Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nếu không cho con cái chịu được 3 "nỗi đau" này, giáo dục tốt đến mấy đều vô ích


 

Đây là 3 nỗi đau mà bất cứ đứa trẻ nào cũng cần trải qua nếu muốn tương lai của mình tươi sáng.


Trong hành trình làm bố mẹ, ai cũng mong muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, quá trình giáo dục không phải lúc nào cũng dễ dàng.

 

Như một giáo sư của Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc từng nói: "Nếu bố mẹ không đủ nghiêm khắc, bất kỳ phương pháp giáo dục nào cũng trở nên vô ích".

 

Những bậc phụ huynh thông minh tuyệt đối không nên nuông chiều con cái, để chúng mặc sức làm theo ý muốn. Sự "nghiêm khắc" đúng mực không phải tàn nhẫn mà là tình yêu sâu sắc, là cách để mở đường cho con cái, vì hạnh phúc tương lai của chúng.

 

Bố mẹ để con cái chịu đựng những "nỗi đau" dưới đây, chúng sẽ trở nên xuất sắc hơn.

 

1. Nỗi đau trong học tập


Có một người bố đã nói với con trai mình: "Con phải học hành chăm chỉ, học tập là con đường nhanh nhất để con thành công".

 

Rồi ông lại nói thêm: "Bố đã phải cố gắng 30 năm mới có thể ngồi uống cà phê cùng những người thành phố, nghe có vẻ không thể tin được phải không? Nhưng nếu không có những năm tháng cố gắng đó, có lẽ bố sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để đạt được điều đó".

 

Ảnh minh họa.


Đối với những đứa trẻ có xuất thân từ gia đình bình thường, việc học hành là cách nhanh nhất và ít tốn kém nhất để thay đổi số phận. Nhưng việc học không hề dễ dàng, cảm thấy vất vả và mệt mỏi là điều bình thường.

 

Trong bộ phim tài liệu có tên "Tuổi 18 bên dây chuyền sản xuất" của Trung Quốc, bạn thấy được hình ảnh của những đứa trẻ sớm rời bỏ trường học để vào nhà máy làm việc. Nhiều người trong số đó đã bỏ học vì chán, không muốn chịu đựng những khó khăn của việc học. Và khi bước vào xã hội, họ mới nhận ra rằng để có thể tồn tại, chỉ có thể dựa vào sức lao động chân tay.

 

Trong môi trường nhà máy tối tăm, bẩn thỉu, họ phải làm việc 10-12 tiếng mỗi ngày, liên tục lặp đi lặp lại những công việc nặng nhọc, không có một phút giây nghỉ ngơi.

 

Họ hối hận vì đã không học hành tử tế trong những năm tháng có cơ hội được học. Ban đầu nghĩ rằng đi làm sẽ tự do và thoải mái, nhưng không ngờ rằng đi làm không chỉ nhàm chán mà còn vất vả, mệt mỏi và thậm chí là nguy hiểm.

 

So với việc thức khuya dậy sớm để làm thêm giờ, không dám nghỉ ngơi, cứ quay vòng như một cái chong chóng, thì những khó khăn trong việc học thực sự không là gì cả.

 

Chính vì thế, bố mẹ phải đủ nghiêm khắc, không thể để con cái lười biếng trong việc học, phải cho con hiểu rằng những khó khăn trong việc học là để mở đường cho tương lai. Nếu không chịu được những khó khăn trong việc học, thì sẽ phải chịu đựng những đắng cay của xã hội.

 

2. Nỗi đau trong lao động


Lao động đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ em. Nó không chỉ là phương tiện để duy trì cuộc sống mà còn là cách để hình thành nhân cách.

 

Qua lao động, trẻ em có thể học được trách nhiệm, sự độc lập và sự kiên trì. Những phẩm chất này sẽ đồng hành cùng chúng suốt đời, giúp chúng mạnh mẽ hơn khi đối mặt với khó khăn.

 

 

Bố mẹ không nên vì thương con mà tước đi cơ hội được lao động của chúng. Bởi sự trưởng thành đạt được qua lao động còn quý giá hơn nhiều so với sự bao bọc trong nhung lụa.

 

Guo Jingjing là vận động viên lặn nổi tiếng ở Trung Quốc, cách dạy con của cô khiến nhiều người bất ngờ. Dù là con cái của một gia đình giàu có, có thể sống sung túc cả đời mà không cần làm gì, nhưng Guo Jingjing không hề nuông chiều các con.

 

Ngược lại, cô thường đưa các con về quê vào dịp nghỉ để trải nghiệm công việc cấy lúa, giúp các con rèn luyện khả năng làm việc tay chân, tránh để con sống trong sự xa hoa từ nhỏ.

 

Nếu gia đình có điều kiện bình thường mà còn nuông chiều con cái, làm mọi thứ thay con, không muốn con chịu một chút vất vả nào, việc nuôi dạy một đứa trẻ trở nên vô dụng là điều không xa.

 

3. Nỗi đau khi thất bại


Là bố mẹ, ai cũng mong muốn con mình luôn gặp may mắn và thành công. Thế nhưng, cuộc đời của mỗi người không thể nào luôn suôn sẻ, thất bại là điều mà ai cũng phải trải qua.

 

Triết gia Hy Lạp Socrates từng nói: "Thất bại không đáng sợ, đáng sợ là chưa từng cố gắng". Còn nhà khoa học Thomas Edison với thái độ lạc quan của mình thì cho rằng: "Tôi không thất bại, tôi chỉ tìm ra một vạn cách không hiệu quả".

 

 

Khi trẻ trải qua thất bại, chúng có thể cảm thấy thất vọng và chán nản. Điều này là hoàn toàn bình thường, ngay cả người lớn khi gặp khó khăn trong công việc hay gia đình cũng có những cảm xúc tương tự, huống hồ là trẻ con.

 

Tuy nhiên, trẻ em có khả năng thích ứng kém hơn người lớn, lúc này, bố mẹ cần có mặt để đóng vai trò là người hỗ trợ và hướng dẫn, chứ không phải là người giải quyết mọi khó khăn thay con.

 

Bố mẹ cần cho con biết rằng thất bại là điều bình thường, ai cũng từng trải qua. Và khi con cần, hãy đưa ra những lời khuyên và động viên phù hợp. Qua những trải nghiệm thất bại, trẻ sẽ dần trưởng thành, tự tin hơn khi đối mặt với khó khăn.

 

Chỉ khi trải qua những khó khăn, trẻ mới hiểu được thành công không dễ dàng đến như thế nào, từ đó biết trân trọng những thành quả của mình và học cách đứng vững trước những cơn bão tố trong tương lai.

 

Theo Phụ nữ số