Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bệnh tay - chân - miệng biến chứng bất thường


 * Dấu hiệu nào để nhận biết trẻ bị bệnh tay  - chân - miệng, và làm sao để ngừa biến chứng nguy hiểm? (Một số bạn đọc hỏi)

- BS Trần Thị Việt (trưởng khoa nhiễm, BV Nhi Đồng 2): Triệu chứng của trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng thường là sốt, nổi bóng nước hồng ban ở lòng bàn tay, chân, mông, đầu gối và có vết loét trong miệng. Bệnh này diễn biến bất thường và chia ra bốn giai đoạn: không biến chứng, biến chứng nhẹ, biến chứng nặng và biến chứng rất nặng. Một số trường hợp chỉ cần điều trị tại nhà.

Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng. Những biểu hiện của biến chứng nặng và rất nặng: giật mình, nôn ói, ngủ li bì… Những trường hợp đã bị biến chứng rất nặng mới đưa đến BV thì cấp cứu không hiệu quả, khả năng tử vong cao. Do đó, khi nhận thấy trẻ có những triệu chứng trên, phụ huynh nên đưa đến BV ngay để bác sĩ theo dõi, điều trị phù hợp.

Khi chăm sóc trẻ bị bệnh, phụ huynh nên cho trẻ ăn đầy đủ dưỡng chất và uống nhiều nước (canh, cháo, trái cây, nước đun sôi để nguội). Không cần phải kiêng gió, ánh sáng. Để giảm nguy cơ nhiễm trùng da, phụ huynh nên chăm sóc da cho trẻ cẩn thận: tắm nước ấm, lau nhẹ, tránh làm vỡ bóng nước, thay quần áo sạch hằng ngày, cắt móng tay cho trẻ để tránh tổn thương da do gãi ngứa. Đặc biệt không nên đắp lá cây gây nhiễm trùng da.

                                ( Theo Tuổi Trẻ )