Đừng tầm thường hóa thương hiệu “ông già Noel" Khi tiết trời se lạnh là dấu hiệu mở màn cho một mùa Noel đầy sắc màu lễ hội. Những năm gần đây, khi nền kinh tế phát triển, nhà nhà chào đón mùa Giáng sinh tưng bừng hơn. Với trẻ nhỏ thì đây là những chuỗi ngày thần tiên cùng cha mẹ và những câu chuyện về ông già Noel tốt bụng, yêu trẻ, luôn mang đến những phần quà bất ngờ cho những bé ngoan ngoãn và học giỏi. Một nguyên tắc trong kinh doanh là khi phát hiện có cầu thì phải cung ngay để kiếm lợi nhuận. Nhu cầu tặng quà cho trẻ ngày nay không chỉ gói gọn ở vật chất, mà còn là sự cổ vũ về mặt tinh thần. Món quà tinh thần này có giá trị vô hình rất lớn mà các bậc cha mẹ khi có đủ điều kiện tài chính đều muốn dành cho con cái mình. Nắm bắt được nhu cầu này, hằng năm, các công ty du lịch như Lửa Việt, Fiditourist và một số tổ chức như Câu lạc bộ Thảo Đàn, tổng đài 1088 cùng các cửa hàng bán quà lưu niệm, đồ chơi trẻ em bắt đầu tiếp thị dịch vụ Noel. Ngoại trừ một số công ty, tổ chức lớn tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng sự đa dạng hóa hình ảnh ông già Noel thì các cửa hàng kinh doanh nhỏ cạnh tranh chủ yếu bằng giá cả. Ngoài tiền quà ba mẹ mua tặng bé, phí dịch vụ để ông già Noel giao quà đến nhà dao động từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng tùy theo địa điểm. Nhìn theo góc độ quản lý thương hiệu, "ông già Noel” có thể được tận dụng tạo thành một thương hiệu mạnh nếu biết gìn giữ và phát huy những giá trị đã được hình thành một cách tự nhiên trong lòng người tiêu dùng. Hình ảnh một ông già với dáng vẻ bề ngoài mập mạp, phúc hậu, giọng nói trầm ấm là hình tượng chuẩn của thương hiệu "ông già Noel”. Ở các nước châu Âu, những ai sắp đóng vai ông già Noel phải đăng ký, được tập huấn và phải tuân theo những quy định về quần áo, mũ, túi quà, cách cải trang, dáng đi, các hành động “nên" và “không nên" khi tiếp cận với trẻ em. Còn tại Việt Nam thì sao? Có những “ông già Noel” phóng xe hai bánh vù vù trên đường phố. Các ông già Noel muôn hình, muôn vẻ, cư xử tùy tiện làm mất đi tính “huyền thoại” trong mắt trẻ em. Ở một góc đường, trẻ em thấy một "ông già Noel” ốm yếu, bụng tóp tép, một bên râu đã bị chảy xệ xuống tận cằm vẫy chuông mời gọi các em vào cửa hàng đồ chơi. Bên kia đường, một “ông già Noel" khác đang phì phèo thuốc lá. Bất chợt, có thể bắt gặp một "ông già Noel" đang tháo mũ lau mồ hôi đẫm ướt do “chạy sô” giao quà cho quá nhiều hộ gia đình. Đã thấy hình ảnh "ông già Noel" tay trái giao quà cho bé, tay phải nhận tiền của mẹ. Ông già Noel Việt Nam đã được biến tấu thành các “ông kẹ” trong mùa Giáng sinh! Một thương hiệu “ông già Noel” nếu không được cảnh báo, tuân thủ nghiêm ngặt theo những quy định “nên" và “không nên” thì chẳng mấy chốc sẽ bị tầm thường hóa và mất tác dụng. Sẽ đến lúc các bậc cha mẹ tự hỏi có nên phải tốn tiền cho những dịch vụ không thể đáp ứng được nhu cầu của họ, mà còn hủy hoại những giấc mộng thần tiên của con trẻ? Câu trả lời này xin dành cho các nhà kinh doanh, những ai tham gia vào thị trường Noel năm 2004. Theo Doanh Nhân Sài Gòn |