Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đã có 8 trẻ em tử vong vì cúm A


TT (Hà Nội) - Chiều tối 9-1, nguồn tin từ Bộ Y tế cho hay tình trạng bệnh nhân Nguyễn Thị Bảy, 30 tuổi, ở Hà Nam có con bị mắc bệnh cúm A cũng đã nhiễm bệnh rất nặng và đang điều trị ở Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, với các biểu hiện suy hô hấp, viêm phổi nặng. Bệnh viện Bạch Mai đã thành lập ban chỉ đạo chống dịch của bệnh viện. Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, mới có thêm một trẻ em mắc cúm A tử vong. Như vậy đã có tám cháu tử vong trong tổng số 12 cháu mắc bệnh nhập viện, bốn cháu còn lại đang có tiến triển sức khỏe tốt. Để phòng chống dịch, Bệnh viện Nhi vừa tiến hành tiêm phòng văcxin cúm A cho 100 nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Trước đó ngày 8-1, Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến đã có báo cáo gửi Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm về tình hình bệnh cúm A ở trẻ em. Trong đó khẳng định: chủng virus cúm gây bệnh ở nước ta chủ yếu là cúm typ B, ngoài ra có ghi nhận cúm A (H3N2). Riêng chủng cúm gà Hong Kong H5N1 chưa ghi nhận tại nước ta. Trong hai tháng cuối năm 2003 đã có 12 trẻ em ở nhiều tỉnh thành nhập Bệnh viện Nhi T.Ư và được chẩn đoán mắc bệnh cúm A. Theo văn bản này, Bộ Y tế thông báo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới: những tháng cuối năm 2003 dịch cúm có xu hướng gia tăng tại một số quốc gia, đặc biệt là những quốc gia phía Bắc bán cầu như Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Pháp, Nga... tác nhân gây bệnh chủ yếu là virus cúm A (H3N2). Tại một số quốc gia châu Á đã ghi nhận dịch cúm gà do virus cúm H5N1, đây là loại virus gây dịch cúm ở người, có số mắc tử vong cao. Bộ Y tế nhận định tình hình dịch cúm sẽ diễn biến phức tạp trong mùa đông - xuân. Ngày 9-1-2004 Bộ Y tế có công văn gửi các viện vệ sinh dịch tễ, các sở y tế tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường giám sát dịch tễ, đề phòng trong các đợt rét dài; giám sát các bệnh viện, phòng khám. Các tỉnh có cửa khẩu, biên giới phải tăng cường các hoạt động kiểm dịch y tế quốc tế; chuẩn bị sẵn sàng đối phó khi có dịch... L.ANH - Q.THIÊN