Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

TP HCM: Hàng trăm ca mắc sởi mỗi tuần


 

Chỉ trong 1 tuần, TP HCM tiếp tục ghi nhận 373 ca bệnh sởi, tăng 29% so với trung bình 4 tuần trước.


Thông tin trên được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết về tình hình dịch bệnh tại TP HCM trong tuần qua vào chiều 17-12.

 

Bác sĩ tăm khám cho trẻ mắc bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM)

 

Theo HCDC, trong tuần 50 (từ ngày 9-12 đến 15-12), tại TP ghi nhận 613 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 15,7% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 50 là 14.865 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, TP Thủ Đức và quận 7.

 

Đối với bệnh tay chân miệng, trong tuần 50, TP cũng ghi nhận 191 trường hợp mắc bệnh, giảm 27,4% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 50 là 16.367 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè và quận 8.

 

Đáng chú ý, trong tuần 50, TP tiếp tục ghi nhận 373 ca bệnh sởi, tăng 29% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 50 là 3.189 ca. Các quận huyện có số ca mắc cao bao gồm huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và TP Thủ Đức.

 

BSCKII Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), cho biết, sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, 1 ca sởi có thể lây cho 12 - 18 người, tốc độ và phạm vi lây lan mạnh hơn cúm và thủy đậu rất nhiều. Bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp giữa người bệnh với người lành hoặc giữa người lành mang trung và người khỏe mạnh, thậm chí có thể lây gián tiếp qua các tiếp xúc với đồ vật, vật dụng có chứa dịch tiết mang virus, sau đó đưa tay lên mắt, mũi miệng...

 

Sởi không chỉ gây sốt, phát ban mà còn có thể biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, màng não, tiêu chảy, viêm loét giác mạc dẫn đến mù lòa, thậm chí tử vong.

 

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh kiểm tra lại sổ tiêm chủng của trẻ, thực hiện ngay chích ngừa vắc-xin sởi mũi đơn khi bé được 9 tháng hoặc mũi phối hợp (Sởi - Quai bị - Rubella) khi trẻ 12 tháng và lưu ý cần tiêm nhắc lại mũi 2 để đảm bảo tạo đủ miễn dịch bảo vệ trẻ. Ngoài ra cần đeo khẩu trang nơi đông người, khi đến các khu vực nguy cơ, khi chăm sóc trẻ bệnh và rửa tay thường qui. Đặc biệt cần cách ly trẻ khi đã xác định mắc bệnh sởi cho đến ngày thứ 5 phát bệnh.

 

Theo Nguoilaodong