3 thói quen dễ làm tổn thương não bé nhất: Mẹ biết sớm sẽ không phải hối hận sau này
Một số thói quen làm tổn thương não trẻ bắt nguồn từ các thói quen hằng ngày của cha mẹ.
Cơ thể trẻ sơ sinh rất mỏng manh, việc chăm sóc cho trẻ lúc này rất quan trọng. Có một số thói quen xấu của người mẹ sẽ trở thành vấn đề lớn khi con lớn lên. Để tránh mắc phải những sai sót không đáng có trong quá trình này, ngay từ khi bé mới sinh ra người mẹ càng đặc biệt lưu ý.
Trí não của trẻ phát triển rất nhanh trong những năm đầu đời, đặc biệt có 3 thói quen dễ làm tổn thương não của trẻ nhất, người mẹ không nên lơ là.
3 thói quen làm tổn thương não trẻ nhất
1. Rung lắc trẻ quá mức Rung lắc trẻ quá mức có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh. Rung lắc mạnh và không kiểm soát có thể gây ra chấn thương não, gây ra sự di chuyển và va đập của não bên trong hộp sọ, làm tổn thương mạch máu và tạo ra các vết thương trong não. Đây được gọi là hội chứng chấn thương não do rung lắc (Shaken Baby Syndrome).
Không nên rung lắc trẻ sơ sinh. Hội chứng chấn thương não do rung lắc có thể gây ra cho trẻ các vấn đề nghiêm trọng như tình trạng co giật, thiểu năng trí tuệ, khó khăn trong việc học hỏi và phát triển, khó tập trung, tâm thần không ổn định và thậm chí có thể gây tử vong.
Vì vậy, trong giai đoạn trẻ sơ sinh, người mẹ và người thân chăm sóc cần tránh rung lắc trẻ. Nếu người mẹ có bất kỳ cảm giác căng thẳng, khó chịu, hoặc không biết làm thế nào để xử lý trẻ, hãy tìm sự giúp đỡ từ người khác, chẳng hạn như gia đình, bạn bè, hoặc chuyên gia chăm sóc trẻ em.
2. Cho trẻ ăn quá no
Trong quá trình cho bé ăn hằng ngày, người mẹ cũng cần lưu ý không nên cho trẻ ăn quá no. Theo từng độ tuổi, lượng thức ăn của trẻ sẽ thay đổi và tăng dần.
Nếu cho trẻ ăn quá nhiều cũng sẽ khiến áp lực nội sọ tăng lên, lúc này cũng sẽ dẫn đến khả năng trẻ bị thiếu oxy não, các mẹ cần chú ý điều này.
Bên cạnh đó, việc cho trẻ bú sữa quá nhiều so với mức cần thiết, dồn dập và liên tục có thể gây ra một số vấn đề khác như quá no, khó tiêu hóa hết, làm tăng nguy cơ tăng cân nhanh và dẫn đến vấn đề về cân nặng trong tương lai.
Quan trọng nhất là đảm bảo trẻ được cho ăn theo nhu cầu của mình và theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
3. Trẻ thiếu ngủ
Các nhà khoa học từ lâu đã nhận ra rằng, trẻ ngủ đủ giấc trong thời thơ ấu có thể có lợi cho việc phát triển trí não.
Một nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Ze Wang thuộc Đại học Maryland, Mỹ đã tiến hành xem xét việc thiếu ngủ ảnh hưởng như thế nào đến cấu trúc não của trẻ em. Họ sử dụng dữ liệu từ nghiên cứu Phát triển nhận thức não bộ vị thành niên (ABCD) của NIH, với gần 12.000 tình nguyện viên ở độ tuổi 9-10.
Các kết quả cho thấy trẻ em thiếu ngủ có nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần và hành vi hơn so với những trẻ ngủ đủ giấc. Nó bao gồm sự bốc đồng, căng thẳng, trầm cảm, lo lắng, hành vi hung hăng và các vấn đề về suy nghĩ.
Những đứa trẻ ngủ không đủ giấc cũng bị suy giảm các chức năng nhận thức như ra quyết định, giải quyết xung đột, trí nhớ làm việc và khả năng học tập.
Hình ảnh siêu âm não cho thấy sự khác biệt trong cấu trúc và chức năng của não giữa 2 nhóm trẻ. Kết quả được đăng trên tạp chí Lancet Child & Adolescent Health vào ngày 29/7/2022.
Tóm lại, có một số thói quen dễ làm tổn thương não của trẻ nhưng nhiều cha mẹ không nhận ra. Theo thời gian, những điều này đã hình thành nên thói quen xấu khó bỏ, từ đó tác động rất đáng kể tới sự phát triển của trẻ và để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc. Đó là lý do vì sao cha mẹ nên sớm nhận biết những gì tác động xấu tới não bộ của con mình.
Theo Afamily.vn Theo Phụ nữ số
|