Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi: Cải tiến tiêu chí đánh giá sự phát triển
Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi vừa được Bộ GD&ĐT ban hành có nhiều điểm mới đáng chú ý, nhất là các chỉ số đánh giá ở các lĩnh vực.
Trẻ thực hành kỹ năng rửa cốc bằng xà phòng tại Trường Mầm non Hà Trì (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: TG
Khuyến khích trẻ phát huy khả năng
Bộ chuẩn mới thay đổi mạnh mẽ trong cách nhìn nhận về sự phát triển của trẻ. Theo đó, chú trọng đến phát triển thể chất khi yêu cầu trẻ có các kỹ năng vận động thô (chạy, nhảy) và vận động tinh (vẽ, cầm bút, cắt dán) phù hợp với độ tuổi. Về kỹ năng cảm xúc và xã hội, trẻ cần học cách nhận biết và điều chỉnh cảm xúc, tương tác với bạn bè và người lớn, phát triển lòng tự trọng và sự tự tin.
Ở kỹ năng tư duy và sáng tạo khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động cũng như những công cụ hiện đại, kỹ thuật số để từ đó kích thích sự sáng tạo, tìm tòi và giải quyết vấn đề. Điều này giúp trẻ phát triển đồng đều nhiều mặt, không chỉ về nhận thức mà cả khả năng ứng xử trong cuộc sống.
"Bộ chuẩn mới cải tiến tiêu chí đánh giá sự phát triển của trẻ. Để phát triển nhận thức và ngôn ngữ, trẻ phải có khả năng nghe hiểu, giao tiếp và thể hiện cảm xúc qua ngôn ngữ; đồng thời phát triển tư duy logic qua các trò chơi trí tuệ và bài tập nhận thức. Trẻ cần học cách tương tác với bạn bè, cô giáo và người xung quanh", cô Mai Vân trao đổi.
Ngoài ra, trẻ có thể làm việc nhóm, học cách chia sẻ và giải quyết mâu thuẫn. Trẻ được khuyến khích học các kỹ năng tự phục vụ bản thân như tự ăn, mặc, giữ vệ sinh cá nhân và giúp đỡ công việc nhà đơn giản. Các tiêu chí này được quy định cụ thể, có thể đánh giá qua các hoạt động thực tế trong lớp học và ngoài giờ học.
Theo cô Mai Vân, tính linh hoạt và thích ứng là điểm quan trọng trong Bộ chuẩn mới khi chú trọng đến sự khác biệt ở sự phát triển của từng trẻ. Vì vậy, việc đánh giá không chỉ dựa trên khuôn mẫu chung mà cần xét đến sự phát triển cá nhân. Các chuẩn mới cho phép trẻ học qua thực tiễn, chơi sáng tạo và tham gia vào các hoạt động nhóm, không chỉ học trong lớp mà còn học qua tình huống thực tế.
Kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề là điểm nhấn trong Bộ chuẩn mới. Những kỹ năng này quan trọng để trẻ chuẩn bị tốt hơn cho quá trình học tập và cuộc sống trong tương lai. Trẻ 5 tuổi cần phát triển kỹ năng giao tiếp để có thể tự tin bày tỏ ý kiến, lắng nghe và hiểu người khác. Trẻ cần học cách chia sẻ công việc, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau trong nhóm.
Cô trò Trường Mầm non Vũ Ninh (Kiến Xương, Thái Bình) tham gia hoạt động ngoài trời đầu giờ sáng. Ảnh: TG
Tình huống có thể phát sinh
Cô Hường cho biết, một trong những khó khăn có thể phải đối mặt khi áp dụng Bộ chuẩn mới là chỉ số liên quan đến vấn đề tiếp cận công nghệ. Nếu ở khu vực thành thị, trẻ có điều kiện sống tốt hơn khu vực nông thôn và miền núi, vùng sâu, xa. Với giáo viên có thể tiếp cận được nhưng học sinh thì không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện.
"Về phía giáo viên, các cô sẽ phải cập nhật công nghệ số và kỹ năng về công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu mới. Đây là lợi thế với những giáo viên trẻ được đào tạo cơ bản, đối với một số giáo viên nhiều tuổi có thể gặp khó khăn hơn. Về lâu dài, nếu các chính sách của Nhà nước đảm bảo cho đời sống, giáo viên sẽ sẵn sàng tự nâng cao trình độ và yên tâm theo nghề", cô Hường chia sẻ thêm.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Mai Vân cho rằng, Bộ chuẩn mới yêu cầu giáo viên có phương pháp giảng dạy linh hoạt hơn và phải được đào tạo lại thường xuyên để đáp ứng những thay đổi này. Việc áp dụng các tiêu chuẩn phát triển cho từng trẻ sẽ làm khó cho giáo viên trong việc đánh giá chính xác, đặc biệt là khi trẻ có sự phát triển không đồng đều.
Công tác nhiều năm trong ngành Giáo dục mầm non tại tỉnh Thái Bình, thầy Lại Công Hoan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Vũ Ninh, huyện Kiến Xương nhấn mạnh, Bộ chuẩn mới có sự cải tiến khi đưa tiêu chí liên quan đến lĩnh vực "thẩm mỹ" và "tiếp cận với việc học" để trẻ sẵn sàng tâm thế trước khi bước vào lớp 1. Đây là bước đột phá đáng ghi nhận của giáo dục mầm non khi đã cô đọng các chỉ số đánh giá trẻ hơn so với Bộ chuẩn cũ.
Tuy nhiên, thầy Hoan mạnh dạn chỉ ra, trong Bộ chuẩn mới có một vài chỉ số còn chung chung, chưa diễn giải cụ thể để địa phương áp dụng. Ví dụ, ở lĩnh vực Tiếp cận với việc học, chuẩn 22, chỉ số 70 yêu cầu trẻ thực hiện một số kỹ năng giải quyết vấn đề đơn giản trong cuộc sống. Điều này chỉ mang tính chất "định tính" là chính chứ chưa thể "định lượng". Nếu quy định trẻ có kỹ năng cụ thể như có biết cách đọc, viết trước khi vào lớp 1 sẽ tường minh hơn.
Do đó, thầy Hoan cho rằng, cấp trên cần có các khóa đào tạo liên tục cho giáo viên về cách áp dụng Bộ chuẩn mới vào giảng dạy. Tăng cường hỗ trợ về cơ sở vật chất, đặc biệt các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho trẻ tiếp cận công nghệ số. Xây dựng tài liệu hướng dẫn chi tiết về cách thực hiện các tiêu chí mới để giáo viên có thể áp dụng linh hoạt và hiệu quả tại đơn vị.
"Thực hiện Bộ chuẩn mới, cơ sở giáo dục mầm non có thể sẽ đối mặt với một số trở ngại nhất định, bao gồm sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy, yêu cầu về cơ sở vật chất, công nghệ và chuẩn bị đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, những khó khăn này cũng là cơ hội để cải tiến và phát triển hệ thống giáo dục mầm non, hướng đến phát triển toàn diện và giúp trẻ chuẩn bị tốt cho tương lai", cô Nguyễn Thị Mai Vân bày tỏ.
Theo Giaoducthoidai |