Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1: Không nên học trước


Trong hướng dẫn tuyển sinh vào các lớp đầu cấp và công văn chỉ đạo việc sinh hoạt hè tại các trường, Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh:"Các trường mầm non và tiểu học tuyệt đối không tổ chức dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ trước khi vào lớp 1". Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, phần lớn các gia đình ở thành phố chuẩn bị có con vào lớp 1 đều tìm mọi cách để con em mình được học trướcchương trình lớp 1, hy vọng giúp trẻ tiếp cận kiến thức tốt hơn, thực tế nhiều khi lại là "lợi bất cập hại".

Nếu hỏi 100 gia đình có con chuẩn bị vào lớp 1, chắc chắn có tới 90 gia đình đã cho trẻ học trước, thậm chí nhiều gia đình còn cho con em mình học đến chương trình học kỳ 2. Các bậc phụ huynh cho con em học trước chương trình bằng nhiều hình thức khác nhau như thuê gia sư, học ở các lớp, nhóm mẫu giáo, hay gửi học tại các nhà các thầy cô có lớp.

Những chuyên gia giáo dục đều biết rằng, việc dạy chương trình trước khi trẻ vào lớp 1 không phải là việc hay. Nhưng những thầy cô mở lớp lại chorằng, đó là đáp ứng nguyện vọng của gia đình học sinh. Các bậc phụ huynh đều sợ con em mình vào lớp 1 không bằng chúng bạn. Rồi họ lo lắng chương trình mới khó, nếu trẻ không được chuẩn bị trước thì khi vào năm học sẽ khó khăn trong tiếp thu.


Cha mẹ học sinh trước khi gửi con cho các lớp dạy trước chương trình đều xem xét các điều kiện về thầy cô như cô có rèn chữ tốt không, dạy trường nào, có bao nhiêu năm kinh nghiệm . Họ muốn sau 3 tháng hè học cô, con họ không những đọc thông, viết thạo mà con phải…giỏi. Đến các trường tiểu học hiện nay, một lớp 1 có gần 40 học sinh, chỉ còn vài em là chưa được học trước. Cô giáo dạy đến đâu, trẻ cũng biết rồi, làm rồi, hiểu rồi.


Các chuyên gia về Tiểu học cho rằng: Những lớp học trước chương trình mở ra đã gây những tác hại không nhỏ cho trẻ. Những đứa trẻ được học trước chương trình không biết tường tận cái gì, kiến thức chưa có nhưng khi chính thức vào năm học lại nghĩ cái gì cũng biết rồi. Tâm lý ấy khiến các em không tập trung vào những bài giảng trên lớp. Chính bởi vậy, giai đoạn đầu năm học, có thể những em này tỏ ra học nhanh hơn so với những em chưa được học trước chương trình, nhưng sau một năm thì không ít em lại tụt lại so với bạn bè.

Năm trước, khi cho đứa cháu đầu lòng vào học lớp 1 trường Lê Văn Tám, bác Vân (phường Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng) tự hào khoe: "Nhờ cô và ông bà, mà trước khi vào lớp 1 cháu đã học gần xong chương trình lớp 2 rồi. Không chỉ cho cháu đi học từ hè trước khi vào trường, ngay khi chuẩn bị kết thúc bậc mẫu giáo, bác đã cho cháu đi học. Cô thì cũng gần nhà thôi, phần lớn trẻ quanh đây đều được bố mẹ gửi học trước. Không chỉ đọc thông viết thạo, cháu còn làm được những phép toán nhiều chữ số rồi, chắc đi học sẽ thuận lợi lắm". Nhưng đến nay, khi bé Uyên (cháu bác Vân) chuẩn bị kết thúc lớp 1, bác lại phàn nàn: "Thời gian đầu, đi học vềông bà hỏi đến bài cô giáo giảng cháu đều bảo "cháu biết hết rồi, dễ lắm". Đầu tiên gia đình cũng nghĩ đó là những điều cháu đã học rồi, tất nhiên học lại lần nữa sẽ thông thạo hơn. Nhưng trẻ con đâu có nghĩ thế, vì biết rồi nên không cần nghĩ đến nữa, thành ra khi gia đình đi họp phụ huynh cô giáo nhắc nhở cháu thông minh nhưng không tập trung, lúc đấy bác mới thấy lo và không dạy trước chương trình các lớp cao hơn cho cháu nữa, mà phải tập trung lại từ lớp 1".

Nhiều phụ huynh cũng hiểu là không nên cho con em học trước chương trình, nhưng thấy những trẻ cùng lứa tuổi đều học trước, lại sợ con mình thiệt thòi. Còn nhiều cô giáo khi vào năm học mới thấy trẻ đã được học thông những kiến thức trong sách giáo khoa cũng có tâm lý dạy nhanh, dạy lướt chương trình, không đi sâu vào rèn cho học sinh. Vì vậy, hãy để việc dạy học cho nhà trường, trước khi vào lớp 1, học sinh chỉ cần biết đọc, biết viết bảng chữ cái là đủ.

Kinh tế đô thị