Đây là tình trạng khá nguy hiểm, ba mẹ nên đưa trẻ đi cấp cứu kịp thời.
Mùa hè bắt đầu cũng là lúc nhiều dịch bệnh ở trẻ em bùng phát, trong đó có tay chân miệng. Giữ vệ sinh sạch sẽ là điều cơ bản và quan trọng mà bố mẹ cần phải làm để bảo vệ con yêu. Đặc biệt, cần theo dõi sát sao nếu con mắc bệnh, kịp thời nhận ra dấu hiệu nhiễm độc thần kinh, để được điều trị đúng cách, kịp thời.
Mới đây, một bà mẹ chia sẻ đoạn clip con đang ngủ thì giật mình liên tục, đáng chú ý bé lại đang mắc tay chân miệng. Bà mẹ nhắn nhủ: "Con bị tay chân miệng mà ngủ giật mình thì nên đưa đi viện luôn nhé các mẹ ơi".
Dưới phần bình luận, nhiều người không khỏi lo lắng, không rõ giật mình khi ngủ trong lúc đang mắc tay chân miệng sẽ có nguy hiểm gì xảy ra?
Giật mình chới với là 1 trong 3 biểu hiện nặng điển hình của tay chân miệng
Dấu hiệu giật nảy và chới với ở trẻ mắc bệnh tay chân miệng biểu hiện rất rõ ràng: không giống hành vi ngủ không yên rồi bật khóc thông thường, mà là cảm giác bất ngờ giật mình và hoảng hốt khi được nằm xuống. Các bậc cha mẹ có thể nhận biết những biểu hiện này ở con mình như sau:
- Ngay khi vừa mới chìm vào giấc ngủ, bé có thể đột nhiên giật mạnh cơ thể, nhấc cả tay và chân, mở to mắt rồi lại nhanh chóng nhắm mắt như đang lơ mơ. Trong các trường hợp nghiêm trọng, bé có thể liên tục bị giật mình, hoặc thậm chí còn giật mình khi đang ngủ say. Có những bé ngay khi nằm xuống đã có phản ứng giật mình mạnh.
- Có những bé biểu hiện tình trạng giật mình kể cả khi đang chơi. Cha mẹ cần chú ý xem tần suất giật mình có tăng lên theo thời gian hay không. Một số bé khác có thể di chuyển không ổn định như thường lệ, biểu hiện nôn mửa hoặc ói mửa liên tục. Một số bé khác lại có cảm giác run run ở tay hoặc rung nhẹ cơ thể. Một vài trường hợp khác, trẻ có cách thở không bình thường, thở yếu, ngủ mê mệt không tỉnh dậy để chơi, hoặc thậm chí là ra mồ hôi lạnh. Đây là những biểu hiện cần được chú ý và đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.
Bên cạnh những biểu hiện giật mình và chới với đó, còn có hai dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh do bệnh tay chân miệng mà cha mẹ cần đặc biệt quan tâm và kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chữa trị:
- Ở giai đoạn ban đầu: trẻ có thể quấy khóc thường xuyên, cả đêm không ngủ yên, cứ khoảng 15-20 phút lại tỉnh giấc quấy khóc rồi lại tiếp tục ngủ, khiến nhiều phụ huynh lầm tưởng rằng do đau miệng mà trẻ khó ngủ.
- Trong quá trình phản ứng viêm nhiều ở cơ thể gây ra tình trạng nhiễm độc thần kinh: trẻ có thể sốt cao trên 38 độ C kéo dài hơn 48 giờ mà không thuyên giảm khi dùng các loại thuốc hạ sốt thông thường. Ví dụ, một bé có thể sốt cao từ 39 đến 40 độ C và không giảm nhiệt độ kể cả khi đã uống thuốc, hoặc có thể sau đó vẫn tiếp tục sốt cao. Nếu trẻ sốt không quá cao hoặc có khả năng hạ sốt nhưng vẫn sốt liên tục sau 48 tiếng, phụ huynh cũng cần phải đưa trẻ đi khám ngay lập tức.
Bệnh tay chân miệng đang vào mùa, cha mẹ cẩn thận
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm, địa bàn thành phố ghi nhận 300 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 75 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023).
Đáng chú ý, liên tiếp trong ba tuần gần đây, số ca mắc tay chân miệng bắt đầu có xu hướng gia tăng. Tuần qua (từ ngày 29/3 đến 5/4), Hà Nội ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 47 trường hợp so với tuần trước đó. Trước đó, tuần từ 22 - 29/3, ghi 77 ca bệnh (tăng 15 ca so với tuần trước đó), đồng thời ghi nhận 3 ổ dịch tại 3 trường mầm non. Như vậy, từ đầu năm đến nay, thành phố đã có 6 ổ dịch tay chân miệng.
Bên cạnh việc chăm sóc và tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ về việc dùng thuốc, cha mẹ cần quan sát chặt chẽ sự thay đổi trong tình trạng bệnh của trẻ. Phải chủ động đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu cần thiết để ngăn ngừa những rủi ro không mong muốn. Cha mẹ không nên tự tìm hiểu và áp dụng các phương pháp chữa trị không kiểm chứng từ internet, điều này có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Bên cạnh đó, cần hướng dẫn giáo viên về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng như sau: Rửa tay cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thường xuyên lau dọn sàn nhà, đồ chơi, đồ dùng cá nhân, bàn, ghế với dung dịch sát khuẩn.
Thêm vào đó, không nên để trẻ, mút tay, hay ngậm mút đồ chơi. Cũng không cho trẻ dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn ăn, khăn mặt, hay đồ dùng ăn uống như ly, chén, đĩa, muỗng, và đồ chơi nếu chưa được tiệt trùng.
Theo Afamily.vn Theo Phụ nữ số
|