4 điều nên tránh khi chăm trẻ sơ sinh dịp Tết
Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch non yếu, phụ huynh chủ động phòng bệnh ngày Tết cho con bằng cách ngủ đủ giấc, không vui chơi quá đà, tránh ôm, hôn. ThS.BS Trịnh Thanh Lan, Trung tâm Sơ Sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, dị ứng, viêm da, rối loạn tiêu hóa trong dịp Tết. Nguyên nhân có thể do thay đổi thời tiết hoặc chăm sóc chưa đúng cách.
Bác sĩ Thanh Lan đưa ra 4 lưu ý cho các cha mẹ bảo vệ sức khỏe cho bé vào dịp Tết.
Ôm, hôn trẻ sơ sinh
Sức đề kháng của trẻ sơ sinh còn non yếu nên dễ mắc bệnh truyền nhiễm. Thể hiện tình cảm với trẻ qua những nụ hôn có thể vô tình làm lây lan nhiều vi khuẩn, virus nguy hiểm, trong đó có virus Herpes, cúm, quai bị, tay chân miệng, thủy đậu, sởi, viêm màng não...
Theo một nghiên cứu công bố vào tháng 12/2020 của Trường Đại học Harvard, Mỹ, trong miệng của con người có chứa hàng nghìn tỷ tế bào vi khuẩn. Mỗi vùng trong khoang miệng (lưỡi, răng nướu, hầu - họng) lại có một nhóm vi khuẩn đặc thù khu trú. Đây là nguồn lây bệnh phổ biến thông qua các hành động như hôn, hắt xì...
Người lớn cần rửa tay sạch, đeo khẩu trang khi chạm vào bé. Người có dấu hiệu bệnh hô hấp như ho, sốt, sổ mũi không nên tiếp xúc với trẻ.
Cho trẻ mặc quần áo mới chưa giặt
Nhiều phụ huynh có thể ướm quần áo mới hoặc cho trẻ mặc luôn mà không giặt. Quần áo mới mua phải được giặt sạch mới cho trẻ mặc nhằm bảo vệ bé khỏi nguy cơ dị ứng bụi vải, thuốc nhuộm.
Trong quá trình in và nhuộm quần áo, nhà sản xuất sử dụng chất formaldehyde thêm vào để cố định màu và chống nhăn. Chất này có thể tan trong nước, được khử sạch nếu giặt lại quần áo với nước. Ngược lại, nếu mua quần áo về mặc ngay không giặt, bé tiếp xúc lâu dài với formaldehyde có thể gây ra bệnh bạch cầu và chảy máu cam, sưng tấy, viêm da...
Phụ huynh cho con ăn, ngủ đúng giờ giấc trong những ngày Tết. Ảnh: Freepik Cắm hoa trong phòng của trẻ
Dịp Tết nhiều gia đình thường cắm nhiều hoa trang trí nhà cửa, phòng để không gian mang màu sắc tươi mới. Hương thơm của hoa tươi cũng giúp mọi người trong nhà cảm thấy dễ chịu.
Bác sĩ Thanh Lan lưu ý phòng ngủ trẻ sơ sinh không nên cắm hoa tươi hoặc trưng bày nhiều cây xanh. Các loại hoa tươi, cây cối vào ban đêm sẽ hô hấp, hút vào khí oxy và thải ra khí cacbonic. Nếu để hoa tươi trong phòng ngủ dễ gây khó thở.
Các loại hoa có phấn hoa còn làm tăng nguy cơ dị ứng, ảnh hưởng không tốt đến hệ hô hấp còn yếu của bé. Một số loài hoa trồng dịp Tết có thể sử dụng thêm các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất dưỡng hoa... Vì thế phụ huynh tuyệt đối để xa tầm tay trẻ nhỏ.
Xáo trộn giờ giấc sinh hoạt
Dịp Tết, người lớn thường bận chăm sóc nhà cửa, bày mâm cỗ, tiếp đón khách đến chơi nhà, nên giờ giấc sinh hoạt của bé sơ sinh có thể đảo lộn.
Phụ huynh nên duy trì giờ giấc sinh hoạt của bé như mọi ngày, tránh thay đổi đồng hồ sinh học, chú ý cho con ăn đủ no. Trung bình, trẻ sẽ cần được uống sữa sau 2-3 giờ, mỗi lần bú kéo dài khoảng 10-15 phút mỗi bên ngực. Khi bé đói hay ăn chưa đủ nó, bé có thể khóc, mút ngón tay, chép miệng liên tục, thường xuyên ngọ nguậy...
Những ngày Tết, giấc ngủ bé dễ xáo trộn do cha mẹ làm công việc hoặc tiếng ồn khiến trẻ thức giấc. Thời gian ngủ cũng bị chia nhỏ, vì sau khoảng 2-3 giờ trẻ phải uống sữa mẹ hoặc 3-4 giờ đối với trẻ bú sữa công thức. Do đó, phụ huynh nên duy trì môi trường quen thuộc, an toàn để con có giấc ngủ ngon.
Bác sĩ Thanh Lan khuyến cáo phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ, trong dịp Tết cần chú trọng ăn uống, tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Thực phẩm những ngày Tết đa phần chứa nhiều nếp, mỡ, bánh kẹo, hành muối, dưa chua sử dụng quá nhiều có thể gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ bú mẹ.
Tuệ Diễm (Vnexpress.net)
|