Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhiễm trùng rốn


Nếu không biết cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh, bạn có thể vô tình gây nhiễm trùng rốn của con mình.

Không ít bà mẹ giữ vệ sinh rốn cho con mình bằng nguyên tắc “ba không” như: không đụng, không nhìn, không mở băng.

Họ không biết băng quấn kín suốt ngày đêm khiến rốn của bé ẩm ướt, lâu khô và dễ dẫn đến nhiễm trùng. Hầu hết các trường hợp khi mẹ phát hiện, rốn trẻ đã chảy mủ, da sưng đỏ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.

Cá biệt, nhiều ông bà theo quan niệm xưa đã bôi vào rốn cháu đủ các loại “thuốc tự chế” như tiêu, tỏi, sữa, đất, tro, bùn, sái á phiện...

Họ giải thích những chất này giúp rốn trẻ mau khô, ấm bụng, ngủ ngon... Thế nhưng trên thực tế, các chất hỗn tạp đó chỉ khiến rốn bé nhiễm trùng nặng, ngộ độc, gây ngưng thở, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Quan niệm băng rốn xưa và nay

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, trưởng khoa Nội tổng quát 1, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM, khảo sát tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy: Nhiễm trùng rốn là bệnh lý hàng đầu trong nhóm nhiễm trùng sơ sinh với tỉ lệ 33%.

Trái với quan niệm truyền thống là băng kín rốn hoàn toàn, ngày nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo không nên quấn kín rốn trẻ sơ sinh.

Nghiên cứu của Bệnh viện Nhi đồng 1 tại tỉnh Trà Vinh cũng cho thấy: Băng kín vùng rốn sẽ làm rốn lâu khô, lâu rụng, tỉ lệ nhiễm trùng và để lại chồi rốn cao hơn.

Những nguy hiểm khi bé bị nhiễm trùng rốn

Bác sĩ Kim Thoa cho biết: “Thông thường, rốn của bé sẽ tự rụng sau 7 – 10 ngày tuổi. Nếu trong thời gian này, rốn không được chăm sóc hoặc chăm sóc không đúng cách sẽ rất dễ bị nhiễm trùng”.

Dấu hiệu thường thấy là rốn chảy mủ, tiết dịch bẩn, da quanh vùng này sưng nề đỏ, chảy máu, rỉ nước sau khi rốn đã rụng 2 ngày... Đồng thời, bé có thể bị sốt, quấy khóc, bú kém, ọc sữa...

Nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời, nhiễm trùng rốn sẽ lan rộng thành nhiễm trùng  huyết, gây nguy hiểm cho bé. Cần vệ sinh, chăm sóc rốn đúng cách đối với các bé sơ sinh chưa rụng rốn hoặc đã rụng nhưng rốn còn rỉ nước, nhiễm trùng.



Thực hành chăm sóc rốn đúng cách

Theo tư vấn của bác sĩ Kim Thoa, để bảo đảm chăm sóc rốn đúng cách, các bà mẹ nên chuẩn bị tăm bông tiệt trùng và cồn 70 độ. Quá trình chăm sóc rốn được tiến hành tuần tự theo ba bước sau:

- Người chăm sóc phải rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.

- Dùng tăm bông nhúng cồn, lau sạch quanh chân rốn, dây rốn, kẹp rốn và mặt cắt cuống rốn. Sau đó, lau khử trùng từ chân rốn ra vùng da xung quanh khoảng 5 cm. Trong khi lau, chú ý quan sát những dấu hiệu bất thường (nếu có) như mủ, máu nơi chân rốn, dây cuống rốn và vùng da xung quanh.

- Mặc áo và tã cho bé nhưng tránh băng kín rốn. Bạn chỉ nên quấn tã vòng xuống thân dưới và để hở cuống rốn.

Ngoài ra, các bà mẹ nên chăm sóc rốn cho con 1-2 lần /ngày hoặc ngay sau khi rốn bị nhiễm bẩn. Khi rốn rụng, tiếp tục chăm sóc đến khi chân rốn khô và không rỉ nước. Nếu vẫn còn tình trạng rỉ nước sau khi rụng 3 ngày, nên đưa bé đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất.

Theo Tiếp Thị Gia Đình.