Học trường mầm non tư thục là ý nguyện của nhiều gia đình
Tư thục cũng có dăm bảy kiểu Tuy mới thành lập được khoảng 2 năm, nhưng hiện nay trường KinderSun (có trụ sở tại Thái Hà - Hà Nội) đã không còn chỗ cho các lớp. Học sinh tại đây được học theo nhóm nhỏ. Tỷ lệ giáo viên và trẻ là từ 1/3 đến 1/5 nhằm đảm bảo giáo viên có thể quan tâm tới từng trẻ ở mọi nơi, mọi lúc. Về chương trình học, trường tư thục thường có sự linh hoạt hơn. Ở KinderSun, ngoài việc theo chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT, chương trình nuôi dạy còn có sự hỗ trợ của chuyên gia giáo dục người Mỹ về phương pháp giảng dạy. KinderSun cũng như các trường tư thục chất lượng cao khác như Vườn Xanh ở khu đô thị Mỹ Đình, Vietkids ở Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Khuyến... luôn chú trọng đến việc giúp trẻ hoà nhập với thế giới xung quanh thông qua các bài giảng, trò chơi, đi dã ngoại... Bên cạnh mô hình dạy học theo tiêu chuẩn quốc tế, nhiều trường mầm non tư thục có mô hình nuôi dạy giống như các trường mầm non công lập. Dạo qua một số trường trên đường Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân - Hà Nội) như trường mầm non tư thục Vành Khuyên, Lưu Ly, các bậc phụ huynh sẽ thấy điều đó. Các trường tư thục kiểu này thường thiết kế chế độ khẩu phần ăn và chương trình dạy học theo Bộ GD-ĐT ban hành, riêng tiền học phí thì cao hơn so với công lập vì nhà trường có nhiều trang thiết bị và cơ sở hiện đại hơn (như lắp điều hoà, bình nóng lạnh...). Số tiền ăn tại đây được đóng tương đương với quy định của Bộ. Tuy nhiên, phụ huynh gửi con tại những cơ sở tư thục này có thể cho con đi học từ rất sớm (1 tuổi). Họ cũng có thể đăng ký cho con ăn sáng tại trường, thậm chí cả ăn tối và trông muộn đến 8 - 9 giờ tối. Việc trông trẻ như vậy sẽ tạo rất nhiều thuận lợi cho các bậc phụ huynh có công việc bận rộn. Một loại hình tư thục nữa là những lớp trông trẻ theo kiểu gia đình. Người trông trẻ ở đây thường không phải là những giáo viên tốt nghiệp ngành sư phạm mà chủ yếu chỉ là những người già về hưu hoặc những người không có công việc ổn định. Lớp học được đặt ngay tại nhà, trẻ thì ở đủ các độ tuổi từ 1-6. Những lớp học kiểu này thường không đảm bảo về môi trường sư phạm, vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó làm ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên, đối với nhiều gia đình thì đây là lớp học lý tưởng cho con cái họ, bởi họ có thể gửi con sớm hơn và đón muộn hơn. Họ cũng có thể gửi con ngay khi chúng con ẵm ngửa, một sự tiện lợi hơn cả so với các trường lớp khác. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng có thể yêu cầu người trông trẻ phục vụ theo yêu cầu trong khi chi phí thì không quá đắt. Đừng nghĩ mầm non không quan trọng
Từ 1-3 tuổi, trẻ luôn tò mò vì thế giới xung quanh. Từ 3-6 tuổi, tư duy của trẻ phát triển rất nhanh, học mà chơi, chơi mà học, trẻ khát khao được hoà mình vào môi trường xung quanh. Lứa tuổi này cũng bắt đầu hình thành nhân cách của trẻ. Vậy nếu học tại một nơi không bảo đảm môi trường sư phạm, trẻ sẽ thế nào? Trên thực tế, chất lượng giáo dục hiện nay ở Việt Nam nói chung, trong đó có khối mầm non vẫn chưa phát triển toàn diện và ngành giáo dục cũng đang hướng tới điều đó. Tuy nhiên, để cả nước có một mô hình giáo dục hiện đại thì cần phải có thời gian và phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh phí, cơ chế... Đối với các trường ngoài công lập, do cơ chế không bị bó buộc, họ có điều kiện cải thiện tình hình hơn. Với sự ủng hộ của các bậc phụ huynh và tâm huyết của những nhà quản lý, nhiều trường đã có những mô hình học tập khá hiện đại, khang trang, hướng chuẩn quốc tế, trẻ có cơ hội được phát triển toàn diện. Có lẽ hơn ai hết, các bậc phụ huynh sẽ là người cảm nhận rõ nét nhất về chất lượng nuôi dạy của mỗi trường. “Đã là giáo viên mầm non thì dù ở môi trường nào cũng không thể đánh mất cái tâm được. Và sản phẩm mà mỗi trường tự tạo ra chính là câu trả lời chính xác nhất cho chất lượng nuôi dạy ở đó” - cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Ánh, hiệu trưởng của trường mầm non KinderSun tâm sự ( Theo Dân Trí ) |