Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tìm hiểu bệnh thủy đậu


Đây mặc dù là bệnh lành tính nhưng với những người có sức đề kháng yếu, đặc biệt là trẻ em, bệnh rất dễ biến chứng thành những căn bệnh khác cực kỳ nguy hiểm.

Bệnh thủy đậu là gì?

Theo thống kê tình hình dịch tễ cho thấy thủy đậu xảy ra quanh năm nhưng thời điểm phát bệnh cao nhất là từ tháng 2 đến tháng 6. Bệnh còn có tên gọi khác là phỏng rạ hoặc trái rạ. Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella-Zoster gây ra, tuy lành tính nhưng lây lan rất nhanh: khi một người mang virus thủy đậu nói, hắt hơi hoặc ho... thì các siêu vi đó theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài, sẽ lây bệnh cho những người khác nếu hít phải.

Bệnh cũng có thể truyền từ mẹ sang con nếu người mẹ bị thủy đậu trong lúc mang thai. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phần nhiều ở trẻ em.

Thông thường, từ lúc nhiễm phải virus, virus sẽ theo đường máu đến cư trú ở lớp tế bào thượng bì da và niêm mạc (niêm mạc miệng, kết mạc mắt…) gây ra những nốt mụn nước trên da, thời gian này được gọi là thời gian nung bệnh hoặc ủ bệnh khoảng 2-3 tuần.

Triệu chứng

Đầu tiên người bệnh thường sốt nhẹ, đau đầu, đau cơ trong một vài ngày. Sau đó, những mụn nước nhỏ xuất hiện rất nhanh trong vòng 1-2 ngày. Những mụn bóng nước này thường mọc ở thân mình, sau đó lan lên mặt và tay chân, gây ngứa, đau nhức. Sau 5-7 ngày các mụn sẽ đóng vẩy và bong đi.

Các vẩy đó nếu không có biến chứng gì thì sẽ không để lại sẹo. Bệnh thường khỏi trong vòng 1-2 tuần, cũng do thời gian tiến triển của bệnh tương đối ngắn, nên một số người đã cho thủy đậu là một bệnh nhẹ, hoàn toàn không nguy hiểm.

Biến chứng của bệnh

- Một số trẻ đã bị xuất huyết ở các mụn thủy đậu, bệnh trở thành một thể "thủy đậu xuất huyết" rất trầm trọng.

- Trẻ có thể bị bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác. Các vi khuẩn này vào các mụn thủy đậu, làm sưng to lên, gây ngứa. Nếu bệnh nhân bị bội nhiễm da sẽ để lại sẹo vĩnh viễn.

- Trong một số trường hợp, các vi khuẩn nói trên, từ các mụn thủy đậu lại xâm nhập vào máu, gây ra nhiều bệnh ở cơ quan khác, như viêm thận, viêm gan, viêm phổi... hoặc "nhiễm khuẩn huyết" gây chết người.

- Chứng viêm não do thủy đậu tuy ít những cũng vẫn xảy ra, đó là sau thủy đậu trẻ bỗng trở nên vật vã, quờ quạng chân tay, nhiều khi kèm theo co giật, hôn mê. Những trường hợp này có thể gây chết người nhanh chóng, và một số trẻ tuy qua khỏi được nhưng vẫn mang di chứng thần kinh lâu dài: bị điếc, bị động kinh...

- Bên cạnh đó có một thể thủy đậu đặc biệt, gọi là thủy đậu bẩm sinh: đó là những trẻ khi mới sinh ra đã có một số tổn thương ngoài da giống như thủy đậu, nhưng tai hại hơn nữa lại có kèm theo một số dị tật như teo cơ ở chân tay, bệnh ở mắt (bệnh đục thủy tinh thể" có thể gây mù)... Hiện tượng đó là do bà mẹ đã bị thủy đậu trong lúc mang thai và bệnh đã xảy ra trong 6 tháng đầu của thai kỳ.

                                    ( Theo GTVT  )