Không chủ quan với dấu hiệu vàng da ở trẻ sơ sinh
Vàng da là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh phải nhập viện. Vàng da bệnh lý ở mức độ nặng sẽ khiến cho chất Bilirubin vàng da ngấm vào não gây ra tình trạng vàng nhân não, bại não, co giật, chậm phát triển trí tuệ ở trẻ.
Không phải chỉ có trường hợp bé nhà chị Nguyễn Lê Phúc ở Thanh Hóa bị phát hiện vàng da muộn khiến quá trình điều trị kéo dài, nhiều trẻ sau khi xuất viện vài ngày lại phải nhập viện trở lại do vàng da bệnh lý. BS Nguyễn Thị Kim Liên - Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản HN cho biết, đối với những trẻ này, có 2 phương pháp điều trị chính là chiếu đèn và thay máu, tùy từng mức độ bệnh của trẻ sẽ có phương pháp phù hợp.
"Nếu vàng da ở mức độ nhẹ thì chỉ cần chiếu đèn, đẩy chất vàng da ra khỏi cơ thể em bé nhưng nặng hơn thì phải thay máu, trường hợp này khá vất vả. Cha mẹ cho rằng vàng da là bệnh nhẹ sẽ tự khỏi, hoặc cho con phơi nắng đều đặn mỗi ngày thì bệnh sẽ hết. Thế nhưng đó là quan niệm sai lầm, cường độ ánh nặng đó yếu và thời gian tiếp xúc một lúc vào buổi sáng chưa đủ để có thể điều trị cho bé, là nguyên nhân khiến cho nhiều trẻ bị biến chứng vào thần kinh" - BS Nguyễn Thị Kim Liên cho biết.
Chiếu đèn, phương pháp điều trị vàng da bệnh lý sơ sinh phổ biến
Vàng da ở trẻ sơ sinh là hiện tượng thường gặp. Trong giai đoạn bào thai, số lượng hồng cầu lớn để di chuyển cung cấp ôxy từ nhau thai qua các cơ quan của trẻ. Hồng cầu của trẻ con có nhiều chất Bilirubin mà tuổi đời hồng cầu ngắn. Khi trẻ sinh ra thì hồng cầu này vỡ ra, giải phóng tạo ra chất Bilirubin. Chất Bilirubin là chất sắc tố mật, có màu vàng cam. Khi Bilirubin tăng cao trong máu sẽ gây hiện tượng vàng da và vàng niêm mạc ở trẻ sơ sinh.
Theo Ths.BS Nguyễn Trung Hiếu - Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Nhi, phụ trách đơn nguyên sơ sinh, BV Đa khoa Xanh Pôn, có 2 nguyên nhân khiến cho chất Bilirubin tăng cao. Nguyên nhân gián tiếp là vàng da sinh lý, còn nguyên nhân trực tiếp là vàng da bệnh lý.
Vàng da sinh lý được xác định từ đầu xuống rốn, xuất hiện ở ngày thứ 3 sau sinh trở đi. Vàng da mức độ nhẹ, tiến triển chậm và thường sẽ hết sau khoảng 1 tuần. Còn vàng da bệnh lý xuất hiện sớm hơn, thường từ 1-2 ngày đầu tiên sau sinh, xác định từ rốn trở xuống dưới chân.
Vàng da bệnh lý thường được xác định từ rốn xuống chân
Ths.Bs Nguyễn Trung Hiếu còn cho biết: Vàng da bệnh lý nếu không điều trị kịp thời sẽ khiến cho chất Bilirubin ngấm vào não, gây ra tình trạng vàng nhân não, bại não, co giật, chậm phát triển trí tuệ cả đời. Thời gian vàng điều trị trẻ vàng da bệnh lý là trước 7 ngày tuổi, điều trị kịp thời trẻ sẽ khỏi và không bị biến chứng.
Vì vậy, việc cha mẹ phát hiện sớm những dấu hiệu vàng da ở con có ý nghĩa quan trọng. "Gia đình Việt Nam hay nuôi con trong phòng tối nên thường bỏ sót dấu hiệu vàng da ở trẻ. Vì vậy cần đánh giá dấu hiệu vàng da của trẻ trong điều kiện đủ ánh sáng, tốt nhất là dưới ánh sáng tự nhiên, bố mẹ có thể ấn ngón tay vào da đứa trẻ trong vòng 5-10 giây, sau đó thả tay ra và nhìn xem da có vàng hơn không. Nếu thấy có vàng da và vàng da từ vùng rốn trở xuống thì đấy có thể là nguy cơ vàng da bệnh lý" - BS Nguyễn Trung Hiếu khuyến cáo.
Đôi khi, tình trạng vàng da của trẻ tiến triển nhanh. Vì vậy, nếu nghi ngờ vàng da mà bố mẹ không chắc chắn mức độ vàng da thì nên đưa trẻ đến Bệnh viện sớm để đánh giá, điều trị kịp thời.
Theo VOV
|