Giúp con phát triển thói quen quản lý chi tiêu
Việc hướng dẫn con tiêu tiền, dạy con trách nhiệm tài chính là rất cần thiết. Đây là một quá trình liên tục, không phải chỉ dạy một lần là xong. Cha mẹ cần hướng dẫn, giao tiếp cởi mở và cho phép con học hỏi từ những sai lầm để giúp trẻ phát triển thói quen quản lý tiền lành mạnh.
Ảnh minh họa Trò chuyện cởi mở: Khi thấy con tiêu tiền không hợp lý, hãy bắt đầu một cuộc trò chuyện cởi mở, không phán xét con để hiểu về thói quen chi tiêu và lý do đằng sau những lựa chọn của chúng. Điều này giúp tạo ra một không gian để giao tiếp trung thực. Khi không bị phán xét, con sẽ không cần phải nói dối và sẽ nói cho cha mẹ biết vì sao con tiêu như thế.
Đặt ra kỳ vọng rõ ràng: Hãy nói với con về việc cha mẹ muốn con sử dụng tiền tiêu vặt vào những việc gì như để mua đồ ăn, nước uống, vé xe bus, quà sinh nhật bạn... Thảo luận rằng con nên chi tiêu thế nào cho hợp lý và hướng dẫn con cách đưa ra quyết định chi tiêu.
Ngoài phục vụ ăn uống, đi lại, nếu muốn mua sách, mua game, mua đồ chơi... thì con cần trao đổi trước với bố mẹ. Khi đặt ra kỳ vọng rõ ràng như vậy, con sẽ không làm khác.
Dạy kỹ năng lập ngân sách: Giúp con hiểu khái niệm lập ngân sách bằng cách giải thích cách phân bổ tiền cho các mục đích khác nhau. Chẳng hạn khoản nào là tiền mua quà sinh nhật bạn, khoản nào để tiết kiệm, khoản nào để tiêu vặt...
Khuyến khích tiết kiệm: Dạy con về lợi ích của việc dành một phần tiền tiêu vặt để tiết kiệm, cho dù đó là để mua một món đồ cụ thể hay cho các mục tiêu dài hạn vì biết tiết kiệm cho các mục tiêu trong tương lai rất quan trọng.
Dạy con phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn: Thường thì khi có tiền, trẻ sẽ tiêu vào những thứ mình muốn hơn là những thứ mình thực sự cần. Hãy thảo luận với con về sự khác biệt giữa những món đồ thiết yếu và những thứ nên có. Hiểu được điều này sẽ giúp con cân nhắc kỹ hơn trước khi chi tiêu.
Cùng con lập kế hoạch chi tiêu hoặc hiển thị bằng biểu đồ: Điều này có thể thể hiện một cách trực quan cách chúng dự định phân bổ tiền tiêu vặt của mình, giúp trẻ dễ dàng theo dõi và quản lý chi tiêu của mình hơn.
Đưa ra những hậu quả cho sự lựa chọn chi tiêu của con: Nếu con hết tiền trước cuối tuần hoặc cuối tháng, cha mẹ đừng đưa con thêm ngay lập tức. Hãy để con trải nghiệm hậu quả của những quyết định của mình.
Để con tham gia các quyết định tài chính: Cho con tham gia một số quyết định tài chính của gia đình như bàn việc chi tiêu khi đi du lịch, mua sắm trong gia đình hoặc giải thích cách bố mẹ đưa ra quyết định về những khoản mua sắm lớn hơn. Điều này giúp con có cái nhìn sâu sắc về quản lý tài chính có trách nhiệm.
Khuyến khích những lựa chọn khôn ngoan: Khuyến khích con suy nghĩ về lợi ích lâu dài của các quyết định chi tiêu của chúng. Thảo luận xem việc đưa ra những lựa chọn khôn ngoan ngay bây giờ có thể dẫn đến những phần thưởng quan trọng hơn trong tương lai như thế nào.
Làm gương: Trẻ em thường học bằng cách quan sát. Nếu cha mẹ biết cách chi tiêu khôn ngoan, biết lập ngân sách, biết tiết kiệm, con trẻ sẽ học được những điều đó. Ngược lại, nếu cha mẹ mua sắm vô độ, không biết tiết kiệm, không có ngân sách dự phòng thì con cái cũng học được những điều đó.
Hướng dẫn con chi tiêu, đừng kiểm soát: Cha mẹ chỉ hướng dẫn các con cách chi tiêu nhưng để con có toàn quyền tự chủ về tiền tiêu vặt của chúng. Có như vậy, chúng mới học được cách đưa ra quyết định, chịu trách nhiệm và học hỏi từ kinh nghiệm của mình trong vấn đề chi tiêu. Điều này cũng thúc đẩy tính độc lập ở con.
Điều chỉnh số tiền tiêu vặt: Hãy xem xét số tiền tiêu vặt hiện tại có phù hợp hay không. Nếu con liên tục gặp khó khăn trong việc quản lý khoản tiền đó, cha mẹ có thể cần phải đánh giá lại số tiền dựa trên nhu cầu của con và tình hình tài chính của gia đình.
Theo Afamily.vn Theo Phụ nữ Việt Nam
|