Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ em chậm phát triển ngôn ngữ khi xem thiết bị điện tử quá nhiều


 

Một nghiên cứu gần đây cho thấy trẻ em càng dành nhiều thời gian trước màn hình thì kỹ năng ngôn ngữ càng trở nên kém hơn.

 


Các sản phẩm điện tử hiện diện khắp nơi trong cuộc sống hàng ngày và còn trở thành "công cụ thần kỳ chăm sóc trẻ nhỏ" khi vừa dỗ bé khóc, vừa giúp bé ngồi yên một lúc lâu. Tuy nhiên tác động lâu dài của các thiết bị này đến sự phát triển trí não, đặc biệt là khả năng ngôn ngữ không tốt.

 

Một nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát về thói quen sử dụng thiết bị điện tử của hơn 400 trẻ em từ 2,5 - 4 tuổi và cha mẹ các em. Kết quả cho thấy những đứa trẻ dành ít thời gian sử dụng thiết bị hơn có điểm ngữ pháp và từ vựng cao hơn.

 

Cha mẹ hãy dành nhiều thời gian trò chuyện cùng con để phát triển ngôn ngữ cho bé. (Ảnh: Weibo)

 

Các chuyên gia phân tích rằng hầu hết khả năng ngôn ngữ của trẻ đều đến từ giao tiếp và việc giao tiếp khiến trẻ tiếp xúc với nhiều cấu trúc từ vựng và ngữ pháp hơn. Trẻ dành càng ít thời gian để giao tiếp thì khả năng phát triển ngôn ngữ càng kém so với các bạn cùng lứa.

 

Đối với trẻ ở lứa tuổi trên 4 tuổi thì đọc sách điện tử và chơi các trò chơi giáo dục có thể giúp cải thiện kỹ năng ngôn ngữ của trẻ. Nhưng không nhiều trò chơi điện tử phù hợp với sự phát triển trí não của trẻ nhỏ. Những trò chơi này với khả năng tương tác hạn chế và chỉ có nội dung trực quan không thể mang lại lợi ích cho sự phát triển ngôn ngữ nói và kỹ năng giao tiếp của trẻ, đồng thời không thể thay thế sự tương tác ngôn ngữ trực tiếp giữa cha mẹ và con cái hàng ngày.

 

Theo Vtv.vn