Cảnh báo tình trạng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng
Xâm hại trẻ em trên môi trường mạng không chỉ gây ra những tổn thương về thể xác mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của trẻ.
Công an tỉnh Nghệ An tuyên truyền các biện pháp phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em.
Thời gian qua, mặc dù các ngành chức năng, nhà trường, phụ huynh triển khai nhiều biện pháp quản lý, giáo dục con em. Đồng thời, cơ quan công an cũng tập trung đấu tranh, xử lý nghiêm tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nhưng tình trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp.
Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2023, cả nước xảy ra 2.498 vụ xâm hại trẻ em, tăng 9,2% về số vụ so với năm 2022, trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm 82,2%.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, trên toàn quốc điều tra, khởi tố 1.198 vụ với 1.419 bị can liên quan đến các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em; xử lý hành chính 48 vụ, 125 người. Trong đó, nhóm hành vi bạo hành trẻ em chiếm 12%, còn lại là xâm hại trẻ em.
Các địa phương có số vụ xâm hại, bạo hành xảy ra nhiều như: Hà Nội, Thái Bình, Hoà Bình, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, Lâm Đồng...
Nhận diện tội phạm xâm hại và thủ đoạn của bọn tội phạm xâm hại trẻ em trên không gian mạng được tuyên truyền tới học sinh, phụ huynh thông qua tờ rơi.
Công an tỉnh Nghệ An cũng khởi tố nhiều vụ án liên quan đến các hành vi xâm hại trẻ em nhằm tạo sức răn đe. Qua các vụ việc xảy ra, có thể nhận diện một số thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng không gian mạng.
Thủ đoạn phổ biến là thông qua các dịch vụ mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò để kết bạn, làm quen, dụ dỗ trẻ em gặp gỡ để quan hệ, xâm hại tình dục.
Một số trường hợp còn đăng tải lên không gian mạng các hình ảnh, clip trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực học đường xúc phạm danh dự, nhân phẩm của trẻ.
Đặc biệt, thời gian gần đây nổi lên thủ đoạn núp bóng tuyển dụng để hẹn gặp gỡ, lôi kéo, khống chế, cưỡng ép đưa trẻ em đến các khu lao động bất hợp pháp tại nước ngoài để bóc lột lao động, bóc lột tình dục.
Xâm hại trẻ em trên môi trường mạng không chỉ gây ra những tổn thương về thể xác mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và tâm lý của trẻ.
Trẻ em bị xâm hại có thể mắc phải các rối loạn về cảm xúc, hành vi và nhận thức như lo âu, ám ảnh, tự ti, tự kỷ, tự tử hoặc bạo lực. Bên cạnh đó, ảnh hưởng đến sự học tập, giao tiếp và hòa nhập xã hội.
Tăng cường phòng chống xâm hại trẻ em
Từ đó, giúp trẻ em được giáo dục về quyền và trách nhiệm của mình khi sử dụng internet, biết tự bảo vệ bản thân và báo cáo cho người lớn khi gặp phải các tình huống nguy hiểm.
Trẻ em cần được hướng dẫn các kỹ năng cơ bản khi tham gia môi trường mạng. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo lành mạnh trên môi trường mạng đến các trường học, lớp học, thôn, bản, tổ dân phố.
Giáo dục, vận động cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, gia đình thường xuyên quan tâm, đồng hành cùng trẻ trên môi trường mạng.
Tỉnh Nghệ An yêu cầu các cơ quan, trường học đổi mới cách thức, nội dung công tác truyền thông theo hướng gần gũi, sinh động để thu hút trẻ. Thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, qua mạng internet và mạng xã hội.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị triển khai các biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với 100% trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội.
Theo Giaoducthoidai |