Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dạy con cách giao tiếp văn minh


 

Giao tiếp tốt là một trong những lợi thế giúp chiếm cảm tình với người đối diện. Kỹ năng này cần được cha mẹ trau dồi cho con ngay từ nhỏ.

 


Trẻ em cần được giáo dục về phép lịch sự và những hành vi đẹp khi giao tiếp. Ảnh minh họa.


Xây dựng môi trường "từ nhà ra ngõ"


Trẻ em được học hỏi những bài học đầu tiên ở trong chính gia đình của mình. Mỗi người thân là một bài học, tấm gương cho trẻ bắt chước và noi theo. Rất nhiều trẻ thừa nhận có lối ứng xử văn minh, nói năng lịch thiệp là do ảnh hưởng từ gia đình.

 

Nguyễn Trần Thùy Linh, từ nhỏ đã được cảm mến vì thông minh, lanh lẹ, nói năng dễ nghe. Sau này trở thành sinh viên Học viện Ngoại giao, dù được học tập trong môi trường khá lý tưởng nhưng em vẫn tham gia các lớp học giao tiếp để hoàn thiện bản thân.

 

Thùy Linh cho biết: Em nhận ra lợi thế của một người luôn lịch sự, có lối giao tiếp tuân thủ phép tắc và linh hoạt trong các hoàn cảnh. Thực ra, trong mối quan hệ thông thường hay công việc, biết sử dụng lời hay ý đẹp và vận dụng linh hoạt các phép tắc, lễ nghi văn hóa truyền thống là lợi thế lớn, mở đường cho chúng ta tự tin bước vào bất kỳ cuộc giao tiếp quan trọng nào.

 

"Trong những bài học giao tiếp học được từ gia đình tới những lớp rèn văn hóa ứng xử, em ấn tượng nhất bài học tôn trọng người đối diện và biết điểm dừng. Khi nghe lời góp ý của bố mẹ mà bản thân chưa dung nạp được hết ý tứ, em thường nói: "Con thấy ý kiến của bố mẹ hợp lý nhưng hiện tại con nghĩ rằng..." hoặc "Xin phép bố mẹ cho con suy nghĩ thêm"... Điều này ứng với việc lúc bé, em mè nheo gì đó, bố mẹ không bao giờ quát mắng mà tìm cách hoãn binh hoặc nhẹ nhàng phân tích cho em hiểu".

 

Rõ ràng, trong giao tiếp nói chung, với những câu nói như vậy sẽ khiến người nghe dễ dàng tiếp nhận ý kiến của mình hơn thay vì phản đối gay gắt ngay từ đầu. Điều này cũng tạo cơ hội để mình điều hướng suy nghĩ của người khác đúng thời điểm, theo chiến lược giao tiếp.

 

Chị Lê Thảo (Long Biên, Hà Nội) cho biết, công việc bận rộn, chị giao phó hết việc nhà, chăm sóc con cho bà nội nên không mấy quan tâm đến việc giáo dục thói quen chào hỏi, lễ phép cho con. Con gái chị đã 7 tuổi mà chưa hình thành thói quen chào hỏi người lớn, mời cơm ông bà, nói lời cảm ơn hay xin lỗi. Chị Thảo cho rằng, con còn nhỏ chưa biết gì, khi nào lớn hơn con sẽ tự biết cần làm gì.

 

Nhiều cha mẹ lại có thói quen ăn nói bỗ bã ở nhà, chỉ đi ra ngoài mới ăn nói lịch sự. Chính vì suy nghĩ đó, chị Minh Huyền (Tây Hồ, Hà Nội) có cô con gái lớn đang tuổi dậy thì nhưng chị thường bỏ qua lời ăn tiếng nói của con và của chính mình trước mặt con. Bởi vậy, con chị thường được mọi người nhận xét là ăn nói không đâu vào đâu, gặp người lớn không có thói quen chào hỏi. Thậm chí, ăn nói hỗn xược và cãi lời bố mẹ, hay cáu bẳn. Chị Huyền lại cho rằng con đang giai đoạn thay đổi tâm sinh lý.

 

Mặc dù không phải trẻ nào nói năng thiếu lễ nghĩa cũng là do bị ảnh hưởng từ gia đình nhưng điều này nhấn mạnh rằng cha mẹ cần quan tâm, xây dựng môi trường tốt cho con không chỉ ở nhà, mà còn ra ngoài xã hội như chọn bạn, chọn chỗ để chơi.

 

Ảnh minh họa.


Đừng bỏ qua lời ăn tiếng nói


Theo chuyên gia, những đứa trẻ biết chủ động nói lời chào hỏi, biết nói lời hay ý đẹp và thuần thục lễ nghĩa sẽ dễ gây thiện cảm với mọi người hơn và có khả năng thích nghi với xã hội sớm hơn. Cũng nhờ thế, khả năng thành công sẽ đến sớm hơn với những trẻ em này. Vì vậy, cha mẹ nên dạy con từ nhỏ về việc tại sao nên trau dồi kỹ năng giao tiếp ứng xử cơ bản, tại sao nên chào mời và cách để tạo thiện cảm với người xung quanh ra sao.

 

Hãy luôn nhớ rằng, dạy trẻ cách chào hỏi, biết lễ nghi là việc đòi hỏi xuất phát tự thân, trẻ cần hiểu và muốn làm điều đó. Khi những kỹ năng trở thành văn hóa, nó sẽ toát ra một cách tự nhiên và trở thành nét đẹp riêng của mỗi người.

 

Cô Nguyễn Phương Hà (giáo viên Trường THCS Thăng Long, Hà Nội) chia sẻ, ông bà ta có câu "học ăn, học nói" ngụ ý ngoài việc dạy con học cách ăn uống sao cho nhã nhặn, lịch sự, học nói cũng là một điều quan trọng không kém để ứng xử tế nhị, có văn hóa.

 

Ngày nay, nhiều gia đình không tiếc tiền đầu tư cho con cái đi học đủ thứ thời thượng, từ kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, học kỳ quân đội, ngoại ngữ... nhưng dường như ít ai để ý đến dạy lời ăn tiếng nói của con mình, một yếu tố góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách sau này.

 

Đối với người lớn, dù khó tính đến mấy, gặp một đứa trẻ nói năng hoạt bát, biết thưa gửi lễ phép cũng làm ta bớt khắt khe hơn. Do vậy, việc dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ đóng một vai trò lớn trong việc phát triển về tâm sinh lý cho các em.

 

Cô Hà đặt câu hỏi: Bố mẹ có bao giờ nói năng nhỏ nhẹ, ngọt ngào với con cái hay chỉ bực bội, hằn học trút lên bọn trẻ những lời cay nghiệt để giải tỏa những áp lực mà bạn phải gánh chịu bên ngoài gia đình mỗi ngày?

 

Dạy con nói năng, không chỉ là chuyện phát âm cho tròn vành rõ chữ, câu cú chỉn chu, không cắt ngang lời người khác, mà còn là nói năng sao cho tử tế, giọng nói nhẹ nhàng, không cục cằn, thô lỗ, ngôn từ đúng mực, ít gây tổn thương hay xúc phạm người nghe, hạn chế nói những lời không cần thiết nếu không thể nói những lời dễ nghe hoặc những khi không kiểm soát được cảm xúc của mình.

 

Một đứa trẻ được dạy dỗ nói năng sẽ biết "lựa lời mà nói", luôn "cảm ơn, xin lỗi" khi cần thiết, biết hỏi han, chia sẻ khi ai đó có tâm trạng, biết nói những lời chân thật chứ không giả tạo, đãi bôi.

 

Dạy con nói năng không chỉ là dạy qua cách ứng xử, tiếp xúc trực tiếp, mà còn dạy con nhã nhặn, biết tiết chế khi giao tiếp trên các mạng xã hội, bởi đó cũng là một cách "nói" ít nhiều thể hiện nhân cách của một người.

 

Phép lịch sự là cách ứng xử của con người với những hiểu biết về nguyên tắc, phong tục của đời sống xã hội. Một người lịch sự luôn nhận được cái nhìn thiện cảm, sự trân trọng của mọi người. Vì vậy, trẻ em cần được giáo dục về phép lịch sự và những hành vi đẹp khi giao tiếp với người khác.

 

Cô Hà cũng cho rằng, người lớn đừng cho rằng vì chúng ta quá thân thiết nên không cần rườm rà câu chữ hay khách sáo. Tuy nhiên, gia đình chính là nơi bắt đầu cho mọi thói quen tốt của trẻ. Nếu cha mẹ chủ động nói những lời hay ý đẹp với con, bé sẽ học theo, tương lai trở thành một người lịch sự.

 


Theo Giáo dục và thời đại