Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

STEM trong trường học: Trường vùng khó không đứng ngoài cuộc


 

Do điều kiện khó khăn, học sinh một số tỉnh miền núi ít có cơ hội tiếp cận công nghệ, giáo dục STEM.

 

Giảng viên Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Ngày hội STEM cho học sinh Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Dế Xu Phình. Ảnh: NVCC

 


Để học trò không bị thiệt thòi, giáo viên, nhiều trường đã chủ động tìm hiểu, nỗ lực vận động xã hội hoá; kêu gọi trường đại học hỗ trợ tập huấn, tổ chức phương pháp giáo dục STEM.

 

Vượt lên chính mình


Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (Si Ma Cai, Lào Cai) nằm ở huyện miền núi, điều kiện kinh tế khó khăn. Bởi vậy, để có một tiết giảng dạy bằng phương pháp giáo dục STEM, cô Hoàng Thị Thủy cũng như đồng nghiệp phải vượt lên chính mình, không ngừng học tập, nghiên cứu, mày mò thử nghiệm thiết bị, dụng cụ và căn cứ theo điều kiện cơ sở vật chất để triển khai.

 

Cùng đó, cô Thuỷ tận dụng các buổi tập huấn giáo dục STEM do phòng GD&ĐT tổ chức để học hỏi kinh nghiệm của chuyên gia, đồng nghiệp; tìm kiếm các đơn vị, tổ chức để xin tài trợ thiết bị phục vụ giáo dục STEM như robot, nguyên vật liệu...

 

Tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm với giáo dục STEM, Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chéng hằng năm còn tổ chức các cuộc thi, ngày hội STEM; khuyến khích giáo viên lồng ghép STEM vào môn học; tái chế chai nhựa, vỏ ngô, hột hạt, bột mì... để áp dụng vào bài dạy.

 

Tương tự, thầy Phan Trường Giang - Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS & THPT huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) khẳng định, giáo dục STEM giúp học trò được học đi đôi với hành. Trước đây, các em chỉ học trên nền lý thuyết, hạn chế thực hành, với giáo dục STEM có cơ hội được vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề thực tế.

 

"Học sinh có thể ứng dụng kiến thức môn Hóa học, Sinh học để tự làm sữa chua, giá đỗ. Từ các công thức Toán học có thể ra khuôn viên trường để thực hiện đo diện tích; đo chiều cao của cây qua bóng... Với hình thức này các em học tập hứng thú, giảm áp lực", thầy Giang nói.

 

Học sinh Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai, Lào Cai) tham gia hoạt động giáo dục STEM. Ảnh NVCC.

 

Chung tay với thầy trò vùng khó


Để hỗ trợ các trường vùng khó trong giáo dục STEM, khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, giảng dạy cho giáo viên, học sinh các trường miền núi tỉnh Yên Bái, Quảng Bình...

 

Theo đó, giảng viên, sinh viên khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục chia sẻ kinh nghiệm phát triển hoạt động dạy và học dựa trên cách tiếp cận giáo dục STEM. Trong mỗi dự án, khoa đều hỗ trợ các thầy, cô giáo mầm non, tiểu học và THCS cả về chuyên môn, kỹ năng, phương pháp.

 

"Chúng tôi thiết kế 17 bài giảng STEM mẫu cho các lớp mẫu giáo, tiểu học và THCS dựa trên Chương trình GDPT 2018. Bài giảng hầu hết do các trường đề xuất theo yêu cầu thực tiễn của từng trường, địa phương", PGS. TS Lê Hiếu Học - Trưởng khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục, Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin.

 

Bên cạnh đó, khoa còn tổ chức tập huấn trực tiếp cho 27 giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Dế Xu Phình - Mù Cang Chải (Yên Bái); 100 giáo viên mầm non, tiểu học và THCS thành phố Lai Châu (Lai Châu) và 150 giáo viên tiểu học và THCS huyện Bố Trạch (Quảng Bình) về kỹ năng thiết kế, tổ chức thực hiện bài giảng STEM; tư vấn trực tuyến sau đào tạo giúp giáo viên tự thiết kế bài giảng.

 

PGS. TS Lê Hiếu Học cho biết thêm, sau tập huấn, giáo viên các trường đã tự tin, chủ động triển khai ứng dụng giáo dục STEM trong giờ dạy. Tại Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Dế Xu Phình, thầy cô đã áp dụng nội dung tập huấn để tham gia cuộc thi dành cho giáo viên cấp huyện và đạt kết quả cao. Ở Lai Châu, giáo viên tự tổ chức các lớp tập huấn cho các trường dựa trên kiến thức tiếp nhận từ dự án.

 

Tháng 12/2023, khoa đã tập huấn đợt 2 cho Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Dế Xu Phình. Theo đó, giáo viên được tập huấn trực tuyến để chuẩn bị bài giảng STEM, thực giảng với sự dự giờ của giảng viên khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục.

 

"Trong đợt tập huấn này, chúng tôi đã hướng dẫn các thầy cô nghiên cứu tình huống từ chính bài học mà họ tổ chức trong Ngày hội STEM", PGS. TS Lê Hiếu Học nói.

 

Đối với giáo viên, học sinh vùng khó, được tiếp cận giáo dục STEM là điều quý giá, giúp các em làm quen với công nghệ, khuyến khích sự tò mò. Thầy Trần Đăng Cường - giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Dế Xu Phình (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) kể: "Do điều kiện còn hạn hẹp, thầy trò vùng cao bị hạn chế nhiều trong tổ chức hoạt động giáo dục STEM. Tuy nhiên, được các trường đại học có chuyên môn sâu hỗ trợ, cập nhật công nghệ mới là cơ hội lớn giúp giáo viên tiếp cận, khai thác những phương pháp giảng dạy mới. Giờ học vì thế phong phú, hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường".

 

Đặc biệt, lần đầu tiên Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Dế Xu Phình tổ chức Ngày hội STEM với sự hỗ trợ kỹ thuật của khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục. Học trò được tham gia hoạt động chơi mà học vô cùng bổ ích, tạo động lực cho các em phấn đấu, nỗ lực với đam mê.

 

"Ngoài khuyến khích giáo viên, học sinh tận dụng các vật liệu có sẵn để ứng dụng vào giảng dạy. Chúng tôi còn liên hệ một số cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương để học sinh đến trải nghiệm, thực hành nhằm hình dung rõ hơn kiến thức từ lý thuyết áp dụng vào thực tế ra sao. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực chúng tôi sẽ sử dụng công nghệ thông tin nhằm xây dựng các video, thí nghiệm ảo...", thầy Phan Trường Giang - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS & THPT huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) chia sẻ.

 

Theo Giaoducthoidai.vn