'Níu' lại ánh sáng cho những trẻ nhìn kém Sau khi hỏng mắt trái ở tuổi lên ba, mắt phải của bé Thịnh cũng dần yếu theo và có nguy cơ hỏng. Nhờ được áp dụng chương trình can thiệp sớm ở trường Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng), con mắt ấy đã được cứu.
Khi bé Thịnh hỏng con mắt trái, gia đình không dám cho bé đi học vì sợ ảnh hưởng đến con mắt còn lại. Các giáo viên Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu đã thuyết phục bố mẹ để họ hướng dẫn Thịnh cách chăm sóc mắt, tập cho cháu các cách nhìn khác nhau. Nhờ đó, thị lực của Thịnh đã giữ được ổn định. Cháu đang đi học lớp mẫu giáo. Còn cháu Nguyễn Thị Kha (6 tuổi, ở phường Hải Châu) ngay từ lúc mới sinh đã bị khuyết tật về mắt. Chỉ nhìn thấy một tia sáng nhỏ là em khóc thét. Xót con, suốt 2 năm trời, gia đình phải chăm sóc Kha trong tình trạng thiếu sáng. Tình cờ, các giáo viên trường Nguyễn Đình Chiểu phát hiện được và chỉ sau nửa năm áp dụng chương trình can thiệp sớm, bé Kha đã chạy nhảy, vui đùa, học hành cùng bạn bè... Chương trình can thiệp sớm cho trẻ nhìn kém của trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu được triển khai từ năm 2001. Trẻ khuyết tật 0-6 tuổi được đón từ các trường mầm non, cơ sở y tế địa phương, bệnh viện mắt... Phương châm là tận dụng tối đa phần thị lực còn lại của học sinh. Cô hiệu trưởng Thanh Mai cho biết, học sinh càng tò mò tìm hiểu và học tập thì càng dễ kích thích thần kinh thị giác hoạt động, tránh tê liệt các dây này. Do đó, trường luân phiên tổ chức tập huấn tại trường, tại nhà cho phụ huynh có con bị bệnh về mắt như bị đục thể thuỷ tinh, khô giác mạc để họ giúp con tập luyện. Đối với độ tuổi 0-2, bố mẹ phải hướng dẫn trẻ biết định hướng, tập đi lại trong nhà để giúp trẻ tự tin hơn. Bước tiếp theo là chỉ cho trẻ cách cầm, nắm các đồ vật, hướng dẫn cách tự di chuyển, tự phục vụ như biết cầm ca uống nước, bê bát đĩa, gắp thức ăn... Thay vì hạn chế trẻ nhìn như một số phụ huynh vẫn làm để "tiết kiệm" thị lực còn lại, nhà trường khuyến khích các em thực hiện các bài tập cử động mắt để duy trì sự phát triển dây thần kinh thị giác, tập quan sát để tích luỹ kinh nghiệm và kiến thức trong vỏ não. Theo các chuyên gia tâm lý và nhãn khoa, nếu can thiệp sớm, khả năng phục hồi tâm lý và thị lực cho các em rất cao. Trẻ được học song song chữ nổi và chữ sáng. Theo cô Thanh Mai, điều này hỗ trợ rất nhiều cho học sinh trong tích luỹ kiến thức. Sách chữ nổi quá đắt và cũng chỉ có sách giáo khoa. Khi mới vào trường, nhiều phụ huynh kiên quyết không cho con học thêm chữ sáng, nhưng sau một thời gian thấy được những tiện ích, cũng đã bắt đầu có sự thay đổi. Đều đặn hằng tháng, các cô giáo thay phiên đến từng gia đình để hướng dẫn cho các em cách vận động thô (chạy, nhảy) và tinh (hoạt động cổ tay, ngón tay như cầm kéo...), đồng thời giúp gia đình hiểu rõ hơn cách chăm sóc trẻ. Thực tế cho thấy, nếu gia đình chăm sóc đúng phương pháp thì sẽ giúp trẻ rất nhiều trong việc cải thiện thị lực, ít ra cũng giúp những giác quan còn lại phát triển bình thường. Điển hình nhất là bé Kha: Gia đình được hướng dẫn cho dùng những đồ chơi có âm thanh với nhiều kích cỡ khác nhau và màu sắc tương phản để thu hút sự chú ý quan sát, chơi bật tắt bóng đèn để thử phản xạ... Sau nửa năm, Kha có thể thích ứng với những điều kiện ánh sáng khác nhau. (Theo Lao Động) |