Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thai đa ối.


Thai nhi nằm trong bọc ối với lượng nước khoảng 500-1.500 ml. Lượng nước ối nhiều hơn gọi là dư ối, nếu quá 2.000 ml là đa ối. Đây có thể là hệ quả của tình trạng thai dị dạng, gai đôi cột sống... hay một số bệnh của mẹ.

Nước ối bao gồm nước tiểu, dịch tiết từ phổi thai nhi, dịch tiết từ hệ thống tuần hoàn của mẹ, từ nội sản mạc và dịch được khuếch tán qua dây rốn. Hiện tượng thai đa ối có thể diễn biến từ từ (mạn tính) hoặc xuất hiện trong một thời gian ngắn (cấp tính), với các biểu hiện: số đo vòng bụng (qua rốn) lớn hơn 100 cm, bụng căng bóng, đau bụng, khó thở, ăn uống khó tiêu, giãn tĩnh mạch có khi dẫn đến mắc bệnh trĩ.

Khi khám bệnh, bác sĩ thấy tử cung to hơn dự kiến, sờ nắn khó xác định được thai và các phần của thai, khó nghe tim thai, thai bập bềnh dễ dàng.

Nguyên nhân của đa ối có thể là: Thai dị dạng, gai đôi cột sống, teo thực quản, phù thai và song thai đơn noãn; hoặc có thể do mẹ mắc một số bệnh như đái tháo đường, những thể nặng của bệnh tim và tiền sản giật... Nếu thai nhi có biểu hiện phát triển không bình thường, bác sĩ có thể gây chuyển dạ để kết thúc thai kỳ.

Trường hợp đa ối mà thai nhi vẫn phát triển bình thường, bác sĩ có thể chỉ định bảo tồn bằng cách cho sản phụ nghỉ ngơi, dùng thuốc an thần và đôi khi phải chọc tháo bớt nước ối để làm giảm nhẹ các triệu chứng. Thai đa ối đủ tháng khi chuyển dạ dễ có ngôi không bình thường, dễ sa dây rau, băng huyết... Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ có quyết định đẻ thường hay mổ.

Theo Vnexpress