Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Viêm da cơ địa và tiếp xúc ở trẻ khác nhau thế nào


 

Viêm da cơ địa ở trẻ có thể do gene, rối loạn miễn dịch, còn viêm da tiếp xúc thường do các tác nhân dị ứng gây ra.


ThS.BS.CKI Vương Ngọc Thiên Thanh, khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết có nhiều loại viêm da khác nhau, trong đó thường gặp nhất là viêm da tiếp xúc và viêm da cơ địa. Phụ huynh có thể nhận biết được hai bệnh này dựa vào một số đặc điểm dưới đây.

 

Triệu chứng

 

Viêm da cơ địa có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, phổ biến ở trẻ nhỏ với các biểu hiện như da khô, bong tróc, nứt nẻ, có mụn nước nhỏ... Bệnh thường gây phát ban bất ngờ, xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể.

 

Viêm da tiếp xúc là tình trạng da đỏ, sưng, ngứa, có thể có dịch, phồng rộp hoặc đóng thành vảy khi tiếp xúc với tác nhân gây phản ứng. Phản ứng viêm xuất hiện sau khoảng vài giờ, vài ngày hoặc nhiều tuần sau đó.

 

Nguyên nhân

 

Viêm da cơ địa ở trẻ thường do gene và rối loạn miễn dịch, làm thay đổi các chức năng của hàng rào bảo vệ da, tạo điều kiện thuận lợi cho tác nhân ở môi trường như dị nguyên, vi khuẩn... xâm nhập vào cơ thể. Một số yếu tố khiến bệnh khởi phát và tăng nặng là thời tiết thay đổi, phấn hoa, bụi nhà, lông động vật, thực phẩm...

 

Trong khi đó, viêm da tiếp xúc được chia thành 4 loại tùy theo nguyên nhân. Đầu tiên là viêm da tiếp xúc dị ứng (ACD) với tác nhân như hóa chất, mỹ phẩm, bụi, nấm mốc, lông thú cưng, phấn hoa, thức ăn... Nhóm thứ hai là viêm da tiếp xúc kích ứng (ICD) gồm axit, kiềm, chất tẩy rửa... Thứ ba là viêm da tiếp xúc ánh sáng (bỏng nắng) xảy ra khi tiếp xúc với ánh sáng cường độ cao. Cuối cùng là viêm da tiếp xúc côn trùng, thường gặp nhất là kiến ba khoang.

 

Vết thương trên tay của trẻ bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Ảnh: Anh Thư

 

Biến chứng

 

Bác sĩ Thiên Thanh cho biết cả hai bệnh lý này đều lành tính. Tuy nhiên, không được điều trị đúng cách vẫn có khả năng gây biến chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ.

 

Viêm da cơ địa khiến trẻ khó chịu, quấy khóc do ngứa, ngủ không ngon giấc có thể ảnh hưởng đến phát triển. Ở trẻ lớn, bệnh khiến trẻ khó tập trung học tập, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tự ti.

 

Viêm da tiếp xúc thường gây đau nhức, khó chịu, cản trở sinh hoạt. Sau khi lành, tổn thương lan rộng không được điều trị sớm có thể để lại sẹo làm mất thẩm mỹ. Một số trẻ bị dị ứng nặng có thể phù mi mắt, nhiễm trùng da.

 

Điều trị

 

Viêm da cơ địa ở trẻ là bệnh lý mạn tính. Mục đích điều trị là loại bỏ triệu chứng, giảm tình trạng ngứa, viêm da, cung cấp đủ độ ẩm và chống nhiễm trùng da... Nếu bệnh nhẹ, phụ huynh có thể vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ, bôi thuốc dưỡng ẩm, tránh xa các tác nhân khiến bệnh khởi phát. Nếu bệnh nặng hơn, tùy theo mức độ bác sĩ kê đơn corticosteroid tại chỗ hoặc thuốc kháng histamin.

 

Người bệnh viêm da tiếp xúc thường được điều trị bằng các loại thuốc bôi ngoài da như thuốc hồ nước, thuốc tím, corticoid. Khi bệnh nặng có khả năng bội nhiễm, trẻ uống thuốc giảm đau, kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

 

Phụ huynh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, tránh gây biến chứng, ảnh hưởng đến kết quả điều trị sau này.

 

Đình Lâm (Vnexpress.net)