Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Viêm mô tế bào nghi do dính độc kiến ba khoang


 

Mắt trái của bé Quân, 8 tuổi, sưng đỏ, rỉ dịch gây sốt, bác sĩ chẩn đoán viêm mô tế bào nghi do độc của kiến ba khoang.


Ngày 15/8, BS.CKI Võ Thị Minh Tuyền, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết bệnh nhi bị viêm mô tế bào vùng mặt bên trái nghi do kiến ba khoang.

 

Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận bệnh nhi có tình trạng sốt cao kèm viêm lan rộng ở da vùng mặt, phồng rộp, rỉ dịch mủ, gần mắt bên trái, nghi ngờ nhiễm khuẩn huyết kèm theo, chỉ định truyền kháng sinh. Sau 5 ngày điều trị, bé được xuất viện, tiếp tục uống kháng sinh theo toa của bác sĩ.

 

Viêm mô tế bào do vi khuẩn xâm nhập vào da qua vết thương, sang thương bởi siêu vi, côn trùng đốt hoặc độc chất tiết ra từ côn trùng. Trường hợp này, mẹ bé cho biết trong nhà thỉnh thoảng xuất hiện kiến ba khoang, song không rõ bé có tiếp xúc kiến hay không.

 

Vào mùa mưa, độ ẩm cao là điều kiện lý tưởng để kiến ba khoang sinh sôi. Chúng thường bị thu hút bởi ánh đèn sáng trắng, bay vào nhà và đậu vào quần áo, giường chiếu, chăn màn. Vô tình tiếp xúc với chất độc trong kiến ba khoang có thể gây viêm da. Người dính độc kiến ba khoang thường ngứa, gãi khiến vết thương lan rộng, là điều kiện để vi khuẩn xâm nhập dẫn đến viêm mô tế bào. Độc tố của kiến ba khoang khi dính vào mắt có thể dẫn đến viêm kết mạc, sưng nề phần mềm quanh mắt, gây mất thị lực tạm thời.

 

Kiến ba khoang có thể gây viêm mô tế bào. Ảnh: Bệnh viện cung cấp


Dấu hiệu viêm mô tế bào là nổi ban đỏ, đau, nóng, sưng vùng da. Trường hợp nhiễm trùng nặng, người bệnh có thể sốt cao hoặc vùng da viêm lan rộng.

 

Viêm mô tế bào được điều trị bằng kháng sinh đường uống hoặc đường tĩnh mạch. Bệnh nhân không được điều trị kịp thời có thể nhiễm khuẩn huyết, viêm nội tâm mạc, viêm tủy xương, hoặc hội chứng sốc nhiễm trùng.

 

Cách xử trí vết thương do độc tố kiến ba khoang là bôi thuốc ngoài da, rửa bằng dung dịch sát khuẩn, uống nhiều nước, không gãi làm sang thương lan rộng. Nếu nghiêm trọng hơn cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám.

 

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo để phòng chống kiến ba khoang nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, tránh đứng dưới bóng đèn sáng trong nhà, tắt bớt bóng đèn không cần thiết. Nhà nên lắp lưới chống côn trùng, đóng kín cửa khi ra vào, đồng thời làm sạch môi trường sống bằng cách phát quang bụi rậm, thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, mắc màn ngủ tránh côn trùng.

 

Đình Lâm (Vnexpress.net)