Cải thiện nguy cơ sinh non bằng điều trị dự phòng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có xấp xỉ 15 triệu trẻ sinh non, chiếm hơn 1/10 tổng số trẻ sơ sinh. Để hạn chế nguy cơ, việc điều trị dự phòng sinh non bằng các phương pháp y học hiện đại, kiểm soát tốt thai kỳ thực sự cần thiết. Một thai kỳ được xem là khỏe mạnh khi sản phụ chuyển dạ sinh ở tuần thai 39-40. Những trường hợp trẻ sinh sau 22 tuần và trước 37 tuần được gọi là sinh non. Nguy cơ sức khoẻ đối với trẻ sinh non rất cao so với trẻ sinh đủ tháng.
"Sinh non được định nghĩa là em bé ra đời từ tuần thai 22 đến trước tuần 37, đương nhiên trong mốc thời gian này thì sinh ở giai đoạn sớm từ 20-30 tuần thì nguy hiểm hơn rất nhiều so với sinh sau 30 tuần, còn tuổi thai càng cao thì nguy cơ cho em bé càng thấp"- BS Tạ Việt Cường, Phó giám đốc Trung tâm khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết.
Tai biến sinh non là một trong nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Nếu em bé may mắn cứu được cũng có thể để lại nhiều di chứng về sau do chưa được phát triển hoàn chỉnh trong bụng mẹ về thần kinh, thị giác, thính giác, hệ hô hấp, hệ miễn dịch...
Dọa sinh non và sinh non là trường hợp cần được phát hiện, chẩn đoán, xử trí can thiệp kịp thời Khi sản phụ mang thai, các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng dọa sinh non có liên quan đến người mẹ, thai nhi và phần phụ. Yếu tố xuất phát từ người mẹ thường thấy trong trường hợp hở eo tử cung, cổ tử cung ngắn, có tiền sử khoét chóp cổ tử cung; bị viêm nhiễm như viêm nhiễm âm đạo, viêm đường tiết niệu không triệu chứng, viêm nha chu...; có những bất thường ở tử cung như u xơ tử cung, dị dạng tử cung bẩm sinh...; có tiền sử sinh non qua di truyền như bản thân người mẹ trước đây đã bị tình trạng sinh non...
Yếu tố xuất phát từ thai nhi và phần phụ thường gặp trong trường hợp đa thai, có thai sau thụ tinh trong ống nghiệm, nhiễm khuẩn ối, ối vỡ non, thai nhi chậm tăng trưởng, thai nhi có khuyết tật; bị nhau tiền đạo, nhau bong non, đa ối...
Chẩn đoán xác định trường hợp dọa sinh non khi sản phụ mang thai có tuổi thai từ hết 22 tuần đến hết 37 tuần, có cơn co tử cung gây đau với ít nhất là 2 cơn trong 1 giờ, có sự biến đổi cổ tử cung, có thể có ra máu hay chất nhầy màu hồng ở âm đạo...
Để xác định nguy cơ sinh non không chỉ dựa vào một chỉ số hay một lần khám mà cần dựa vào cả một quá trình theo dõi và các chỉ số ví dụ như chiều dài cổ tử cung, cơn co tử cung ...còn có trường hợp sinh non do bị rỉ ối và vỡ ối nữa. Nguy cơ này sẽ giảm đi khi người phụ nữ được đi khám thai đầy đủ, kỹ càng, các bác sỹ sẽ chú ý đến tất cả những thay đổi của người mẹ qua việc hỏi bệnh, thăm khám, siêu âm, đánh giá toàn trạng cũng như chi tiết, từ việc rất nhỏ như có thấy tử cung gò cứng thường xuyên không, có thấy ra dịch âm đạo không... BS Cường nói.
BS Tạ Việt Cường, PGĐ Trung tâm khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe sinh sản Bệnh viện Phụ sản HN Một số biện pháp dự phòng ngăn ngừa sinh non:
Khám và sàng lọc tiền hôn nhân cho tất cả các cặp vợ chồng để sớm phát hiện ra các yếu tố nguy cơ. Khám và điều trị các bệnh về răng miệng, bệnh đường tiết niệu, nếu có trước và trong khi mang thai. Khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm các bệnh viêm nhiễm âm đạo và điều trị. Siêu âm đo chiều dài cổ tử cung từ tuần 16 đến 22 của thai kỳ. Khám thai định kỳ đúng hẹn để phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp dự phòng các trường hợp nguy cơ sinh non. Có nhiều phương pháp dự phòng sinh non: khâu vòng cổ tử cung, đặt vòng nâng cổ tử cung, đặt progesterone âm đạo.
Tiêm thuốc trưởng thành phổi thai nhi cho các trường hợp mang thai có nguy cơ sinh non khi có chỉ định của bác sĩ.
Sử dụng thuốc cắt cơn gò tử cung khi có chỉ định.
Trả lời câu hỏi về việc nhiều gia đình lo ngại việc tiêm thuốc trưởng thành phổi, dự phòng sinh non sẽ ảnh hưởng cho em bé sau này, BS Tạ Việt Cường, Phó giám đốc Trung tâm khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: Tiêm trưởng thành phổi với tuần thai quá non giúp cho em bé có khả năng thở tốt hơn, hạn chế, giảm các vấn đề do bệnh võng mạc trẻ đẻ non, nhưng cũng không hoàn toàn không có tác dụng phụ gì, một số trường hợp quan sát thấy hiện tượng đóng sớm ống động mạch, thiểu ối, hoặc tăng đường huyết của mẹ cũng gây ảnh hưởng đến con, vì vậy khi tiêm trưởng thành phổi người bác sỹ sản khoa thường phải có một đánh giá tổng quan, tình trạng mẹ tình trạng thai các nguy cơ và các mặt lợi ích để cùng thảo luận với gia đình đưa ra quyết định phù hợp. tiêm hay chưa tiêm, hay không tiêm, tiêm vào thời điểm nào, theo dõi như nào sau tiêm...
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sinh non, trong đó vẫn có những trường hợp có thể phòng tránh mà bà bầu cần biết và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để ngăn ngừa nguy cơ này.
Theo Afamily.vn Theo VOV
|