Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhọc nhằn giáo viên mầm non


Ngày nào cũng vậy, sau thời gian trả trẻ, lúc 16h30 cho đến tối khuya, cô giáo T.H. Vân hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở Hà Nội lại sống trong tâm trạng đứng ngồi không yên dù cả ngày hôm đó không có chuyện gì xảy ra cho các cháu, trước khi cho các cháu ra về, cô cũng đã kiểm tra kỹ lưỡng tình hình sức khỏe của các cháu ở từng lớp.

Chiều tối, mỗi lần nghe chuông điện thoại hoặc có tiếng chuông cửa là cô lại phấp phỏng. Với thái độ dè chừng, thân thiện để tiếp chuyện qua điện thoại hoặc mở cửa đón khách, cô chỉ thở phào khi người cần gặp không nhắc đến chuyện  trường lớp, không phải là phụ huynh học sinh.

Chuyện phụ huynh mang con tới bắt đền cô giáo vì những vết xước nhỏ là chuyện thường ngày. Nhưng có những lúc, con nóng, con lạnh, con không chịu ngủ, phụ huynh cũng gọi đến trách cô giáo. Có cô giáo đêm tắt điện thoại, sáng sớm hôm sau bật máy lên thấy có tin nhắn của phụ huynh gửi lúc 1h. Biết có chuyện chẳng lành, cô liền tức tốc đến nhà học sinh hỏi xem sự thể ra sao. Thấy cô giáo, phụ huynh bắt đền: “Cô nói cháu chỉ bị trầy xước. Nhưng cháu thì không thể nhấc cánh tay của mình lên được, kêu đau suốt đêm”. Cô giáo đành xoa dịu tình hình bằng cách an ủi phụ huynh và xin phép chơi với học sinh. Sau khi hỏi han, vuốt ve, cô giáo cùng chạy nhảy, chơi đùa với cháu bé. Một lát sau, cô bảo cháu bé đưa tay lên cao cùng thực hiện một  điệu múa, hai cô trò cùng múa, lúc đó, phụ huynh mới biết con mình thực ra không bị sao cả mà chỉ mắc bệnh nhõng nhẽo mà thôi.

Ngày mới ra trường, cô giáo N.T.K Lan ở quận Ba Đình cũng đã từng khóc sướt mướt. Trong lớp cô dạy có 2 cháu bé rất thích cào cấu nhau. Tuy đã biết trước và đặc biệt để mắt đến nhưng có lúc, cô vẫn không nhanh bằng 2 cháu. Buổi chiều, khi phụ huynh đến đón con, cô đã giải thích và xin lỗi nhưng phụ huynh vẫn cứ sừng sộ trách mắng.

Một điều mà các cô giáo thường lo lắng là tuổi nghề. Muốn làm được cô giáo mầm non, muốn dạy tốt các cháu, cô giáo phải biết hát, biết múa. Nhưng đến tuổi 35-40, ít ai hoạt bát, dẻo dai để múa tốt, để cùng chạy chơi với các cháu. Tại một vài trường dân lập, khi không còn những kỹ năng để đứng lớp ở trường mầm non, các cô giáo buộc phải chuyển sang làm quản lý hay bảo mẫu. Yếu tố quan trọng khác gây trở ngại cho giáo viên mầm non là áp lực công việc thì nhiều nhưng chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên lại chưa thỏa đáng.

Theo số liệu từ Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) hiện cả nước có 159.134 giáo viên nhà trẻ và mầm non, nhưng chỉ có 61.319 giáo viên trong biên chế (chiếm tỷ lệ 42%). Cả nước còn đến 58% giáo viên mầm non ngoài biên chế, đời sống hoàn toàn phụ thuộc vào đóng góp học phí của phụ huynh hoặc ngân sách ít ỏi của địa phương. Nơi nào kinh tế khá giả thì thu nhập của giáo viên đủ sống, nơi nào khó khăn, cuộc sống người dân eo hẹp thì giáo viên mầm non cũng phải đồng cam cộng khổ theo. Qua khảo sát cho thấy, các cô giáo hầu hết gắn bó với nghề do lòng yêu trẻ chứ với mức thu nhập chưa nổi 1 triệu đồng đi làm từ sáng sớm đến tối mới về thì quả là chưa xứng đáng với công sức bỏ ra.

Cô N.T.K Lan cho biết: “Làm cô giáo, nhất là cô giáo mầm non thì nghèo là đúng rồi. Nhưng bù lại, chúng tôi cười suốt ngày. Các em vui lắm, dễ thương lắm. Có nhiều phụ huynh và học sinh cả chục năm sau vẫn nhớ đến mình”. Cùng quan điểm này, cô H.T Minh, giáo viên mầm non ở Từ Liêm cũng cho rằng đi làm nghề này do yêu thích công việc chứ nghĩ đến đồng lương mà mình nhận được thì rất chán. Cô Minh nhẩm tính, lương mới ra trường chỉ có vài trăm ngàn đồng, cộng thêm vài trăm tiền ăn trưa và tiền làm ngoài giờ. Vậy mà thời gian dành cho các cháu từ sáng đến tận xế chiều, không có thời gian làm thêm việc  gì khác.

Làm thế nào để nâng cao chất lượng cuộc sống cho giáo viên mầm non, nhằm tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác vẫn còn là một câu hỏi mở dành cho các ngành, các cấp liên quan.

Theo Hà Nội Mới