Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ ho, sốt có thể đi máy bay?


 

 

Con tôi gần hai tuổi, đang ho, sốt nhẹ, cảm lạnh... có thể đi máy bay từ TP HCM ra Hà Nội được không, nên lưu ý gì? Làm cách nào để bé bớt ù tai khi đi máy bay? (Minh Ánh)


Trả lời:

 

Thời điểm giao mùa dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ do sức đề kháng còn yếu. Trẻ có thể mắc bệnh viêm đường hô hấp như viêm tiểu phế quản, viêm phổi, cúm mùa..., biểu hiện chính là sốt, ho.

 

Cuối năm, các gia đình ở những thành phố lớn thường di chuyển bằng xe, tàu hỏa, máy bay... trở về quê đón Tết. Đặc biệt khi khoảng cách xa, ba mẹ thường lo lắng trẻ đang bệnh có thể đảm bảo cho trẻ an toàn trong chuyến đi hay không.

 

Nếu trẻ đang ho, sốt nhẹ do bệnh thường gặp, không nguy hiểm vẫn có thể đi máy bay. Trường hợp bé sốt cao liên tục không hạ, trẻ mệt, lừ đừ, có thể liên quan đến một số bệnh nguy hiểm, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bệnh để an toàn.

 

Trường hợp trẻ mắc thêm các bệnh lý đặc biệt như bệnh bẩm sinh (tim, phổi...), sinh non, suy giảm miễn dịch, khi có triệu chứng sốt, ho, cũng cần được bác sĩ khám và đánh giá.

 

Thời điểm giao mùa trẻ dễ bị ho sốt. Ảnh minh họa: Freepik


Trường hợp trẻ bị bệnh di chuyển bằng máy bay, phụ huynh lưu ý chuẩn bị thuốc hạ sốt (paracetamol) theo liều lượng phù hợp với từng trẻ. Ngoài ra, cần mang theo nước muối sinh lý để xịt hoặc nhỏ mũi cho trẻ trong trường hợp trẻ khó chịu vì nghẹt mũi.

 

Cha mẹ nên cho con uống đủ nước, tránh mất nước, có thể góp phần gây tăng thân nhiệt. Nên giữ đủ ấm cho trẻ, giữ vệ sinh, có thể thường xuyên sát khuẩn tay, nhắc nhở con không cho tay lên mắt, mũi, miệng, đeo khẩu trang khi không ăn uống.

 

Đối với trẻ có bệnh lý đặc biệt, cha mẹ cần thông báo trước cho nhân viên hãng hàng không để được hỗ trợ.

 

Khi máy bay cất và hạ cánh, áp suất không khí thay đổi có thể khiến hệ thống vòi nhĩ bị tắc lại gây áp lực lên màng nhĩ, bé khó chịu, ù tai, tăng triệu chứng đau và nguy cơ nhiễm trùng tai. Lúc này, động tác nhai và nuốt có thể giữ cho các ống tai trong mở ra và điều chỉnh sự thay đổi áp suất, giảm đau do thay đổi áp suất không khí.

 

Nguy cơ này càng dễ xảy ra ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi do hệ thống vòi nhĩ, tuyến lệ, mũi... chưa hoàn thiện, dễ bị tắc gây đau. Mẹ có thể cho trẻ nhỏ bú mẹ, bú bình, ngậm ti giả ở hai thời điểm này để giữ ống tai luôn mở, thông thoáng, giảm đau.

 

Theo Vnexpress.net

BS.CKI Võ Thị Minh Tuyền

Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HC