Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tình thương nhiệm màu của mẹ


 

Có một thứ tình cảm rất bình dị nhưng cũng rất đặc biệt, giống với lòng từ bi, đó là tình thương của mẹ dành cho con. Tình thương của mẹ như ánh trăng dịu hiền, tình thương của mẹ cũng như tia nắng ấm áp.

 

 

Từ nhỏ, mỗi khi rụt rè, run sợ trước bất cứ trở ngại, thử thách gì, được mẹ động viên: "Cố lên, con làm được mà!", tôi lại trở nên cứng cáp hơn để vượt qua. Có khi mẹ không động viên mà chỉ được ở bên mẹ, tôi cũng cảm thấy mình vững vàng, an nhiên đến lạ lùng. Khi lớn lên, những lúc ở xa mẹ, chỉ nghĩ về mẹ thôi cũng có cảm giác này.

 

Bao nhiêu người trên thế gian, kể từ những tên tuổi lớn, có lẽ đều có cảm giác này. Abraham Lincoln, cựu Tổng thống Hoa Kỳ, từng thốt lên: "Những gì tôi có được ngày hôm nay hay mãi về sau, tất cả là nhờ người mẹ thiên thần của mình". Wilma Rudolph, vận động viên điền kinh huyền thoại của Mỹ, đã tâm sự: "Các bác sĩ nói rằng, tôi không bao giờ có thể đi được nữa. Mẹ tôi bảo tôi sẽ đi được. Tôi tin mẹ tôi". Thomas Alva Edison, nhà phát minh tài năng từng được coi là thiểu năng về trí tuệ, chia sẻ về bí quyết thành công sau nhiều thất bại: "Mẹ đã làm nên con người tôi. Mẹ luôn tin tưởng và biết tôi sẽ làm được. Tôi cảm thấy mình có động lực để sống, có một ai đó để không thể làm thất vọng"...

 

Còn vô vàn câu chuyện tương tự khác về sứ mệnh cao cả của người mẹ. Người mẹ không chỉ giúp con bằng trí tuệ mà bằng tình thương không gì thay thế được, bằng trực giác của bậc sinh thành, từ đó nảy sinh niềm tin không thể lay chuyển. Cả thế giới có thể mất niềm tin vào con nhưng riêng người mẹ luôn giữ vẹn nguyên niềm tin ấy. Còn niềm tin của mẹ thì còn niềm tin của cả thế giới. Đó là lý do biết bao nhiêu tên tội phạm gây ra những vụ án động trời nhưng đứng trước mẹ mình đã từ bỏ con đường cũ, mong muốn hoàn lương. Động lực ở đây là gì nếu không phải việc tự nhận thấy cuộc đời vẫn còn niềm tin dành cho mình?

 

Trong cuộc đời này, tình cảm thiêng liêng giữa người với người, giữa người với vạn vật chính là lòng từ bi. "Từ" có nghĩa là hiền hòa, ban cho sự vui, thể hiện lòng khoan dung, độ lượng; "bi" là thông cảm, thương xót với nỗi khổ. Lòng từ bi khác hẳn với tình yêu thông thường. Tình yêu thông thường luôn kèm theo những điều kiện, luôn đi cùng hờn ghen, đau khổ, thậm chí có thể dẫn tới thù hận. Lòng từ bi là tình cảm vô điều kiện, trong trẻo, êm dịu nhưng đầy sức mạnh. Đó là sức mạnh cảm hóa, sức mạnh tạo ra nguồn năng lượng bất tận đẩy lùi chiến tranh, địch họa, biến kẻ ác thành người hiền lương.

 

Có một thứ tình cảm rất bình dị nhưng cũng rất đặc biệt, giống với lòng từ bi, đó là tình thương của mẹ dành cho con. Tình thương của mẹ như ánh trăng dịu hiền, tình thương của mẹ cũng như tia nắng ấm áp. Tình thương của mẹ như làn gió nhẹ mơn man, tình thương của mẹ cũng như trận cuồng phong dữ dội.

 

Nhà văn Maksim Gorky từng viết câu chuyện mang đầy chất sử thi kể về người mẹ hiền hậu, một mình nuôi đứa con trai nhỏ. Ngày nọ, Thần Chết hung ác đã bắt đứa con ấy đi, giam cầm và định nuốt trọn mạng sống của cậu bé như một miếng mồi ngon. Người mẹ bỗng trở nên can đảm, mạnh mẽ, tìm gặp Thần Chết bằng được - điều mà không ai dám làm vì Thần Chết luôn săn lùng và tồn tại bằng tính mạng của người sống. Khi đối mặt với Thần Chết cùng những thuộc hạ hung hãn, bà chỉ có tay không và thân mình mảnh dẻ. Tò mò trước sự dũng cảm của người mẹ, Thần Chết làm điều chưa từng có tiền lệ, đó là nhiều lần căn vặn: "Ai đứng trước ta cũng phải run sợ, vì sao ngươi lại dám yêu cầu ta?". Và bà nhất quyết trả lời: "Mi hãy trả lại con cho ta vì ta là mẹ của nó!". Câu nói ngắn gọn nhưng đem theo tất cả tình thương, tạo nên sức mạnh vô biên không gì ngăn cản nổi khiến Thần Chết phải nghe theo.

 

Lịch sử cổ đại từng chứng kiến, trong điều kiện y học chưa phát triển, thiếu thốn thuốc men, có những phụ nữ đã chữa bệnh cho trẻ em bằng phương pháp đơn giản nhưng vi diệu. Họ ôm những đứa trẻ mang bệnh vào lòng, bằng hơi ấm tình thương vô điều kiện đến mức độ tự ý thức mình là mẹ của chúng. Chỉ vài lần như thế, nhiều đứa trẻ đã khỏi bệnh.

 

Tình thương của mẹ không chỉ gói gọn trong cuộc sống của loài người, nó hiện hữu trong muôn loài, trong cả vũ trụ. Đã có những video khiến hàng triệu người rơi nước mắt khi chứng kiến hình ảnh những con hươu, nai, ngựa vằn chủ động thu hút hổ, báo, sư tử về mình để con của chúng chạy thoát, trong giây cuối cùng của cuộc đời, mắt vẫn dõi về phía con. Rồi chính những loài thú dữ đó lại chở che, bảo vệ con mình đến cùng trước những hiểm nguy.

 


Với sự phong phú trong ngôn ngữ của loài người, có nhiều từ được dùng để chỉ người mẹ nhưng đa số đều bắt đầu bằng âm "m", vì trong tất cả các âm, âm "m" dễ nói nhất, chỉ nhích nhẹ đôi môi như đứa trẻ đón sữa mẹ là thành lời. Những nghiên cứu về cầu nguyện đã chứng minh, người ta có thể cầu cha mẹ cứu giúp mình ngay khi cha mẹ đang sống vì trong mỗi người cũng có tế bào của cha mẹ và cha mẹ luôn hướng về con, mong mỏi điều tốt đẹp. Niềm mong mỏi ấy là nguồn năng lượng vô tận, vượt ra ngoài giới hạn không gian, thời gian. Đã có biết bao chiến binh dù ở bên nào của chiến tuyến, dù mang màu da, sắc tộc nào, trong giây phút bước sang cái chết đều đã gọi mẹ.

***

Tôi mang khát vọng thành công đến mức thành áp lực. Sau những ngày bươn trải, trở về bên mẹ, tôi lại thấy bình yên. Chợt nghĩ, nếu mình thành công là do mẹ dưỡng dục và tiếp thêm sức mạnh; nếu mình thất bại thì không sao cả, trong thế gian này vẫn có chốn bình yên, bao dung là lòng mẹ. Mỗi khi đứng trước những quyết định quan trọng, tôi lại xin ý kiến mẹ và những lời khuyên của mẹ đều hướng tới sự bình yên: "Nếu việc con định làm không khiến con cảm thấy an yên thì đừng làm". Tôi hiểu, thành công lớn nhất của đời người là đạt được sự bình yên và nơi có nhiều sự bình yên nhất là lòng mẹ.

 

Bởi vậy, giữa những hơn thua trong nhân thế tất bật, thỉnh thoảng, tôi lại lặng người ngước nhìn áng mây phía xa mang dáng dấp gương mặt và nụ cười hiền hậu của mẹ để thấy đâu là giá trị, là đích đến của cuộc đời mình.

 


Theo Phụ nữ Việt Nam