Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khi nào trẻ táo bón cần đo áp lực hậu môn trực tràng?


 

Bé 9 tuổi bị táo bón kéo dài, không tự đại tiện, phải thụt tháo. Có cần đo áp lực hậu môn trực tràng cho bé không?


Phương pháp này ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ thế nào? (Minh Thảo, 35 tuổi, Đồng Nai)


Trả lời:

 

Táo bón là rối loạn đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ. Bác sĩ khám lâm sàng, xét nghiệm máu, chụp X-quang, đo áp lực hậu môn trực tràng, sinh thiết để tầm soát nguyên nhân gây táo bón.

 

Đo áp lực hậu môn trực tràng là một tập hợp các nghiệm pháp khác nhau để kiểm tra chức năng vùng hậu môn trực tràng như đánh giá hoạt động phối hợp giữa cơ thắt trong, cơ thắt ngoài và cơ vùng sàn chậu. Trong đó, đánh giá phản xạ ức chế cơ thắt trong dùng để tầm soát bệnh phình đại tràng bẩm sinh - dị tật do thiếu các tế bào thần kinh ruột ở phần cuối ruột của trẻ. Phương pháp này còn giúp đánh giá kết quả sau phẫu thuật vùng hậu môn trực tràng.

 

Trẻ đau bụng, táo bón kéo dài cần khám tại các cơ sở y tế uy tín để được tầm soát phình đại tràng bẩm sinh. Ảnh minh họa: Đình Lâm


Trường hợp con bạn bị táo bón kéo dài, không tự đại tiện, phải thụt tháo là những dấu hiệu gợi ý của phình đại tràng bẩm sinh, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp này để tầm soát bệnh. Bệnh nhi sẽ nằm ngửa, đầu gối gập 90 độ. Bác sĩ đưa đầu đo áp lực vào hậu môn và thực hiện các nghiệm pháp khi nghỉ, ho, rặn... Từ đó, bác sĩ đánh giá chức năng khối cơ vùng sàn chậu, cảm giác của trực tràng.

 

Quá trình thực hiện có thể gây khó chịu cho trẻ do phải nằm yên, hiếm khi xảy ra biến chứng. Bệnh nhân không cần nhịn ăn, được bơm thuốc hoặc thụt tháo trước đo áp lực... Sau khi đo, trẻ có thể ăn uống bình thường, có kết quả trong ngày. Phương pháp này không áp dụng cho trẻ bị rối loạn đông máu, sốt, hạ thân nhiệt, suy hô hấp hay hẹp hậu môn.

 

Bệnh nhân sẽ được lên kế hoạch điều trị cá thể hóa phù hợp với tình trạng bệnh lý dựa trên kết quả đo.

 

Theo Vnexpress.net

BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng
Chuyên khoa Ngoại Nhi BV Tâm Anh