Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khuyến khích các thói quen có lợi cho sức khỏe trong gia đình


Các vấn đề sức khỏe có liên quan tới việc luyện tập thể dục đã được bàn đến khá nhiều trên các phương tiện truyền thông. Đặc biệt là đối với trẻ em, việc tăng cân hay suy dinh dưỡng đều ít nhiều liên quan đến chế độ tập luyện, vận động hằng ngày. Một sự thật hiển nhiên là trẻ càng khỏe mạnh thì việc học tâp càng thuận lợi. Qua nhiều nghiên cứu, người ta kết luận rằng nếu trẻ được trải qua một chương trình giáo dục thể chất tốt, trẻ có thể: · Hoàn thiện lòng tự trọng và các kỹ năng giao tiếp với người khác · Thu lượm nhiều kinh nghiệm làm việc nhóm (thông qua các trò chơi vận động) · Biết cách ứng xử với nhiều hoàn cảnh khác nhau (lúc thua hay thắng cuộc) · Học hỏi về kỷ luật · Cải thiện các kỹ năng giải quyết vấn đề và tăng cường khả năng sáng tạo. Mamnon.com cũng đã đề cập một số cách tổ chức trò chơi vận động cho trẻ ở trường mầm non. Tuy nhiên không thể đổ toàn bộ trách nhiệm giáo dục thể chất cho nhà trường. Bố mẹ mới là người ảnh hưởng nhiều nhất đến thói quen sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Nhiều chuyên gia dinh dưỡng trên thế giới cho rằng: chính bạn làm con mình béo phì. Thực ra, bất kể con bạn có béo phì, suy dinh dưỡng hay bình thường, việc thiết lập một lối sống lành mạnh cho gia đình là luôn cần thiết. Có thể theo những cách sau để khởi đầu một cuộc sống năng động cho cả nhà: Để bắt đầu, hãy suy nghĩ các quan niệm của bạn về “khỏe mạnh là gì? Béo phì đem lại những nguy hiểm gì? Đâu là các thói quen ăn uống, sinh hoạt không tốt cho sức khỏe của con bạn và các thành viên khác trong gia đình”. Hãy tự hỏi bản thân: tôi có một chế độ luyện tập hàng ngày không? Thói quen ăn uống của tôi là gì? Tôi có làm hành động nào tốt hay không tốt cho sức khỏe trước mặt con cái không (hút thuốc, uống rượu…)?… Trước khi thảo luận cùng con cái hay gia đình về vấn đề trên hãy tự trả lời trước các câu hỏi. Hãy xem xem các thói quen không tốt của trẻ có phải bắt nguồn từ các thói quen không tốt của bạn không! Tổ chức thảo luận với cả nhà. Bạn phải chắc chắn rằng không ai vắng mặt cả. Hãy để cho trẻ thấy sức khỏe của mỗi thành viên trong nhà đều đáng quan tâm và chuyện tổ chức lại thói quen sinh hoạt trong gia đình là chuyện hoàn toàn nghiêm túc. Kế tiếp, lập mục tiêu cụ thể cho cả nhà và từng người. Đưa ra bản danh sách các công việc cần làm cho cả nhà, ví dụ như tập thể dục 15 phút mỗi buổi sáng, giảm thời gian coi TV buổi tối, ăn ít nhất 5 loại trái cây hay rau mỗi ngày, giảm ăn các loại đồ ngọt … Lấy ý kiến của cả nhà, viết ra giấy các mục tiêu của từng người và thảo luận kế hoạch theo dõi cho đến khi hoàn thành mục tiêu: mẹ sẽ giảm 1kg trong 1 tháng, bé sẽ tập thể dục cùng bố 15 phút mỗi sáng… Người này sẽ theo dõi người kia cho đến khi hoàn thành mục tiêu. Hãy kiên trì và ưu tiên hàng đầu để thực hiện quyết định trên. Chẳng hạn cả nhà đã đồng ý cùng nhau đi bộ sau bữa ăn tối, nhưng trên truyền hình lại đang phát 1 chương trình mà trẻ rất thích, bạn sẽ làm gì? Có thể nên đi bộ trước chương trình và ăn trong khi coi TV (chi nên nhân nhượng trong thời gian đầu). Hoặc bạn tranh thủ khởi động, hít đất, uốn dẻo trong suốt thời gian quảng cáo phát trên truyền hình. Hay đơn giản chỉ là ra quyết định tiếp tục đi bộ, thuyết phục trẻ chuyến đi chỉ mất 20 phút đầu chương trình, trẻ có thể theo dõi tiếp sau khi đi về. Bạn phải chắn chắn rằng mọi thành viên đều hiểu rõ ích lợi của các hoạt động này. Không có gì chán hơn là chỉ đi bộ và đi bộ. Hãy thay đổi chương trình hay địa điểm thường xuyên để duy trì hứng thú: lúc chơi rượt bắt trong sân, lúc chạy bộ ngoài công viên... Nhớ rằng bạn ảnh hưởng trực tiếp lên con bạn, nếu bạn thực sự quyết tâm, con bạn cũng vậy. Nếu trẻ không bao giờ thấy bạn ăn rau, đi dạo sau bữa ăn, hay bỏ cái bánh ngọt xuống và cầm trái chuối lên, tại sao chúng phải điều đó chứ?! Không thể thuyết phục trẻ nếu bạn cứ vi phạm những điều đã cam kết. Còn nếu bạn thực hiện nghiêm túc, trẻ sẽ bị thuyết phục gấp 10 lần so với chỉ nói suông. Một cách tốt nhất để gây ảnh hưởng lên thói quen ăn uống có lợi của cả nhà là mua sắm có hạn độ. Nếu bạn không mua bánh ngọt mà chỉ để trái cây trong tủ lạnh, trẻ sẽ ăn trái cây. Nếu bạn không mua Coca mà mua sữa, trẻ sẽ phải uống sữa hàng ngày. Nhớ là không nên ép buộc mà không chịu giải thích tác dụng của các thức ăn trên. Đăc biệt nếu bạn thường xuyên dùng và ăn ngon lành mỗi ngày, trẻ sẽ làm theo thôi. Cuối cùng, hãy luôn nhớ rằng : con bạn khỏe mạnh hay yếu ớt đều do chính bạn quyết định.