị biến chứng thần kinh hơn. Trong đó, biến chứng điển hình nhất là viêm não.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận hơn 1.200 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng đến khám với gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong số đó, có 20 - 30% trường hợp nhiễm chủng virus EV71.

Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tay chân miệng là bệnh lý phổ biến ở trẻ, với các biểu hiện: Sốt (trên 37,5 độ C); Loét miệng (vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2 - 3 mm ở niêm mạc miệng, lợi lưỡi) và/hoặc phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông, đầu gối.

Đặc biệt, với trẻ mắc tay chân miệng, nhiều phụ huynh sợ khi tắm cho bé sẽ làm vỡ các phỏng nước. Do đó, các phụ huynh kiêng tắm cho trẻ. Song, thực tế, điều này hoàn toàn sai lầm. Việc kiêng tắm không chỉ khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu mà còn có thể gây nhiễm trùng.

Vì thế, trẻ mắc tay chân miệng vẫn cần được tắm hàng ngày bằng xà phòng sát khuẩn hoặc nước sạch. Sau khi tắm, cần bôi Betadin 3% đề phòng nhiễm trùng da. Cha mẹ cần chú ý tắm cho trẻ nhẹ nhàng, không kỳ cọ mạnh, không chọc vỡ hay đắp lá lên nốt phỏng.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương lưu ý, để tránh trẻ bị nhiễm lạnh dẫn đến viêm phổi, cha mẹ cần chú ý không làm ướt quần áo của trẻ khi chườm ấm. Cho trẻ uống dung dịch Oresol theo nhu cầu để đảm bảo cân bằng nước và điện giải (Oresol cần được pha đúng liều lượng in trên bao bì).

Phụ huynh nên chú ý vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng dung dịch NaCl 0,9% hoặc pha nước ấm với muối (1 muỗng 5g muối pha với 240ml nước ấm).

Với trẻ lớn có thể nuốt, cha mẹ cho trẻ tự súc miệng; Với trẻ nhỏ, người chăm sóc dùng tay quấn gạc mềm vệ sinh răng, góc má, lưỡi nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương niêm mạc miệng; Bôi Glycerin borat, Zytee... vào vết loét miệng 3 lần/ngày, trước khi ăn 30 phút đến 1 giờ.

Nếu trẻ nhỏ còn bú, mẹ tiếp tục cho ăn sữa mẹ (vắt sữa đổ thìa khi trẻ đau miệng không bú được). Trẻ lớn cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như súp, cháo. Nên cho trẻ ăn làm nhiều bữa nhỏ. Không nên cho trẻ ăn đồ cay, nóng, cứng.

Khi trẻ được điều trị bệnh tại nhà, ngoài việc chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thì cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của con. Từ đó, kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng - Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ mắc tay chân miệng tăng đề kháng và mau hồi phục. Đặc biệt, trẻ cần tránh các loại thực phẩm giàu arginine.

Đây là một loại axit amin có thể khiến virus sản sinh nhiều hơn. Việc này không có lợi đối với sức khỏe của bé bị tay chân miệng. Một số thực phẩm giàu arginine mà cha mẹ có thể tránh cho trẻ sử dụng gồm: Nho khô, các loại hạt, lạc (đậu phộng), chocolate...

Trẻ cũng cần tránh các loại thức ăn cứng, cay nóng hay được nêm nếm quá mặn. Bởi, trẻ bị tay chân miệng thường nổi nốt ban loét ở niêm mạc miệng. Việc cho trẻ ăn thực phẩm cay, nóng, cứng sẽ làm cho vết loét bị kích ứng mạnh hơn.

Từ đó, khiến bé cảm thấy đau rát, khó chịu, vết loét cũng khó lành hơn. Ngoài ra, cần tránh các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa. Các loại thực phẩm sẽ khiến da của bé tiết dầu nhiều hơn.

Điều đó vô tình khiến tình trạng các nốt ban trở nên trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, những thực phẩm này thường khó tiêu hóa, trẻ hấp thụ chậm và không tốt với sức khỏe khi bé đang bị bệnh. Tuyệt đối không dùng các thực phẩm mà bé từng bị dị ứng hoặc đồ ăn lạ.

Thay vào đó, phụ huynh cần cho trẻ ăn đủ chất, đa dạng nhóm thực phẩm bao gồm: Chất đạm, béo, bột đường, vitamin và khoáng chất. Không quá kiêng khem để có thể bù lại nguồn năng lượng và các chất dinh dưỡng bị mất.

GS.TS Phan Trọng Lân cho biết, cách phòng bệnh tay chân miệng tốt nhất là quản lý chặt vấn đề vệ sinh đồ chơi cho trẻ, giữ sạch bát đĩa cho trẻ trong bữa ăn. Đồng thời, luôn giữ tay sạch cho trẻ. Người trông giữ trẻ cũng cần giữ bàn tay sạch, vệ sinh tay thường xuyên để tránh làm nguồn lây bệnh.

Theo Afamily.vn

Theo Giáo dục thời đại

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 5 bước xử trí khi trẻ bị chảy máu cam (11/7)
 Các bệnh lý thường gặp ở trẻ mùa nắng nóng và những lưu ý phòng bệnh (4/7)
 Trẻ sốt cao cần cảnh giác với 4 căn bệnh vào mùa hè này (4/7)
 Mẹ tự điều trị tay chân miệng cho con suýt gây hậu quả nghiêm trọng (24/6)
 Trẻ dưới 2 tuổi chưa biết kêu đau, đây là cách bố mẹ nhận biết sớm con mắc viêm tai giữa (24/6)
 Trẻ mắc tay chân miệng gặp biến chứng nặng do cha mẹ chủ quan (24/6)
 Trẻ bị bệnh khó nuốt, sụt 13 kg (19/6)
 4 cấp độ nguy hiểm của bệnh tay chân miệng, từ cấp độ 2 mẹ phải cho con đi viện (19/6)
 Trẻ đau chân có phải xương đang dài ra, cha mẹ cần biết những điều này khi chăm con (19/6)
 Trẻ bị tay chân miệng kiêng, ăn gì để mau khỏi bệnh? (2/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i