Dạy trẻ sự thông cảm - đồng cảm Tiến Sĩ Bùi Thị Việt – Trường CĐSP TW – TP HCM Đề tài: Người thân yêu nhất trên đời của con Mục đích: 1. Phát triển khả năng đồng cảm 2. Dạy trẻ hiểu và tích cực thể hiện sự đồng cảm với người thân trong gia đình 3. Dạy trẻ cách đánh giá hành vi đạo đức 4. Giáo dục trẻ có thái độ nhân ái với người thân trong gia đình và những người gần gũi xung quanh Tổ chức hoạt động Trò chuyện cùng trẻ: - Ai người thân yêu nhất trên đời của các con? Mẹ - Đọc thơ hoặc hát bài hát về mẹ: “Yêu mẹ”, “Chỉ có một trên đời” - Yêu cầu trẻ kể về mẹ của mình bằng hình thức chơi: “Mẹ của con”. Trẻ lần lượt theo thứ tự hoàn thành câu: “Mẹ của con….”, sau đó thay đổi câu khác: “Khi con nhìn thấy mẹ, con…”. - Xuất hiện bạn Đom Đóm - bạn Đom Đóm có mang theo một cây đèn thần để giúp đỡ trẻ trong những lúc khó khăn và chia vui với trẻ trong những lúc vui vẻ. Nhờ sự giúp đỡ của bạn Đom Đóm, yêu cầu trẻ lắng nghe một tình huống, sau khi thảo luận xong tình huống này thì tổ chức cho trẻ chơi đóng vai. “Mẹ bạn Huy đi làm về rất mệt, nhìn thấy đồ chơi vung vãi khắp nhà, mẹ yêu cầu Huy dọn dẹp nhưng Huy làm bộ như không nghe thấy mẹ nói gì. Mẹ chuẩn bị bữa tối. Sau bữa ăn, mẹ yêu cầu bạn Huy giúp mẹ dọn bàn ăn nhưng bạn Huy nói “Con không muốn”. Mẹ giận bạn Huy lắm”. - Tại sao mẹ giận bạn Huy? - Bạn Huy cần phải làm như thế nào? - Trong khi trẻ chới đóng vai, cần lưu ý đến cách diễn đạt trạng thái cảm xúc của mỗi nhân vật qua nét mặt, cử chỉ, điệu bộ, giọng nói. Sau khi chơi xong, cô giáo trò chuyện cùng trẻ: - Chúng ta cần mẹ để làm gì? (tìm hiểu nhận thức của trẻ và thảo luận). Giáo viên kết luận: Mẹ đã tặng cho các con cuộc sống, thương yêu, quan tâm, lo lắng cho các con, mẹ luôn bên cạnh các con lúc buồn, lúc vui, chia sẻ, giúp đỡ, bảo vệ, hiểu và tha thứ cho những lỗi lầm của các con - Có phải lúc nào các con cũng hiểu và nghe lời mẹ không? - Đọc bài thơ nói về em bé phạm lỗi bị mẹ phạt :
Hỏi trẻ: Tại sao mẹ giận em bé? - Các con thấy thương ai trong bài thơ này? Tại sao? - Làm thế nào để giúp bạn trong trường hợp này? Bạn Đom đóm xuất hiện và đưa ra những lời khuyên: - Hãy ngoan ngoãn vâng lới bố mẹ, những người thường xuyên quan tâm lo lắng cho các bạn ở nhà. - Hãy giúp đỡ bố mẹ, luôn luôn ân cần, niềm nở. - Nếu như một người nào đó giận bạn, bạn cần phải xin người đó tha thứ. - Hãy bước đến gần mẹ, ôm lấy mẹ và nói nhẹ nhàng “Xin Mẹ tha lỗi cho con”. - Hãy làm điều gì đó bất ngờ, thú vị tặng mẹ, mẹ sẽ rất vui sướng vì điều đó Trò chơi: Bó hoa tặng mẹ thân yêu - Giáo viên đóng vai người bán hàng. Có chuẩn bị trước những bó hoa đẹp - Nhiệm vụ chơi: chọn bó hoa đẹp nhất để tặng mẹ, giải thích tại sao lại chọn bó hoa đó? - Bằng biểu cảm của nét mặt, hãy diễn tả lại nét mặt của mẹ khi nhận bó hoa đẹp. - Tiếp theo phân phát cho trẻ hình những trái tim được cắt ra từ giấy A4, bút chì màu hoặc bút dạ màu, yêu cầu trẻ tô màu trái tim màu mà mẹ thích nhất. Khi trẻ thực hiện xong yêu cầu trẻ sẽ tặng mẹ trái tim đó. - Kết thúc giờ học đề nghị trẻ hát những bài hát về mẹ. Đề tài: Tại sao chúng ta lại giận những người thân của ta Mục đích: - Dạy trẻ phân biệt khái niệm “Tốt”, ‘Xấu” - Khuyến khích trẻ thể hiện sự thông cảm, đồng cảm - Hình thành nhận thức cho trẻ về phương diện đạo đức trong hành vi Tổ chức hoạt động: - Đầu giờ học bạn Đom Đóm xuất hiện, mang theo 2 quyển sách nhỏ. Một quyển sách có bìa màu đen, trên đó có ghi chữ XẤU, quyển sách kia có bìa màu xanh, trên đó có ghi chữ TỐT. - Khi các bạn xem quyển sách màu đen, các bạn thấy có cảm giác như thế nào (không thú vị, buồn…), còn quyển sách màu xanh (vui vẻ, thích thú, tốt đẹp). - Bạn Đom Đóm đề nghị các bạn ghi vào quyển sách màu đen những hành vi, cử chỉ không đẹp, những ý nghĩ xấu, ghi vào quyển sách màu xanh những hành vi, cử chỉ, những ý nghĩ tốt. - Trong nội dung trò chuyện đầu giờ cùng trẻ, yêu cầu trẻ nhớ lại những lời khuyên của bạn Đom Đóm. Hỏi trẻ: Các con hay làm những việc tốt nào cho bố mẹ? nghe và lựa chọn những việc làm tốt nhất ghi vào quyển sách màu xanh - Đọc cho trẻ nghe bài thơ “U ốm” - Hỏi trẻ: Sẽ viết vào quyển sách nào hành động của em bé? Tại sao? - Dự đoán hành vi và thái độ của trẻ đối với người thân trong gia đình. Yêu cầu trẻ lần lượt kết thúc câu: Nếu con nhìn thấy mẹ (ba) mệt mỏi, thì…. Bài tập trò chơi: “Mẹ bị mệt” - Trẻ đứng thành vòng tròn, giữa đặt 1 chiếc ghế. Chọn 1 trẻ làm mẹ ngồi trên ghế hoặc đứng trong vòng tròn. Tất cả trẻ đều nhận nhiệm vụ: hãy tưởng tượng rằng mẹ vừa đi làm về rất mệt. Các con muốn giúp mẹ. Các con sẽ giúp như thế nào? Các con sẽ nói gì với mẹ? Trẻ đóng vai mẹ cần thể hiện cảm xúc bằng cử chỉ, điệu bộ, nét mặt. Nếu trẻ gặp khó khăn, giáo viên nên gợi ý các phương án giúp đỡ mẹ như cất dép, giày (hoặc mang cho mẹ), bày bàn ăn, dọn bàn ăn, rửa chén bát… Tình huống chơi: Bạn Đom Đóm tặng mỗi trẻ một cây nến thần, trẻ sẽ suy nghĩ những ước muốn tốt đẹp dành cho ba mẹ. Lời khuyên của bạn Đom Đóm - Khi bố mẹ đi làm về mệt, hãy quan tâm đến bố mẹ, Hãy hỏi xem bạn có thể giúp được gì? - Hãy bảo vệ sự nghỉ ngơi của những người thân xung quanh - Để có thể quan tâm chăm sóc những người thân, cần biết đoán đúng tâm trạng của họ, và trò chơi tiếp theo sẽ giúp các con điều đó. Trò chơi “Đoán tâm trạng” - Phân phát cho trẻ những quân bài có vẽ những mặt người với những tâm trạng khác nhau (vui, buồn, giận dữ, tốt bụng…). Khi trẻ đã xác định tâm trạng của từng quân bài xong thì xếp chúng theo từng đôi. 1 trẻ cầm 1 quân bài, nói cho bạn biết tâm trạng được diễn tả trong quân bài đó. Trẻ kia cần phải tim cho ra quân bài diễn tả tâm trang như quân bài của bạn. Sau đó trẻ sẽ so sánh những cặp quân bài đã lựa chọn. - Trong trường hợp không trùng, giáo viên có thể đề nghị trẻ gỉai thích, tại sao trẻ chọn quân bài đó. Vẽ theo đề tài “Gia đình của em” cho phép dự đoán tính chất của các mối quan hệ trong gia đình và vị trí của trẻ trong gia đình đó. Bài tập về nhà: Nhớ lời khuyên của bạn Đom Đóm và thể hiện sự quan tâm đến bố mẹ. ( Nếu bạn có một tài liệu hay muốn đi sẻ cùng mọi người, xin hãy gửi về cho Ban biên tập tại địa chỉ mail: mamnon@mamnon.com hoặc tinhocmamnon@yahoo.com.vn, Liên hệ trực tiếp qua số điện thoại: 08.8443125. Những tài liệu hay sẽ được đăng tải trên website mầm non. ) |