Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phân biệt khóc dạ đề và khóc bệnh lý ở trẻ nhỏ


 

Khóc đêm hay khóc "dạ đề" không chỉ là tình trạng khóc đêm thông thường, mà đôi khi là bệnh lý nên cha mẹ cần nhận biết, không nên quá chủ quan. Đôi khi liệu pháp đơn giản tự nhiên sẽ giúp trẻ ngon giấc.


Theo ThS.BS Ngô Thị Cam - Chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, khóc dạ đề hay còn gọi là cơn khóc do co thắt ruột. Đây là một sự thay đổi làm trẻ đang khỏe mạnh khóc dữ dội đột ngột vào chiều tối hoặc ban đêm, tiếng khóc to, đỏ mặt, ưỡn người khiến cha mẹ lo lắng, ngay cả bác sĩ cũng không thể khẳng định nguyên nhân làm trẻ khóc.

 

Nếu trẻ có những dấu hiệu như:

 

- Khóc kéo dài hơn ba giờ mỗi ngày.

 

- Khóc ba ngày hoặc nhiều hơn/tuần

 

- Khóc hơn ba tuần/tháng.

 

Thì đó là khóc dạ đề ở trẻ.

 

Nhiều mẹ phải thức trắng đêm vì con khóc dạ đề


BS Ngô Thị Cam cho biết, khóc dạ đề thường là do hằng ngày trẻ nhỏ không được chăm sóc đầy đủ, ví dụ như: ăn ngủ không có giờ giấc nhất định, trẻ quá no hoặc quá đói, ban ngày hoặc trước lúc ngủ trẻ đùa nghịch quá độ khiến thần kinh căng thẳng, kích thích quá mạnh....

 

Chứng này xảy ra ở trẻ nhỏ khá phổ biến, cứ trong 10 trẻ sơ sinh thì có 2 trẻ có thể bị khóc dạ đề. Tuy vậy, khóc dạ đề ở trẻ em không phải là bệnh lý. Khóc dạ đề thường khỏi khi trẻ lớn dần, xảy ra vào cuối tháng thứ 3 hoặc sớm hơn đối với một số trẻ. Thời gian khóc thường kéo dài 5 phút nhưng cũng có khi nửa tiếng và có thể lặp lại hằng ngày, ban ngày trẻ vẫn ăn, ngủ tốt. Cơn khóc có thể rất dữ dội nhưng không nguy hiểm. Khi trẻ được hơn 6 tháng tuổi, nhu động ruột hoàn chỉnh, trẻ sẽ trở lại bình thường, chứng khóc dạ đề sẽ hết.

 

Tuy nhiên, nếu cơn khóc của trẻ kéo dài hoặc kèm theo biểu hiện khác thường thì cha mẹ cần nghĩ ngay đến vấn đề khóc do bệnh lý.

 

Ví dụ nếu trẻ khóc nhiều về đêm, kèm theo hiện tượng vã mồ hôi, rụng tóc hình vành khăn thì có thể là dấu hiệu trẻ bị còi xương. Bệnh này thường làm cho trẻ mệt mỏi, khó chịu, sinh ra quấy khóc trong thời gian dài. Nguyên nhân có thể là do chế độ dinh dưỡng của trẻ không đảm bảo hoặc trẻ được chăm sóc trong phòng kín, thiếu ánh sáng nên bị thiếu vitamin D.

 

Ngoài ra, nếu trẻ khóc dữ dội, kèm theo triệu chứng như nôn, hay khóc thét lên, ưỡn người, bỏ bú và đi ngoài ra máu. Trong trường hợp này, cha mẹ cần đưa bé đi cấp cứu ngay vì có thể trẻ bị lồng ruột cần xử trí tức thời.

 

Trẻ quấy khóc kèm theo hiện tượng rụng tóc hình vành khăn có thể là biểu hiện của tình trạng thiếu vitamin D

 

Mặc dù không có một phương pháp nhất định nào để làm dịu cơn khóc dạ đề, tùy nhiên BS Ngô Thị Cam hướng dẫn các bà mẹ có thể thử một số cách tại nhà như sau:

 

-Cha mẹ nên tránh những điều gây khó chịu cho trẻ bằng cách: Đảm bảo trẻ được bú đủ, không quá no cũng không đói. Bế trẻ thẳng người trong khoảng 15 phút sau khi ăn; Giữ một thời gian biểu nhất định về ăn uống, ngủ nghỉ và chơi đùa. Trẻ không bị khó chịu bởi ánh sáng và tiếng ồn trong ngày; Chọn tã vừa vặn với trẻ, thay thường xuyên để giữ tã trẻ sạch sẽ.

 

-Nếu trẻ khóc hãy xoa dịu trẻ bằng cách: Vỗ về trẻ, ôm trẻ vào lòng, thủ thỉ lời yêu thương hoặc hát ru đong đưa nhè nhẹ; Làm dịu tinh thần của trẻ bằng cách đưa trẻ đi dạo một vòng; Nếu cảm thấy không bình tĩnh và thoải mái, các bà mẹ có thể nhờ người khác trông hộ trẻ.

 

-Mát xa nhẹ nhàng cho trẻ có thể đem lại sự thoải mái, giao lưu tình cảm, giúp lưu thông tuần hoàn và giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ.

 

Theo VOV