Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đổi mới phương pháp dạy học Mới chỉ là "phong trào"?


Đổi mới phương pháp dạy học (ĐMPPDH) - đó là cụm từ mà một vài năm gần đây, người trong ngành giáo dục thường nói, và người ngoài ngành thường được nghe. Các nhà quản lý, thầy cô giáo cũng đã dành không ít thời gian để bàn thảo về vấn đề này.

 Sự cần thiết, tầm quan trọng của việc ĐMPPDH đã rõ, tuy nhiên, những nỗ lực để đạt được điều ấy dường như mới chỉ ở bề nổi, chưa thực sự trở thành sự quyết tâm đồng bộ của mọi thành viên trong mỗi nhà trường.

 Vì sao chỉ là “phong trào”

Phát động thì mạnh, nhưng chưa kiểm soát được việc thực hiện, và cũng thiếu sự hỗ trợ, khuyến khích giáo viên (GV) thực hiện, thiếu cơ chế ràng buộc trách nhiệm với GV- đấy là nhận xét chung của cán bộ quản lý các nhà trường về việc thực hiện ĐMPPDH. Nói đến ĐMPPDH, người ta thường nói đến “phát huy tính chủ động của người học”, “lấy người học làm trung tâm”, hoặc “ứng dụng phương tiện hiện đại”… Tất cả đều đúng, nhưng làm thế nào để đạt được những mục tiêu ấy một cách có hiệu quả, chứ không chỉ là hình thức, thì không ít GV còn lúng túng, hoặc không có điều kiện để thực hiện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn khó khăn đã đành, song hạn chế lớn nhất và cũng dễ nhận thấy nhất là sĩ số trong mỗi lớp học quá đông, khiến cho việc áp dụng những phương pháp dạy học linh hoạt (chia nhóm, thảo luận, khuyến khích người học bày tỏ ý kiến…) của GV khó đạt yêu cầu. Có nơi từng quan niệm cứ áp dụng công nghệ thông tin vào dạy học là đổi mới nên đầu tư phòng học có trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại, nhưng thi thoảng mới sử dụng hoặc cũng dạy bằng đèn chiếu, máy tính…song ít hiệu quả. Lại cũng có không ít GV quan niệm, cách dạy thuyết giảng là cũ, thảo luận nhóm mới là “mới”. Vì vậy nên có dạo, hễ lớp nào có người dự giờ, kiểm tra là y như rằng, học sinh (HS) biết sẽ có “tiết mục” thảo luận nhóm… 

 Thiếu cơ chế hỗ trợ, khuyến khích những GV có nhiều sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng bài giảng là một yếu tố khiến cho việc ĐMPPDH chưa thực sự được triển khai hiệu quả. Các nhà trường mới chỉ ‘kêu gọi” là chính, chứ chưa có cơ chế rõ ràng để ràng buộc GV, nên GV làm cũng được, không làm cũng chẳng sao. Những sáng kiến hay do các GV tự mày mò, nghiên cứu vì thế thường bị bỏ rơi giữa chừng vì không có chủ trương, không có đầu tư, hướng dẫn… Ví dụ phương pháp “Bàn tay nặn bột” - một sáng kiến của giáo viên khoa Vật lý (ĐH Sư phạm Hà Nội) từng được phổ biến cho sinh viên và được nhiều GV tiểu học ở Hà Nội áp dụng và đánh giá là rất hiệu quả, song lại không được nhân rộng. Sự lãng phí ấy còn thể hiện ở việc, mỗi năm, hàng trăm sáng kiến kinh nghiệm đạt chất lượng của giáo viên phổ thông thành phố mới chỉ “nơi nào làm, nơi ấy hưởng”, ít được quan tâm phổ biến rộng rãi…

  Theo tin từ Công đoàn ngành GD-ĐT Hà Nội, tại kỳ thi giáo viên dạy giỏi các trường TTCN đang diễn ra, lãnh đạo ngành sẽ dành 10 giảI thưởng để trao cho các thí sinh xuất sắc nhất trong việc phát huy sáng kiến, đổi mới phương pháp dạy học. Đây là lần đầu tiên, Hà Nội dành sự quan tâm này cho các thí sinh dự thi, nhằm phát huy phong trào sử dụng hiệu quả trang thiết bị dạy học, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng của giáo viên các nhà trường. 

Phải đi bằng cả “hai chân”

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng, sở dĩ việc ĐMPPDH thời gian qua chưa được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả là do chúng ta chưa thực sự đổi mới cách đánh giá người học. Không chỉ là hai khâu không thể tách rời, đổi mới cách đánh giá người học còn là  động lực buộc người dạy phải ĐMPPDH. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu cao hơn trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, cũng như ở CĐ, ĐH, những người trong cuộc cần đi bằng cả “hai chân” là đổi mới đánh giá và ĐMPPDH. Theo Thứ trưởng, nếu xem nhẹ phương pháp đánh giá học sinh thì khó có thể đẩy mạnh được việc ĐMPPDH.  

Trên thực tế, đánh giá năng lực của người học đang bị coi là một trong những khâu yếu của giáo dục nước nhà, với phương pháp phổ biến nhất được GV thường dùng là ra đề kiểm tra. Với đa số người, việc ra đề kiểm tra, đánh giá HS chỉ đơn giản là có điểm số ghi vào sổ điểm, để cuối  học kỳ, cuối năm có cơ sở đánh giá học lực của HS. Theo giáo sư An-tho-ny J.Nit-ko (ĐH A-ri-zo-la, USA), xu hướng quốc tế hiện nay xem mục đích chính của việc đánh giá là nhằm nâng cao chất lượng học tập. Vì thế, việc ra đề kiểm tra như thế nào không phải là dễ với GV. Để khắc phục điều này, gần 100 đề kiểm tra mẫu đang được Bộ GD-ĐT cùng Dự án THCS II xây dựng và dự kiến sẽ áp dụng thí điểm ở một số trường học từ học kỳ II năm học này.

Về cách đánh giá người học, theo ý kiến của các nhà quản lý, có thể ứng với mỗi cách dạy học là phương pháp đánh giá phù hợp, hoặc áp dụng nhiều cách đánh giá với một HS như thông qua bài tập, qua nghiên cứu, bài kiểm tra trắc nghiệm, sản phẩm thực hành, tự nghiên cứu, thảo luận trực tiếp trên lớp… Tóm lại, việc đánh giá phải được thực hiện nhằm mục đích kích thích HS tiến bộ chứ không phải là để xem xét, so sánh giữa em này với em kia. Mới đây, quyết định của Bộ GD-ĐT về đổi mới cách đánh giá với HS tiểu học là không phê bình trước lớp, không thông báo kết quả học tập của HS trong buổi họp phụ huynh… cũng là nhằm mục đích ấy.

“Phải được bắt đầu từ các trường sư phạm”- đó là ý kiến được thống nhất tại một cuộc hội thảo mới đây của Bộ GD-ĐT về ĐMPPDH. Điều ấy không chỉ góp phần giải quyết tận gốc vấn đề, mà còn khắc phục được thực trạng hiện nay: chương trình và sách giáo khoa mới ở phổ thông đã đi gần hết chặng đường trong khi giáo trình, tài liệu và phương pháp dạy ở không ít các trường sư phạm - nơi đào tạo ra những GV- lại chưa mấy cập nhật.

Theo Hà Nội Mới