Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bệnh thấp khớp ở trẻ em


Thấp khớp thường xảy ra ở trẻ 5 - 15 tuổi, nhất là vào mùa lạnh hay mưa ẩm, đặc biệt ở những nơi có điều kiện sống và vệ sinh kém (tỷ lệ là 4 - 5/1.000 trẻ em Việt Nam dưới 15 tuổi). Thấp khớp cấp (TKC) là một bệnh lý viêm lan tỏa của tổ chức liên kết vùng khớp và một số cơ quan khác như da, tổ chức dưới da, tim, thần kinh trung ương... thường khởi đầu bằng viêm họng đỏ cấp tính, sốt và đau họng. Sau 7-10 ngày bệnh toàn phát với sốt cao, mệt mỏi, xanh xao, nổi ban đỏ ở da, sưng, nóng đỏ và đau các khớp lớn... kéo dài chừng 5-7 ngày rồi khỏi, không để lại di chứng gì. Khi đã có chẩn đoán thấp khớp cấp, trẻ phải được điều trị phòng thấp để ngăn chặn sự tái phát và tránh các tổn thương tại tim. Thời gian điều trị phòng thấp kéo dài 5-10 năm hay suốt đời, tùy thuộc vào diễn tiến và thể bệnh. Đây là một loại bệnh tự miễn và do đó thường gây ra các tổn thương ở nhiều cơ quan như: khớp (viêm khớp), tim (viêm cơ tim, viêm các màng tim, rối loạn dẫn truyền), thần kinh (múa vờn Sydenham), da (hồng ban vòng Besnier), mô dưới da (nốt cục dưới da, hạt Meynet), phổi và màng phổi, thận, màng bụng, mạch máu... Triệu chứng bệnh thấp khớp cấp 5 triệu chứng chính: Viêm tim; viêm khớp; múa vờn Sydenham; hồng ban vòng; nốt cục dưới da (hạt Meynet). 5 triệu chứng phụ: Có bằng chứng về nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A trước đó; sốt; đau nhức; tốc độ lắng máu tăng; ECG có khoảng PR dài ra. Điều trị và phòng ngừa Cần nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường. Với viêm khớp, không viêm tim: 2 tuần tuyệt đối, 2 tuần tương đối. Viêm tim, tim không to: 4 tuần tuyệt đối, 4 tuần tương đối. Viêm tim, tim to: 6 tuần tuyệt đối, 6 tuần tương đối. Viêm tim, suy tim: nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường tới khi hết suy tim và 3 tháng điều trị tại nhà. Dùng kháng sinh diệt liên cầu khuẩn nhóm A như: Benzathin penicillin, Penicillin V, Erythromycin và điều trị theo từng thể bệnh: Viêm tim nhẹ, viêm tim trung bình và nặng. Để phòng ngừa, cần cải thiện môi trường sống và giáo dục y tế: giữ vệ sinh nhà ở, chống ẩm thấp, giữ cơ thể ấm, giải quyết triệt để các ổ nhiễm trùng ở răng, tai, mũi, họng. Ngoài ra, cho trẻ ăn uống đủ chất là rất quan trọng. Thức ăn cần thiết cho người thấp khớp Bổ sung một số acid béo: + Acid béo Omega-3: có nhiều trong các loại cá giàu chất béo (cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi, cá ngừ, cá trống), có khả năng ngăn chặn phản ứng của hệ miễn dịch gây ra chứng viêm khớp và làm thuyên giảm các triệu chứng của bệnh. Cho bệnh nhân dùng dầu cá 2-4g, thậm chí 5g/ngày cho kết quả khá hứa hẹn: khớp bớt cứng và ít đau hơn. + Acid béo Omega-6 GLA (acid gamma-linolenic): ngăn chặn tiến trình sản sinh các prostaglandin gây chứng viêm với liều 1-3g/ngày. Dầu anh thảo (Evening primrose oil) có GLA. Ở Việt Nam, có thể tận dụng vi tảo Spirulina (9-11g/kg) dưới dạng viên nang 400 mg tảo khô (biệt dược Linaforce). Người bị thấp khớp nên dùng 10g bột tảo khô/ ngày (tương đương 90 mg acid GLA). Bổ sung các vitamin: vitamin C, D, E và beta-carotene có thể giúp phòng tránh được một số dạng viêm khớp do tác dụng chống oxy hóa. Beta-carotene (có nhiều trong cà rốt, cà chua, bí rợ, rau xanh... và các loại trái cây, rau củ có màu đỏ) cùng các thức ăn chứa vitamin E có tác dụng giảm đau chống viêm. Chỉ với liều nhỏ dưới 150 mg vitamin C và 400 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D/ngày cũng khả năng làm chậm hẳn sự tiến triển của căn bệnh này. TS Bùi Mạnh Hà Thanh Niên