Cách cùng con có mùa hè 'vui - khỏe'
Không chỉ chú trọng bảo đảm an toàn, giúp trẻ tránh gặp tai nạn thương tích trong thời gian nghỉ hè, phụ huynh còn cần chăm sóc sức khỏe cho con.
Gia đình, nhà trường cần hỗ trợ, giáo dục kỹ năng sống, sinh tồn, phòng tránh tai nạn thương tích, bạo lực và xâm hại cho con em mình. Ảnh minh họa: ITN Mỗi năm, cứ vào dịp nghỉ hè, trên cả nước có khoảng 2.000 trẻ tử vong do đuối nước và khoảng 8.000 trẻ tử vong do các loại tai nạn, thương tích khác. Đây là con số báo động với phụ huynh, học sinh trước kỳ nghỉ hè 2024.
Không chỉ chú trọng bảo đảm an toàn, giúp trẻ tránh gặp tai nạn thương tích, phụ huynh còn cần chăm sóc sức khỏe cho con. Từ đó, giúp trẻ có một sức khỏe tốt.
Tỷ lệ tai nạn thương tích cao
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có hơn 900 nghìn trẻ em và vị thành niên dưới 18 tuổi tử vong do thương tích, trong đó 90% là thương tích không chủ ý. 95% tử vong do thương tích trẻ em xảy ra ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Ngoài những ca tử vong, hàng chục triệu trẻ em đòi hỏi phải được chăm sóc tại các cơ sở y tế và nhiều trẻ bị tàn tật suốt đời.
Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường cho thấy, mỗi năm, trung bình có hơn 370 nghìn trẻ bị tai nạn thương tích. Trong đó, nhóm 15 - 19 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất chiếm 43%; nhóm tuổi 5 - 14 chiếm 36,9%; thấp nhất là nhóm tuổi 0 - 4 chiếm 19,5%.
Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp một năm, chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trên toàn quốc do tất cả nguyên nhân. Cứ 100 nghìn trẻ có 24 em tử vong do tai nạn thương tích.
Con số này tương đương với 18 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày. Các em trai có xu hướng bị thương tích thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với trẻ gái. Tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn 3 lần so với nữ giới.
Tùy từng lứa tuổi mà trẻ có thể gặp các loại hình/nguyên nhân tai nạn thương tích khác nhau. Theo các chuyên gia, đối với trẻ sơ sinh, nguyên nhân tai nạn thương tích chiếm tỷ lệ cao nhất là đuối nước, ngã, ngạt, bỏng, tai nạn giao thông và ngộ độc.
Với trẻ dưới 1 tuổi, nguyên nhân tai nạn thương tích thường gặp là đuối nước, ngã, bỏng, tai nạn giao thông, ngộ độc, ngạt. Đối với trẻ 1 - 4 tuổi, đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu, tiếp theo là bỏng. Các nguyên nhân thường gặp khác như ngã, tai nạn giao thông, động vật cắn, ngộ độc cũng có thể gặp ở trẻ, nhưng tỷ lệ không cao.
Đối với trẻ 5 - 9 tuổi, đuối nước cũng là nguyên nhân hàng đầu. Một số nguyên nhân hay gặp khác bao gồm tai nạn giao thông, chấn thương do vật sắc nhọn và động vật tấn công. Những nguyên nhân ít gặp có thể là ngạt, ngã, ngộ độc, sét đánh.
Trong khi đó, với trẻ 10 - 14 tuổi, đuối nước và tai nạn giao thông là hai nguyên nhân hàng đầu. Các nguyên nhân khác có tỷ lệ thấp hơn là đánh nhau, động vật tấn công, tự tử. Đối với trẻ 15 - 19 tuổi, tai nạn giao thông nổi lên như là nguyên nhân hàng đầu. Các nguyên nhân khác bao gồm tự tử, đánh nhau, đuối nước.
Kỳ nghỉ hè là khoảng thời gian quý giá được trẻ mong chờ. Đây là thời gian để trẻ được vui chơi thoải mái và nghỉ ngơi sau những ngày tháng học hành miệt mài. Tuy nhiên, trẻ mải chơi có thể quên mất lời dặn dò của cha mẹ và rơi vào mối nguy mất an toàn, hại sức khỏe. Vậy nên, tai nạn thương tích mỗi dịp hè là nỗi lo chung của toàn xã hội, đặc biệt là thảm cảnh đuối nước cứ lặp đi lặp lại.
"Tôi chứng kiến không ít phụ huynh đưa con đến nơi công cộng và bỏ mặc trẻ tự chơi và tự loay hoay gỡ rối. Bóng to, bóng nhỏ con cứ mặc sức ném lung tung, trúng vào ai cũng mặc kệ. Những mảnh ghép logo to đùng con quăng tứ tung vào người lạ. Sách trên giá trong nhà xộc xệch theo bàn tay rút vội, quăng đại nghịch ngợm của trẻ...", anh Đức Hoàng - phụ huynh có hai con nhỏ tại Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ.
Nhiều trẻ nhập viện do tai nạn thương tích. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho biết, để phòng tránh tai nạn thương tích nói chung, các gia đình, cha mẹ cần thực hiện phong trào xây dựng ngôi nhà an toàn mà Cục Trẻ em đang phát động. Đó là cải tạo, sắp xếp lại đồ đạc trong nhà, loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ để ngôi nhà mình trở nên an toàn hơn. Ngoài ra, chum vại đựng nước phải có nắp đậy an toàn.
Đối với xô chậu dùng xong, cần đổ hết nước và úp xuống. Làm cửa chắn không cho trẻ nhỏ tự động vào được trong bếp. Dao kéo nhọn dùng xong cần được cất gọn để trẻ không mở ra. Với ổ điện thấp trong tầm với của trẻ, phụ huynh phải lấy băng keo dán kín lại. Người lớn khi uống thuốc xong phải cho vào ngăn kéo khóa lại, làm nắp đậy giếng khơi, đường ra ao phải có rào chắn, cửa ra ban công, cầu thang phải có chốt khóa để tránh trẻ ngã...
"Mùa Hè đến cũng là lúc các em nhỏ được cha mẹ cho đi du lịch, về thăm quê hoặc được tự do sinh hoạt ở nhà... Tuy nhiên, trong những lúc thiếu sự quan tâm, lơ là của người lớn, tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra với các em và để lại những hậu quả nặng nề", chuyên gia nhấn mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An cho biết, các cha mẹ, thầy, cô giáo và người lớn nên hiểu rằng, trẻ em cần được giáo dục/hỗ trợ các kỹ năng tự bảo vệ ngay từ tuổi mầm non và được tăng dần mức độ theo sự hiểu biết của trẻ. Do vậy, gia đình, nhà trường cần đầu tư thời gian và công sức hỗ trợ, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, phòng tránh tai nạn thương tích, bạo lực và xâm hại cho con em mình.
Bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục/tư vấn pháp luật, giáo dục giới tính, tình dục an toàn và hôn nhân gia đình. Các cộng đồng cần mở ra những điểm vui chơi giải trí an toàn để hướng dẫn, thu hút trẻ. Những khu vực này cần có các đồ chơi trò chơi lành mạnh, hấp dẫn và người hướng dẫn, giám sát.
Mở rộng các chương trình truyền thông, vui chơi giải trí lành mạnh và bổ ích trên các nền tảng không gian mạng. Chính quyền địa phương cần kiểm soát bảo đảm sự an toàn, phòng thương tích cả về thể chất lẫn tinh thần cho trẻ em trong tất cả khóa học tập, rèn luyện, tu tập mang danh "chữa lành" hoặc "hỗ trợ kỹ năng" mà có trẻ em tham gia trên địa bàn/địa phương mình.
Cha mẹ cần bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt là trong dịp hè. Ảnh minh họa: ITN. Chú trọng chăm sóc sức khỏe
Bên cạnh đó, việc chú trọng bảo vệ sức khỏe của trẻ trong mùa Hè cũng là điều được các phụ huynh quan tâm. Theo ThS.BS Hoàng Thị Năng - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, sức đề kháng kém, thời tiết nóng bức là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn phát triển. Đây cũng là thời điểm trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu chảy.
Trong những ngày hè nắng gắt, điều hòa, quạt điện là những thiết bị "hạ nhiệt" không thể thiếu. Tuy nhiên, nếu sử dụng bừa bãi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ em. Vì vậy, khi sử dụng điều hòa, quạt điện, cha mẹ cần lưu ý, điều hòa nhiệt độ dao động từ 27 - 28 độ C. Không nên để nhiệt độ quá thấp và chênh lệch lớn với bên ngoài. Không cho con chạy ra vào phòng liên tục. Bởi, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến trẻ dễ bị nhiễm bệnh.
Ngoài ra, không nên bật quạt to rồi để gần trẻ. Tùy theo lứa tuổi của trẻ mà các cha mẹ bật quạt số to nhỏ khác nhau. Đối với trẻ sơ sinh, không nên để quạt quá gần, luôn để trên 2m trở lên và bật số nhỏ nhất. Lưu ý, không để quạt thốc thẳng vào mặt trẻ. Khi bật điều hòa mà muốn ra ngoài, nên mở cửa từ từ rồi chờ 2 - 3 phút mới ra khỏi phòng để cơ thể thích nghi với nhiệt độ bên ngoài.
Trong những ngày hè, tắm là cách hạ nhiệt cơ thể. Tuy nhiên, do sức của trẻ còn non nớt, cha mẹ lưu ý không nên cho trẻ tắm nhiều, lâu trong bể bơi, bồn tắm. Trẻ nên được tắm mỗi ngày 1 lần và trong thời gian vừa phải. Trẻ ở phòng máy lạnh nên tắt điều hòa để không bị sốc nhiệt khi tắm. Nếu trẻ nô đùa, chạy nhảy, thân nhiệt tăng cao. Khi đó, cha mẹ cũng không nên cho con tắm ngay mà cần chờ cơ thể trẻ "mát" trở lại.
"Việc lựa chọn quần áo mặc cũng có ý nghĩa quan trọng giúp cơ thể được thoải mái, dễ chịu. Vì vậy, cha mẹ nên chọn cho con những bộ quần áo thoáng mát, chất liệu vải mềm và thấm hút tốt. Ngoài ra, trẻ dù chơi bình thường thì da vẫn có nhiều mồ hôi. Cha mẹ nên lau mồ hôi thường xuyên cho con. Nếu quần áo con đang mặc bị ướt mồ hôi thì cần thay trang phục khô", ThS.BS Năng khuyến cáo.
Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh mùa Hè, trẻ cần được tăng sức đề kháng bằng các cách như: Uống nhiều nước để bù lượng nước mất qua mồ hôi, ăn nhiều hoa quả nhằm bổ sung vitamin. Đồng thời, cần thực hiện ăn chín, uống sôi. Hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn chế biến ngoài đường phố. Không nên ăn đồ để trong tủ lạnh quá lâu để tránh bị tiêu chảy.
"Để tránh nắng, cha mẹ lưu ý thời gian cao điểm của ngày hè nóng nực là không nên cho con ra ngoài, đặc biệt vào khung giờ từ 11 giờ trưa đến 15 giờ chiều. Bởi, đây là thời điểm nắng nóng gay gắt nhất trong ngày. Nếu cha mẹ thấy con có biểu hiện bất thường như sốt cao liên tục, ho nhiều, khò khè, thở nhanh, mệt mỏi thì nên đưa ngay đến cơ sở y tế để khám, không tự ý mua thuốc cho trẻ", bác sĩ Năng cho biết.
Trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em, thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu, với 3.500 trẻ em và vị thành niên từ 0 - 19 tuổi tử vong mỗi năm. Con số này tương đương với khoảng 10 trẻ em tử vong mỗi ngày. Trong các nhóm tuổi, trẻ từ 0 - 4 tuổi chiếm tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất với khoảng 36%. Nhóm tuổi 15 - 19 chỉ chiếm khoảng 16%; từ 5 - 9 tuổi chiếm 25%, nhóm 10 - 14 tuổi chiếm tỷ lệ gần tương đương với nhóm 5 - 9 tuổi (26%).
Theo Giáo dục và thời đại
|