Dậy thì sớm ở trẻ có đáng lo ngại?
Dậy thì sớm ở trẻ, nhất là ở các bé gái đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Trong một số trường hợp, dậy thì sớm có thể là biểu hiện của những bệnh lý nguy hiểm như u nang buồng trứng, u não, các bệnh tuyến giáp... Hiện nay, dậy thì sớm là tình trạng khá phổ biến ở cả bé trai và bé gái. Đây được coi là giai đoạn đặc biệt khi cơ thể có sự thay đổi lớn, từ một đứa trẻ thành một người trưởng thành.
Theo các bác sĩ, dậy thì sớm là sự xuất hiện những biểu hiện về thể chất và hormon của tuổi dậy thì ở lứa tuổi sớm hơn bình thường. Với các bé gái, tuổi dậy thì thường bắt đầu từ 8-12 tuổi, ở bé trai từ 9-14 tuổi. Tuổi dậy thì sớm đối với bé gái là trước 8 tuổi và và đối với bé trai là trước 9 tuổi.
Tỷ lệ trẻ bị dậy thì sớm ở bé gái thường cao hơn so với bé trai. Đáng nói, nguy cơ này tăng cao hơn ở những trẻ bị thừa cân, ăn uống thừa chất.
Dậy thì sớm là tình trạng phát triển các đặc tính sinh dục sớm hơn bình thường. Với bé gái, dấu hiệu dậy thì sớm là thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài, phát triển tuyến vú và tăng nhanh về chiều cao, sau đó là các dấu hiệu dậy thì khác như mọc lông, kinh nguyệt. Đối với bé trai, dấu hiệu của dậy thì sớm là tăng thể tích tinh hoàn, tiếp đó là các dấu hiệu khác như: "vỡ giọng", mặt xuất hiện mụn trứng cá, mọc lông mu, lông nách...
Chiều cao, cân nặng tăng nhanh, thay đổi tính khí, cơ thể có mùi...là biểu hiện dậy thì sớm được ghi nhận ở cả hai giới.
Bố mẹ thường xuyên cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để theo dõi sự phát triển của con (Ảnh minh họa: KT) Theo phân tích của các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm, trong đó, chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố tác động nhiều đến tuổi dậy thì. Trẻ mắc bệnh béo phì thường dậy thì sớm hơn so với trẻ cùng tuổi, trẻ thiếu chất dinh dưỡng thường dậy thì muộn hơn. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường, chất lượng thực phẩm... cũng là những yếu tố tác động đến nội tiết và khiến trẻ bị dậy thì sớm.
Một nguyên nhân khách quan khác khiến trẻ bị dậy thì sớm đó là trẻ sớm được tiếp xúc với nhiều hình ảnh không lành mạnh từ sách báo, phim ảnh. Những hình ảnh này đã tác động lên tuyến yên, buồng trứng và tử cung làm bé gái dậy thì sớm.
Trẻ dậy thì sớm có thể phải "gánh chịu" những hệ lụy không tốt. Ban đầu trẻ có thể phát triển nhanh về chiều cao nhưng sau đó sẽ tăng chậm lại và thấp hơn các bạn cùng lứa tuổi và thường không thể đạt được chiều cao tối đa của người trưởng thành.
Cùng với đó, tâm lý của trẻ dậy thì sớm cũng bị ảnh hưởng, trẻ sẽ mặc cảm về sự phát triển "lạ lùng" của cơ thể khi so sánh với các bạn cùng tuổi; Trẻ có nguy cơ bị lạm dụng tình dục do chưa biết tự bảo vệ bản thân. Chính vì vậy, việc phát hiện dậy thì sớm ở trẻ là rất quan trọng.
Các bậc cha mẹ nên tìm hiểu kỹ về tình trạng này để bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của trẻ. Nếu nghi ngờ trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm thì nên cho con đi thăm khám, chẩn đoán và can thiệp sớm để đưa tốc độ tăng trưởng của trẻ về mức bình thường.
Phòng ngừa dậy thì sớm ở trẻ Bác sĩ Nguyễn Đăng Khiêm - Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô cho biết, dậy thì sớm có liên quan đến tình trạng thừa cân béo phì ở bé gái, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân đối để trẻ không bị béo phì.
Dậy thì sớm ở bé gái là một quá trình phát triển tự nhiên và phụ huynh có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, chăm sóc con em mình
Một trong những việc quan trọng cần làm là cha mẹ luôn chú ý cân bằng dinh dưỡng cho trẻ với đầy đủ khoáng chất, vitamin, protein, chất xơ; hạn chế tối đa thức ăn nhanh, thức ăn chứa nhiều đường và chất béo; Kiểm soát cân nặng cho bé bằng cách duy trì thói quen tập luyện nhẹ, hạn chế tiêu thụ thức ăn quá mức dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì.
Bác sĩ Nguyễn Đăng Khiêm - Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô
Ngoài ra, bố mẹ thường xuyên cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để theo dõi sự phát triển của con.
Cũng theo bác sĩ Khiêm, dậy thì sớm có thể gây ra nhiều rủi ro cho bé gái như: thời gian dậy thì ngắn, tự ti về ngoại hình, lạm dụng tình dục... Dậy thì sớm ở bé gái có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh về hội chứng rối loạn nội tiết tố, hội chứng buồng trứng đa nang... Do vậy, bố mẹ không nên chủ quan mà hãy lắng nghe, chia sẻ, động viên các vấn đề bé gái gặp phải và điều trị sớm cho trẻ.
Ngoài ra, nhiều bậc phụ huynh quan niệm, cho trẻ uống nhiều sữa là trẻ dậy thì sớm vì vậy đã cắt luôn nguồn sữa của các bé. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy uống sữa gây dậy thì sớm ở trẻ em. Ngược lại, việc cắt chế độ uống sữa sẽ gây thiếu hụt nguồn thực phẩm bổ sung canxi giúp trẻ tăng sức đề kháng và phát triển chiều cao.
Bác sĩ Khiêm cũng cho rằng, trẻ dậy thì sớm phát triển nhanh về chiều cao nhưng cũng sẽ ngừng phát triển sớm hơn. Nếu không được điều trị, sự phát triển chiều cao sẽ sớm kết thúc. Nếu được điều trị kịp thời sẽ giúp làm chậm quá trình dậy thì của trẻ, làm giảm tốc độ tăng trưởng của tuổi xương, trẻ kéo dài thời gian để đạt chiều cao tốt khi trưởng thành.
Bác sĩ cũng lưu ý, với trẻ gái bị dậy thì sớm, tính khí có thể thay đổi thất thường, thi thoảng có cảm xúc buồn chán vu vơ trong khi trẻ còn quá nhỏ để hiểu và đối phó với những thay đổi này. Do đó, nếu được điều trị sẽ làm giảm sự phát triển nhanh về thể chất, góp phần làm giảm gánh nặng tâm lý cho trẻ.
Với các bậc cha mẹ, khi trẻ chuẩn bị bước vào tuổi dậy thì, nên gần gũi, chia sẻ cách chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Đồng thời, hướng dẫn trẻ cách giữ vệ sinh hàng ngày, đặc biệt trong những ngày có kinh nguyệt. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần dạy con các kiến thức về tình dục, cách bảo vệ bản thân để tránh bị lạm dụng tình dục và mang thai ngoài ý muốn.
Theo Afamily.vn Theo VOV
|