Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bệnh da cá.


Về mùa đông, da bị khô, bong vảy trắng và nứt thành đường trên tay, ống chân... Đó là biểu hiện của bệnh da cá, hay còn gọi là da mốc, da rắn. Cần hạn chế tình trạng khô, căng da bằng các thuốc kem dịu da, bạt sừng, kết hợp uống vitamin A, C, D, E từng đợt.
Bệnh da cá có tính di truyền, có thể xuất hiện ngay sau sinh hoặc khi được 2-3 tuổi.

 Một số biểu hiện bệnh:

- Nếu nhẹ, da khô ráp, róc vảy mỏng (da mốc), nhất là về mùa đông.

- Nếu nặng thì toàn thân da khô ráp, nổi vảy hình tròn hoặc hình trám, giữa các khe ngang dọc như da rắn, màu nâu xám.

- Triệu chứng rõ nhất là ở vùng da dày như lưng, mông, mặt ngoài các chi. Vùng da mỏng như nách, bẹn, khuỷu tay chân, cổ mặt... thường không bị.

- Chức năng tiết mồ hôi và chất nhờn trên da giảm rõ rệt so với người bình thường.

- Những hôm trời lạnh, da mặt, rìa lòng bàn tay chân thường bị nẻ. Một số vùng do gãi, chà xát mạnh dễ bị xây xước, nhiễm khuẩn thứ phát, nổi mụn nhọt, chốc lở, do sức đề kháng của da vốn đã suy giảm.

Tuy nhiên, đây chỉ là bệnh da lành tính, không ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân.

Phương pháp điều trị:

- Hiện nay, chỉ có thể hạn chế phần nào trạng thái khô, căng da, róc vẩy bằng các thuốc kem dịu da, bạt sừng, và kết hợp uống vitamin A, C, D, E từng đợt trong mùa đông.

- Tránh chà xát, kỳ cọ mạnh lên vùng da bệnh khi tắm.

- Mùa đông cũng chỉ nên dùng nước ấm vừa phải.

- Không nên lạm dụng xà phòng vì càng tẩy hết lớp nhờn trên da vàng làm da thêm khô, căng dễ nứt nẻ, giảm sức đề kháng.

- Tăng cường ăn rau, quả tươi như giá đỗ, cà chua, bắp cải, rau ngót, cam bưởi, đu đủ… để bổ sung nguồn vitamin cần thiết cho da.

Giáo sư Nguyễn Xuân Hiền, Sức Khỏe & Đời Sống