Ốm nghén có điều trị được không? Hỏi: Tôi đang mang thai được 9 tuần. Tôi nên ăn uống như thế nào để có sức khỏe nuôi em bé? Do hiện nay tôi đang bị ốm nghén và không ăn cơm và các món khác, chỉ ăn được một ít bánh ngọt. Tôi cảm thấy hay bị nhức đầu, chóng mặt và buồn nôn liên tục. Xin hỏi bác sĩ cách điều trị? (N.A.T) Nên bắt đầu ăn uống từ 5-6 bữa nhỏ một ngày thay vì ăn 3 bữa như trước đây. Nhất thiết phải ăn đủ chất đạm, tinh bột, đường. Chất đạm cung cấp dưỡng chất cần thiết cho bé, còn tinh bột và đường cung cấp năng lượng cho cơ thể mẹ và đừng quên ăn các thực phẩm có chứa vitamin B, C và khoáng chất, đặc biệt là chất sắt. - Các chất đạm (Protein) là nguồn cung cấp dinh dưỡng cần thiết nhất cho bé. Đạm có nhiều trong các loại thực phẩm như thịt, cá, thịt gia cầm, ngoài ra còn có trong trứng, sữa, bơ đậu phộng, hạt mè... - Các chất bột có trong các loại ngũ cốc, khoai tây, đậu đen, xanh, đậu Hà Lan, gạo lức... là các nguồn năng lượng có chúa vitamin, chất khoáng và chất xơ rất tốt. - Các loại vitamin và chất khoáng có rất dồi dào trong các loại rau, trái cây, đặc biệt rau xanh (rau muống, rau dền, xa lách xoong, cà rốt, cà chua, chuối, bí đỏ…), rau củ có màu vàng và đỏ, trái cây nhằm cung cấp các loại vitamin A, E, B6, chất sắt, kẽm và không quên uống thêm axit folic vì axit folic có vai trò quan trọng để sản xuất hồng cầu, sự phát triển của hệ thần kinh và việc tăng trưởng thai nhi, nhất là trong 12 tuần đầu tiên. Nên uống folic kéo dài từ 3 tháng trước lúc mang thai và đến 12 tuần của thai kỳ. Ốm nghén là tình trạng có cảm giác nhức đầu, chóng mặt, hay buồn nôn, đôi khi nôn thực sự. Tình trạng này xảy ra bất kỳ lúc nào trong ngày, nhưng hay vào lúc đói. Ốm nghén thường kéo dài trong 3 tháng đầu của thai kỳ rồi sau đó giảm dần và hết hẳn. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do lượng đường trong máu giảm và do thay đổi nội tiết kích thích dạ dày. Một số biện pháp khắc phục: nên ăn làm nhiều bữa và chọn các loại thức ăn có hàm lượng tinh bột cao như khoai ngũ cốc bánh mì; luôn có sẵn bánh qui lạt, kẹo để dùng khi đói và trước khi ra khỏi giường 15 phút nhằm tránh các cơn buồn nôn vào buổi sáng. Cần tránh các món chiên, xào, cà phê, khói thuốc lá và các mùi nồng có thể làm tăng cảm giác buôn nôn. Tình trạng ốm nghén, nôn mửa rất hay gặp và thường qua đi nhanh, nhưng cũng có những trường hợp nôn quá nhiều gây rối loạn nước và điện giải, thậm chí tụt huyết áp, vì vậy nếu tình trạng nôn mửa nhiều lần trong ngày và liên tục kéo dài cần nhập viện để phục hồi sức khỏe. BS Bạch Long |