Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ bị đau họng, sốt nóng-lạnh, cha mẹ tưởng đơn giản nhưng đây là một trong những biểu hiện của bệnh bạch hầu


 

Do chủ quan bởi các triệu chứng biểu hiện khá thông thường nên đôi khi các bậc phụ huynh không phản ứng kịp thời dẫn đến những biến chứng đáng tiếc xảy ra.



Bản chất bạch hầu là gì?


Là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do trực khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae tiết ra độc tố gây nên. Trực khuẩn này làm thương tổn chủ yếu đường hô hấp trên và độc tố của nó lan tỏa khắp cơ thể.

 

Bạch hầu có thể gây biến chứng nguy hiểm


Theo các chuyên gia y tế, bạch hầu (Diphtheria) là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch.

 

Bệnh rất dễ dàng lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

 

Các triệu chứng chính của bệnh là: viêm mũi họng thanh quản; ớn lạnh, chảy nước dãi, ho nhiều, sưng các tuyến ở cổ, khó thở, khó nuốt...

 

Biến chứng thường gặp của bệnh này là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh. Các biến chứng khác có thể xảy ra như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp có thể xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là nhũ nhi. Tỷ lệ tử vong của bệnh bạch hầu khoảng 5-10%. Các vị trí gây bệnh sẽ có triệu chứng và biến chứng khác nhau.

 

 

Khi có dấu hiệu dưới đây, cha mẹ cần đưa con tới bệnh viện gấp vì có thể đã mắc bệnh bạch hầu


- Đau họng dữ dội.

 

- Chảy nhiều mũi và dãi.

 

- Sốt nóng và sốt lạnh.

 

- Có thể chảy nước mũi lẫn máu.

 

- Sưng các tuyến trên cơ thể.

 

- Nôn mửa.

 

- Mệt mỏi.

 

- Ngất xỉu.

 

- Mạch đập nhanh.

 

- Chứng bạch hầu có thể gây nên những viêm nhiễm trên da. Làn da có thể xanh xao, nguyên nhân là do thiếu hụt hàm lượng oxy.

 

- Chứng viêm nhiễm cũng có thể do những tuyến hạch bạch huyết gây ra và những mô tế bào ở hai bên cổ bị sưng lên.

 

Bệnh có khả năng lây lan ra sao?


Bạch hầu là bệnh có khả năng lây nhiễm cao, có thể dễ dàng truyền từ người này qua người khác. Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu có thể lây cho người khác dễ dàng qua không khí khi người bệnh ho hay hắt hơi hoặc thậm chí qua tiếp xúc nói chuyện trực tiếp.

 

Những người bị bạch hầu cần được cách ly với mọi người và các thành viên trong gia đình. Tất cả người nhà hay mọi người đến tiếp xúc thăm hỏi bệnh nhân cần được xác định là đã được miễn dịch với căn bệnh này, đồng thời phải sử dụng khẩu trang và các biện pháp bảo vệ khác để phòng chống loại vi khuẩn này.

 

Người nhiễm vi khuẩn có nguy cơ rất cao bị nhiễm bệnh mặc dù họ không có các biểu hiện bên ngoài hay các dấu hiệu khác của bệnh bạch hầu. Thời gian khi có sự xâm nhập vi khuẩn vào đến khi bị nhiễm bệnh khoảng từ 2 đến 4 ngày.

 

Cách phòng tránh bệnh bạch hầu?


 

Những điều cần chú ý với căn bệnh bạch hầu


- Chứng bệnh bạch hầu cần sớm được phát hiện và kịp thời điều trị, càng sớm càng tốt, vì nếu để muộn có thể gây tử vong hay mắc phải chứng bệnh tim mạch nguy hiểm.

 

- Trong trường hợp, bệnh nhân bị khó thở, cần được hỗ trợ các thiết bị để thở.

 

- Trẻ nên được tiêm vacxin DPT ( chứng bệnh bạch hầu - uốn ván - ho mãn tính) để giảm thiểu và phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.

 

- Cách tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu là tiêm vắc xin cho trẻ theo lịch tiêm chủng. Tuy nhiên, tiêm vắc xin không phải bao giờ cũng có kết quả hoàn toàn nhưng nếu đã tiêm thì khi nhiễm bệnh sẽ nhẹ hơn và ít biến chứng hơn.

 

- Các bậc cha mẹ cần biết cách và trang bị những kiến thức cần thiết để phát hiện bệnh sớm, đưa trẻ đến khám và điều trị tại bệnh viện để tránh những hậu quả đáng tiếc do đến muộn. Đây là bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh, nên khi phát hiện cần cách ly ngay.

 


Theo Phụ nữ số