Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhật Bản nở rộ thiết bị - dịch vụ bảo an trẻ em


Nỗi lo của chị Akiko Fukami càng tăng cao khi một bé gái 7 tuổi của trường tiểu học ở tỉnh lân cận mất tích và sau đó phát hiện bị đâm chết trong một khu rừng ở tỉnh Tochigi, cách Thủ đô Tokyo 160 km về phía Bắc. Kể từ đó, ngoài việc đến trường và trở về nhà cùng nhóm bạn, con của chị luôn mang theo bên mình thiết bị bảo an. “Thật đáng sợ, vài năm gần đây có rất nhiều trường hợp sát hại nhằm vào trẻ em đến nỗi không thể nhớ hết, nhưng kẻ sát nhân thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật”, Fukami tâm sự.

Nhu cầu trang bị cho trẻ thiết bị bảo an và thiết bị theo dõi di động có hệ thống định vị toàn cầu (GPS) là thực tế buồn đối với Nhật Bản - đất nước vốn được xem là một trong những nơi an toàn nhất thế giới. Không giống các bạn cùng trang lứa ở Mỹ và châu Âu, trẻ em Nhật thường đến trường rất sớm bằng phương tiện vận chuyển công cộng nên dễ trở thành “con mồi” của bọn côn đồ. Đây là vấn đề gây đau đầu cho các bậc phụ huynh. Trước thực trạng trên, nhiều công ty bảo an và truyền thông di động tung ra các sản phẩm phát ra âm thanh báo động khi trẻ gặp nguy hiểm, qua đó cho phép cha mẹ có thể dòm chừng từ xa cục cưng của mình.

Hãng Kyowa đang ăn nên làm ra với loại cặp học sinh có trang bị cổng GPS với giá 330 USD (ảnh). Trong 2 năm qua, Kyowa tiêu thụ được 10.000 chiếc. Trong khi đó, với phí hòa mạng 60 USD cộng với cước thuê bao 7 USD/tháng, các bậc cha mẹ có thể hợp đồng dịch vụ Coco-Secom do công ty bảo an hàng đầu Secom phát triển. Bằng cách sử dụng GPS và mạng điện thoại, dịch vụ này theo dõi chiếc cặp và sau đó chỉ ra chính xác vị trí của trẻ. Nếu các em về muộn, cha hoặc mẹ có thể gọi điện hay gởi thư điện tử đến trung tâm điều hành của Coco-Secom để hỏi thăm về trẻ. Trong vòng 30 - 40 giây, chủ thuê bao sẽ nhận được bản đồ định vị trí con họ. Trường hợp trẻ gặp nguy hiểm, nhân viên bảo an của công ty sẽ ra tay giải cứu. Chi chí cho mỗi lần “hành động” theo yêu cầu là 82 USD. Đến nay, dịch vụ Coco-Secom thu hút 135.000 khách hàng. Từ đầu năm 2006, hãng KDDI đã tung ra thị trường dòng điện thoại di động (ĐTDĐ) thứ 3 cho trẻ em có gắn hệ thống theo dõi chuyển động. Khi trẻ gõ vào thiết bị ngăn tội phạm được gắn với điện thoại hoặc ĐTDĐ bị tắt bởi ai đó, camera thu lại hình ảnh và GPS sẽ theo dõi vị trí điện thoại đồng thời truyền dữ liệu đến ĐTDĐ hay máy tính cá nhân của cha mẹ.

Theo Viện nghiên cứu Yano ở Tokyo, thị trường thiết bị bảo an dành cho học sinh tăng gấp 3 lần kể từ đầu thập niên và đạt doanh số 212 triệu USD năm ngoái. Khuynh hướng này cho thấy sự thay đổi nhận thức về an toàn trong xã hội Nhật. Tuy không thể ngăn chặn tất cả các chuyện đáng tiếc có thể xảy ra nhưng những thiết bị này có thể phần nào giúp các bậc phụ huynh bớt âu lo về sự an toàn của con trẻ khi chúng ra khỏi nhà.
Theo Cantho
Nguồn BusinessWeek.